Thời hiệu có những ý nghĩa và vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của pháp luật dân sự. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
1. Một số quy định về thời hiệu:
Theo Khoản 1 Điều 149
“Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.
Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan”.
Như vậy, ta có thể hiểu thời hiệu là khoảng thời gian thời gian cụ thể do pháp luật quy định và thời hiệu được xác định từ thời điểm bắt đầu đến thời điểm kết thúc. Trên thực tế, khi kết thúc khoảng thời gian đó phải thì phát sinh một hậu quả pháp lý nhất định đối với chủ thể. Hậu quả pháp lý của thời hiệu có thể là chủ thể được hưởng một quyền dân sự hay được miễn việc thực hiện nghĩa vụ dân sự hoặc các chủ thể mất quyền khởi kiện vụ án dân sự; mất quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 150 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về các loại thời hiệu có nội dung như sau:
“1. Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự.
2. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ.
3. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
4. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, thì có bốn loại thời hiệu cụ thể và tuỳ từng loại thời hiệu có quy định riêng.
– Thứ nhất: Thời hiệu hưởng quyền dân sự:
Thời hiệu hưởng quyền dân sự được hiểu là khoảng thời gian do luật quy định mà khi kết thúc khoảng thời gian đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự.
Cụ thể như đối với trường hợp vật bị đánh rơi, bỏ quên mà sau một năm kể từ ngày thông báo công khai việc nhặt được mà không xác định được ai là chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì vật đó mới thuộc sở hữu của người nhặt được theo quy định của pháp luật.
– Thứ hai: Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự:
Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là khoảng thời gian do luật quy định mà khi kết thúc khoảng thời gian đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn thực hiện nghĩa vụ.
Cụ thể như khi mua một sản phẩm điện máy luôn đi kèm với thời gian bảo hành từ nhà sản xuất hay từ người bán sản phẩm và khi kết thúc thời gian cụ thể về thời gian bảo hành nêu trên thì bên bán được miễn trừ nghĩa vụ bản hành đối với sản phẩm mà mình bán ra theo quy định.
– Thứ ba: Thời hiệu khởi kiện:
Thời hiệu khởi kiện là khoảng thời gian do pháp luật dân sự quy định mà khi kết thúc khoảng thời gian đó thì mất quyền khởi kiện.
– Thứ tư: Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự:
Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được hiểu là khoảng thời gian do luật quy định, trong đó chủ thể được quyền yêu cầu cơ quan Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng. Khi đã hết khoảng thời gian đó thì mất quyền yêu cầu. Cụ thể như là: Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu.
Trên thực tế, thời hiệu đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định các quan hệ dân sự. Pháp luật khi không quy định thời hiệu thì mỗi chủ thể tham gia vào quan hộ dân sự luôn bị đe dọa bởi tranh chấp có thể xảy ra, làm ảnh hưởng đến quyền lợi và đời sống của các chủ thể đó. Hơn nữa các căn cứ phát sinh quan hệ dân sự do thời gian làm cho quá trình chứng minh phức tạp có thể dễ dàng dẫn đến những sai sót khi giải quyết vụ việc. Khi giải quyết các tranh chấp dân sự thì cơ quan Toà án cần phải tiến hành điều tra thu thập chứng cứ để xác định sự thật khách quan nên nếu thời gian đã qua đi quá lâu, quá trình thu thập chứng cứ khó bảo đảm chính xác, gây ra những ảnh hưởng cho các chủ thể tham gia giao dịch.
2. Một số quy định về thời hiệu khởi kiện:
Theo quy định của
“Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
– Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng: Theo Điều 429 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là ba năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
– Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại: Điều 588 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là ba năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Tại Điều 149 Bộ luật dân sự năm 2015 và Điều 181 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
Các cơ quan Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi cơ quan Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc dựa trên quá trình xét xử.
Theo Điều 156 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:
– Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
– Thời gian khi chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.
Các chủ thể là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây:
+ Các chủ thể là người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân.
+ Các chủ thể là người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.
3. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:
Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 đã đưa ra quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:
Theo quy định của pháp luật thì bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm dân sự do hành vi gây ra thiệt hại phát sinh giữa các chủ thể, bên có hành vi trái pháp luật phải bồi thường cho bên bị thiệt hại.
Trong trường hợp này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một loại bổn phận, nghĩa vụ của bên gây thiệt hại cho bên bị thiệt hại.
Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được hiểu cơ bản là một bộ phận hợp thành của chế định trách nhiệm dân sự, là quan hệ pháp luật dân sự phát sinh giữa chủ thể gây thiệt hại và chủ thể bị thiệt hại và còn là biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với chủ thể có hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho chủ thể khác dựa theo các quy định của pháp luật.
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm bồi thường không phát sinh từ quan hệ hợp đồng; người nào có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền lợi hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Tại Điều 588 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại có nội dung như sau:
“Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.”
Như vậy, theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại cụ thể là ba năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Theo quy định trong Bộ luật dân sự năm 2015, thời điểm tính thời hiệu khởi kiện về bồi thường thiệt hại là thời điểm “biết hoặc buộc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm”. Quy định này là phù hợp, bởi vì không phải trường hợp này người có quyền yêu cầu cũng có thể biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm ở thời điểm nào.