Công trình thiết yếu là những công trình phục vụ yêu cầu đảm bảo an ninh, quốc phòng; công trình có yêu cầu đặc biệt về kĩ thuật không thể bố trí ở ngoài phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Thủ tục cấp giấy phép thi công xây dựng công trình thiết yếu được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thủ tục cấp giấy phép thi công xây dựng công trình thiết yếu:
1.1. Chuẩn bị hồ sơ:
Căn cứ khoản 2 Điều 1 Thông tư 13/2020/TT-BGTVT sửa đổi bổ sung Thông tư
– Đơn đề nghị cấp giấy phép thi công công trình (đơn đề nghị theo mẫu tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư
– 02 bộ hồ sơ bản vẽ thiết kế thi công và biện pháp tổ chức thi công đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (bản chính). Lưu ý rằng, nội dung của bản vẽ thiết kế thi công và biện pháp tổ chức thi công phải thể hiện những nội dung sau:
+ Nội dung của bản vẽ thiết kế thi công:
++ Thể hiện quy mô công trình;
++ Hạng mục công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
++ Các nội dung quy định tại các điểm b, c, d khoản 4 điều 13 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT được sửa đổi bởi khoản 2 điều 1 thông tư 39/2021/TT-BGTVT.
+ Biện pháp tổ chức thi công thể hiện:
++ Phương án thi công;
++ Phương án bảo đảm an toàn trong thi công xây dựng, an toàn giao thông và tổ chức giao thông.
1.2. Nộp hồ sơ:
Tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục cấp giấy phép thi công xây dựng công trình thiết yếu nộp bộ hồ sơ đã chuẩn bị nêu trên đến cơ quan chức năng có thẩm quyền bằng một trong các phương thức sau:
– Nộp hồ sơ trực tiếp;
– Nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính;
– Nộp hồ sơ bằng các hình thức phù hợp.
Cơ quan chức năng có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ cấp giấy phép thi công xây dựng công trình thiết yếu là Cục Quản lý đường bộ hoặc Sở Giao thông vận tải được giao quản lý tuyến.
1.3. Giải quyết hồ sơ:
– Tiếp nhận hồ sơ:
+ Đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: sau khi kiểm tra thành phần hồ sơ, nếu hồ sơ đúng quy định thì tiếp nhận hồ sơ; nếu hồ sơ không đúng quy định, hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ.
+ Đối với trường hợp nộp gián tiếp (qua hệ thống bưu chính hoặc bằng những hình thức phù hợp khác), cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, chậm nhất là sau 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ phải có văn bản hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện.
– Thẩm định hồ sơ và trả kết quả:
+ Cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính tiến hành thẩm định hồ sơ, nếu như đủ điều kiện thì phải có văn bản chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu và cấp giấy phép thi công công trình thiết yếu.
+ Trường hợp không chấp thuận, không cấp giấy phép thi công công trình thiết yếu thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
– Thời hạn cấp giấy phép thi công xây dựng công trình thiết yếu: không quá 7 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
2. Quy định công trình thiết yếu xây dựng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ:
– Công trình thiết yếu bao gồm:
+ Công trình phục vụ yêu cầu đảm bảo an ninh, quốc phòng;
+ Công trình có yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật không thể bố trí ngoài phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bao gồm có:
++ Công trình viễn thông;
++ Công trình điện lực;
++ Công trình chiếu sáng đường bộ;
++ Công trình cấp nước;
++ Công trình thoát nước;
++ Công trình xăng, dầu, khí, năng lượng, hóa chất.
– Trường hợp không thể xây dựng bên ngoài phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì công trình thiết yếu có thể được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng ở trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
+ Công trình thiết yếu phải được thiết kế, thẩm định, phê duyệt và thực hiện những thủ tục khác theo quy định của pháp luật về xây dựng;
+ Công trình thiết yếu không được ảnh hưởng đến công tác bảo trì, kết cấu và công năng của công trình đường bộ, phải đảm bảo an toàn cho giao thông đường bộ và các công trình khác ở xung quanh;
+ Công trình thiết yếu phải phù hợp với quy hoạch kiến trúc xây dựng, mỹ quan đô thị và bảo vệ môi trường.
– Đối với công trình thiết yếu gắn vào cầu:
+ Không chấp thuận công trình:
++ Đường ống cung cấp năng lượng (xăng dầu, ga, khí đốt);
++ Đường ống hóa chất;
++ Vật liệu không bảo đảm quy định về phòng, chống cháy nổ, ăn mòn;
++ Công trình điện lực có điện áp danh định là cao áp theo quy định của pháp luật về điện lực.
+ Đối với cầu mới được xây dựng có thiết kế hộp kỹ thuật, bộ gá đỡ để lắp đặt những công trình thiết yếu: việc chấp thuận lắp đặt công trình thiết yếu gắn vào cầu buộc phải phù hợp với thiết kế của công trình cầu, tải trọng, kích thước và các yếu tố khác;
+ Chủ đầu tư xây dựng công trình thiết yếu phải thuê tư vấn có đủ năng lực tiến hành thẩm tra và thẩm định việc lắp đặt công trình thiết yếu đối với an toàn giao thông, an toàn công trình cầu trước khi đi vào thực hiện thủ tục xin chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu gắn vào cầu.
– Đối với công trình thiết yếu đi ngầm qua đường bộ:
+ Đối với công trình đi ngầm qua đường bộ, phải thi công bằng phương pháp khoan ngầm, trong trường hợp không thể khoan ngầm mới sử dụng biện pháp đào cắt mặt đường;
+ Không cho phép những công trình thiết yếu đặt trong cống thoát nước ngang. Trong trường hợp đi qua các cống kỹ thuật nếu còn đủ không gian thì cho phép chủ công trình thiết yếu lắp đặt trong cống kỹ thuật;
+ Trường hợp xây dựng công trình thiết yếu ngang qua đường bộ bằng phương pháp khoan ngầm phải đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật sau:
++ Có đường ống hoặc hộp bao bên ngoài bằng vật liệu bền vững đảm bảo ổn định của công trình thiết yếu và phải phù hợp với tải trọng của đường bộ;
++ Khoảng cách từ điểm thấp nhất của mặt đường đến điểm cao nhất của công trình thiết yếu tối thiểu là 01 mét nhưng không nhỏ hơn chiều dày kết cấu áo đường.
+ Trường hợp phải đào cắt đường để xây dựng công trình thiết yếu ngang qua đường bộ phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật sau:
++ Phải xây dựng hầm, hào, hộp kỹ thuật, đường ống bao bảo vệ bên ngoài đáp ứng tiêu chuẩn thiết kế của tuyến đường;
++ Điểm trên cùng vỏ của kết cấu hầm, hào, hộp kỹ thuật, đường ống bao bảo vệ bên ngoài phải thấp hơn so với đáy móng công trình đường bộ tối thiểu 0,3 mét nhưng không được cách mặt đường nhỏ hơn 1,0 mét;
++ Hầm, hào, hộp kỹ thuật phải có đủ không gian để đặt công trình thiết yếu và thực hiện các công tác bảo trì công trình thiết yếu khi cần thiết, phải có quy trình vận hành khai thác, bảo trì công trình
– Đối với băng tải hàng hóa, đường ống và tuy nen cấp, thoát nước sinh hoạt, phục vụ trong nông nghiệp và công trình thủy điện xây dựng vượt qua đường bộ phải đảm bảo các quy định sau:
+ Vị trí xây dựng không được ảnh hưởng đến an toàn giao thông và cảnh quan môi trường;
+ Công trình phải được thẩm tra an toàn giao thông, an toàn chịu lực;
+ Đoạn vượt qua đường bộ phải được bao kín, đảm bảo mỹ quan, vệ sinh môi trường;
+ Phải đảm bảo các quy định về khoảng cách chiều cao, chiều ngang theo quy định của pháp luật
+ Hồ sơ thiết kế xây dựng công trình phải được thẩm tra, thẩm định về an toàn công trình theo những quy định của pháp luật về xây dựng.
– Đối với công trình tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước:
+ Không lắp đặt công trình tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước ở trong phạm vi đường cong bằng, đường cong đứng, đường dốc gây cản trở tầm nhìn;
+ Hồ sơ thiết kế xây dựng công trình tuyên truyền phải được thẩm tra và thẩm định về an toàn công trình theo các quy định của pháp luật về xây dựng.
– Xử lý sự cố đối với các công trình thiết yếu: khi phát hiện hoặc nhận được các thông tin về sự cố công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người được giao quản lý, sử dụng các công trình thiết yếu phải có trách nhiệm khắc phục ngay sự cố và thực hiện đầy đủ những quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp không khắc phục kịp thời gây ra ảnh hưởng đến giao thông đường bộ thì cơ quan quản lý đường bộ thực hiện tổ chức khắc phục để đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn. Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc là người được giao quản lý, sử dụng công trình thiết yếu phải chịu toàn bộ các trách nhiệm và kinh phí khắc phục sự cố
– Trường hợp công trình thiết yếu xây dựng bên ngoài phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nếu như ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền có ý kiến chấp thuận.
– Công trình thiết yếu được chấp thuận xây dựng và cấp phép thi công thì phải di chuyển kịp thời theo yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền mà không được nhận bồi thường, hỗ trợ di chuyển; chủ đầu tư hoặc chủ sử dụng công trình thiết yếu phải chịu toàn bộ trách nhiệm liên quan đến việc xây dựng, di chuyển công trình thiết yếu.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 13/2020/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư bảo vệ kế cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
– Thông tư 50/2015/TT-BGTVT quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
– Thông tư 39/2021/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 50/2015/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện một số điều
– Thông tư 35/2017/TT-BGTVT sửa quy định quản lý hạ tầng giao thông đường bộ.