Hiện nay, nhu cầu về nhà ở ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Sau quá trình mua nhà ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình, nhiều người băn khoăn về trình tự và thủ tục chuyển hộ khẩu đến mua nhà mới.
Mục lục bài viết
1. Mua nhà mới có cần chuyển khẩu không?
Hộ khẩu là công cụ và là thủ tục hành chính để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý nhân khẩu theo quy định của pháp luật. Việc sinh sống hoặc di chuyển hoặc thay đổi chỗ ở là vấn đề được nhiều người quan tâm. Nếu như mua nhà mới với mục đích chuyển đến đó để sinh sống ổn định và lâu dài, thì bạn nên chuyển khẩu sang nhà mới, xuất phát từ những lý do cơ bản sau:
Thứ nhất, bị xóa đăng ký thường trú tại nơi ở cũ do thuộc một trong những trường hợp được quy định tại Điều 24 của Luật cư trú năm 2020, cụ thể như sau:
– Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không tiến hành hoạt động khai báo tạm vắng tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Người đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở xuất phát từ các giao dịch dân sự, như thuê hoặc mượn hoặc ở nhờ, nhưng đã chấm dứt việc thuê mượn hoặc ở nhờ, sau khoảng thời gian 12 tháng được tính kể từ ngày chấm dứt việc thuê hoặc mượn hoặc ở nhờ đó, nhưng vẫn chưa tiến hành thủ tục đăng ký thường trú tại chỗ ở mới;
– Người đã đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật tại chỗ ở hợp pháp, tuy nhiên sau đó quyền sở hữu chỗ ở lại chuyển sang cho người khác, sau khoảng thời gian 12 tháng theo quy định của pháp luật được tính kể từ ngày chuyển quyền sở hữu mà vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới;
– Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở cho thuê hoặc mượn nhưng đã chấm dứt việc thuê mượn đó, mà không được người cho thuê hoặc người cho mượn đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó;
– Người đó đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình tuy nhiên đã chuyển chỗ ở cho người khác, mà không được chủ sở hữu mới đồng ý cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó.
Thứ hai, chuyển hộ khẩu khi mua nhà mới để có thể được hưởng các chính sách ưu đãi tại địa phương nơi có hộ khẩu mới. Bên cạnh đó, chuyển hộ khẩu khi mua nhà ở mới sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hưởng các chế độ về an sinh xã hội.
Có thể nói, thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định và lâu dài, không có thời hạn tại một địa điểm cố định đó đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Địa chỉ thường trú được ghi nhận trong hộ khẩu và mỗi công dân chỉ được đăng ký một địa chỉ thường trú duy nhất. Căn cứ theo quy định tại Điều 23 của Luật cư trú năm 2020 có quy định về việc thay đổi nơi đăng ký thường trú. Theo đó thì người đó đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp hoặc chuyển đến chỗ ở mới nếu đủ điều kiện đăng ký thường trú thì trong thời hạn 12 tháng theo quy định của pháp luật, người này phải có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú mới. Ngoài ra, Điều 29 của Luật cư trú năm 2020 có quy định rõ, trong trường hợp chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới trong phạm vi xã phường của huyện thuộc tỉnh, chuyển đi trong cùng một quận huyện trực thuộc trung ương, chuyển đi trong cùng một xã thuộc tỉnh, thì chủ hộ hoặc người trong vụ hoặc người được ủy quyền sẽ phải làm thủ tục điều chỉnh nơi cư trú theo quy định của pháp luật. Người đến làm thủ tục điều chỉnh nơi cư trú phải nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp mới.
Như vậy có thể nói, khi mua nhà mới thì cần thiết phải làm thủ tục chuyển hộ khẩu. Tuy nhiên, không nhất thiết phải thực hiện thủ tục chuyển khẩu ngay lập tức. Việc đăng ký hộ khẩu thường trú mới phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật và hợp lệ.
2. Thủ tục chuyển hộ khẩu khi mua nhà mới như thế nào?
Thủ tục chuyển hộ khẩu khi mua nhà mới được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ để nộp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Căn cứ theo quy định tại Điều 21 của Luật cư trú năm 2020, hồ sơ chuyển khẩu khi mua nhà mới bao gồm các loại giấy tờ sau:
– Tờ khai thay đổi thông tin cư trú theo mẫu do pháp luật quy định;
– Giấy tờ chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
– Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc các loại giấy tờ về hóa đơn thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
– Hợp đồng mua bán nhà ở được ký kết hợp pháp hoặc các loại giấy tờ chứng minh về việc bàn giao nhà ở và đã nhận nhà ở của các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh đầu tư xây dựng;
– Giấy tờ về quá trình mua bán hoặc thuê mua nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai;
– Giấy tờ của cơ quan và tổ chức về việc chuyển nhượng nhà ở tạo lập trên đất do các cơ quan và tổ chức giao đất để làm nhà.
Bước 2: Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì sẽ nộp hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người chuyển khẩu sẽ về nơi đăng ký hộ khẩu cũ để cắt khẩu theo quy định của pháp luật.
Bước 3: Tiến hành thủ tục nhập khẩu tại nơi mua nhà mới. Giấy tờ để làm thủ tục chuyển khẩu đến nơi ở mới bao gồm: Tờ khai nhân khẩu theo mẫu do pháp luật quy định, phiếu báo thay đổi nhân khẩu theo mẫu do pháp luật quy định, giấy chuyển hộ khẩu được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, và các loại giấy tờ chứng minh nơi ở hợp pháp. Đối với thành phố thuộc trung ương thì công dân sẽ nộp hồ sơ tại công an cấp huyện. Còn đối với thành phố trực thuộc tỉnh thì công dân sẽ nộp hồ sơ tại công an cấp xã. 15 ngày sau bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ thì sẽ cấp hộ khẩu mới cho công dân đăng ký thủ tục chuyển khẩu khi mua nhà mới. Trong trường hợp không được đồng ý thì sẽ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do tại sao không cấp.
Bước 4: Thực hiện nghĩa vụ tài chính với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đóng lệ phí đăng ký hộ khẩu mới.
3. Điều kiện để đăng ký thường trú khi mua nhà mới:
Theo phân tích ở trên thì khi mua một căn nhà mới, công dân sẽ trở thành chủ sở hữu hợp pháp của chỗ ở đó. Khi đó thì bạn đã thỏa mãn điều kiện có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình theo Điều 20 của Luật cư trú năm 2020. Vì vậy cho nên, bạn được quyền đăng ký thường trú tại chỗ ở mới đó. Tuy nhiên không phải mọi địa điểm đều được xem là chỗ ở hợp pháp có thể tiến hành thủ tục đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật. Để được đăng ký thường trú tại chỗ ở mới thì còn phải đáp ứng được các điều kiện sau:
Thứ nhất, chỗ ở mới không thuộc các địa điểm bị cấm đăng ký thường trú căn cứ theo quy định tại Điều 23 của Luật cư trú năm 2020, cụ thể như sau:
– Chỗ ở năm trong các địa điểm cấm hoặc các khu vực cấm xây dựng, các khu vực lấn chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng và an toàn giao thông;
– Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nằm trên phần đất lấn chiếm trái quy định của pháp luật hoặc được xây dựng trên diện tích không đủ điều kiện được phép xây dựng;
– Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chỗ ở được xác định là bất động sản đang có tranh chấp;
– Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc đã có quyết định vào giữa của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ hai, nhà ở mới phải có đầy đủ các loại giấy tờ pháp lý hợp pháp và rõ ràng. Để chứng minh đó là chỗ ở hợp pháp thì cần phải có những loại giấy tờ như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, giấy phép xây dựng theo đúng quy định của pháp luật, hợp đồng mua bán nhà ở, giấy tờ xác nhận của ủy ban nhân dân về việc không xảy ra tình trạng tranh chấp, giấy tờ về việc chuyển giao quyền sở hữu nhà ở như hợp đồng tặng cho hoặc thừa kế …
Nếu thỏa mãn được các điều kiện nêu trên thì bạn mới có thể đăng ký thường trú theo thủ tục đăng ký hộ khẩu khi mua nhà mới theo như phân tích ở trên.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Cư trú năm 2020.