Việc giải quyết các vụ việc dân sự tiến hành nhanh chóng sẽ sớm giải quyết được tranh chấp, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Để nhằm thực hiện được điều này thì cần phải được tiến hành tố tụng trong một khoảng thời gian nhất định. Thời hạn tố tụng là gì? Quy định về thời hạn tố tụng dân sự?
Mục lục bài viết
- 1 1. Khái quát chung về thời hạn tố tụng:
- 2 2. Quy định về thời hạn tố tụng dân sự:
- 2.1 2.1. Thời hạn nhận và xử lý đơn khởi kiện:
- 2.2 2.2. Thời hạn giải quyết khiếu nại về việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện:
- 2.3 2.3. Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm:
- 2.4 2.4. Quy định về thời hạn giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm:
- 2.5 2.5. Quy định về thời hạn giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm:
- 2.6 2.6. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với vụ án dân sự:
1. Khái quát chung về thời hạn tố tụng:
1.1. Thời hạn tố tụng là gì?
Thời hạn tố tụng dân sự là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác để người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện hành vi theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Việc xác định thời hạn tố tụng có những ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người liên quan trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của các chủ thể này, từ đó làm cho việc giải quyết vụ việc dân sự được nhanh chóng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
Không những thế, việc xác định thời hạn tố tụng còn có ý nghĩa xác định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người liên quan trong trường hợp các chủ thể này không thực hiện hoặc thực hiện không đứng nghĩa vụ và quyền hạn của họ trong thời hạn tố tụng cụ thể.
1.2. Phân loại thời hạn tố tụng:
Các loại thời hạn tố tụng gồm có: thời hạn giao nộp chứng cứ; thời hạn xem xét đơn khởi kiện; chuẩn bị xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm; thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo bản án, quyết định của tòa án; thời hạn cấp, tống đạt và
2. Quy định về thời hạn tố tụng dân sự:
2.1. Thời hạn nhận và xử lý đơn khởi kiện:
Theo Điều 191
Trong thời hạn hai ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn khởi kiện, Tòa án có trách nhiệm phải gửi thông báo nhận đơn cho các chủ thể là người khởi kiện.
Theo quy định của pháp luật, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và trong thời hạn 03 ngày làm việc, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
– Quyết định yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện.
– Quyết định tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
– Quyết định chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác.
– Quyết định trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
2.2. Thời hạn giải quyết khiếu nại về việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện:
Theo Điều 194 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định nội dung sau đây:
Ngay sau khi nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phải phân công một Thẩm phán khác xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị.
Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp để giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Phiên họp có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có khiếu nại. Trong trường hợp đương sự vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp, căn cứ kết quả phiên họp Thẩm phán phải ra một trong các quyết định cụ thể sau đây:
– Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện và thông báo cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp.
– Nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.
Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được quyết định trả lời khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán, người khởi kiện có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp phải ra một trong các quyết định cụ thể sau đây:
– Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện.
– Yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.
Đối với trường hợp có căn cứ xác định quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp quy định tại khoản 6 Điều 194 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có vi phạm pháp luật thì trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được quyết định, đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án
Cũng theo quy định của pháp luật thì trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại của đương sự, kiến nghị của Viện kiểm sát thì Chánh án phải giải quyết. Quyết định của Chánh án là quyết định cuối cùng.
2.3. Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm:
Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự như sau:
– Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì thời hạn là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
– Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì thời hạn là hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
– Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại Điều 26 và Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại Điều 30 và Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Cần lưu ý rằng trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, tùy từng trường hợp cụ thể mà Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:
– Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
– Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
– Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
– Đưa vụ án ra xét xử.
Trong thời hạn một tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa. Đối với trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng.
Hội đồng xét xử có thẩm quyền ra quyết định tạm hoãn phiên tòa đối với trường hợp do pháp luật quy định cụ thể trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Thời hạn hoãn phiên tòa quy định tại Điều 233 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cụ thể là không được quá một tháng đối với phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn và không quá 15 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.
2.4. Quy định về thời hạn giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm:
Thời hạn kháng cáo được quy định cụ thể tại Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 với nội dung sau đây:
Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Đối với các chủ thể là đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định là bảy ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết.
Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là mười năm ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là một tháng, kể từ ngày tuyên án.
Đối với thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là bảy ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là mười ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án .
Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm dược quy định cụ thể tại Điều 286 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 với nội dung như sau:
Trong thời hạn hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, tùy từng trường hợp, Tòa án cấp phúc thẩm ra một trong các quyết định sau đây:
– Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án.
– Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án.
– Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
Đối với các vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá một tháng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trong thời hạn một tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm. Đối với trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng.
2.5. Quy định về thời hạn giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm:
Thời hạn yêu cầu kháng nghị của đương sự được quy định cụ thể tại Điều 321 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 với nội dung như sau:
Trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo đúng quy định của pháp luật.
Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định cụ thể tại Điều 334 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 với nội dung như sau:
Các chủ thể là người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có quyền kháng nghị trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Đối với trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 334 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 nhưng có các điều kiện sau đây thì thời hạn kháng nghị được kéo dài thêm hai năm, kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị:
– Đương sự đã có đơn đề nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 328 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và sau khi hết thời hạn kháng nghị quy định tại khoản 1 Điều 334 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị.
– Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng có vi phạm pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 326 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó theo quy định.
Thời hạn mở phiên tòa giám đốc thẩm được quy định cụ thể tại Điều 339 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 với nội dung như sau:
Trong thời hạn bốn tháng, kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên tòa để xét xử vụ án theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
2.6. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với vụ án dân sự:
Tái thẩm được hiểu đơn giản là cơ quan có thẩm quyền xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.
Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm được quy định cụ thể tại Điều 355 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 với nội dung sau đây:
Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm được pháp luật quy định cụ thể là một năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm quy định tại Điều 352 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.