Thời gian xét đền bù chi phí đào tạo khi bị kỷ luật. Trình tự, thủ tục kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Thời gian xét đền bù chi phí đào tạo khi bị kỷ luật. Trình tự, thủ tục kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư. Tôi bị kỷ luật buộc thôi việc vào tháng 1/2011 nhưng thời điểm đó đơn vị chưa thành lập hội đồng xét bồi thường chi phí đào tạo. Cho đến tháng 9/2016 vừa rồi mới thành lập Hội đồng xét đền bù và yêu cầu tôi phải hoàn trả tổng cộng là 80 triệu đồng. Thời gian xét đền bù quá xa với thời gian kỷ luật buộc thôi việc, như vậy có đúng với quy định không!? Xin trân trọng cảm ơn!?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Bạn không trình bày bạn là cán bộ, công chức, viên chức nên xác định văn bản áp dụng sẽ khó khăn. Giả thiết trường hợp của bạn là viên chức. Theo Khoản 3 Điều 35 Luật viên chức 2010 "3. Viên chức được đơn vị sự nghiệp công lập cử đi đào tạo nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý bỏ việc phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ". Căn cứ theo quy định tại Điều 36 Nghị định 29/2012/NĐ – CP các trường hợp bồi thường chi phí đào tạo được xác định như sau:
"….4. Viên chức được cử đi đào tạo ở trong nước và ngoài nước phải đền bù chi phí đào tạo trong các trường hợp sau:
a) Trong thời gian được cử đi đào tạo, viên chức tự ý bỏ học hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc;
b) Viên chức hoàn thành khóa học nhưng không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp, chứng nhận kết quả học tập;
c) Viên chức đã hoàn thành và được cấp bằng tốt nghiệp khóa học từ trình độ trung cấp trở lên nhưng chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này."
Căn cứ theo Điều 17 Thông tư 15/2012/TT-BNV xác định chi phí và cách tính chi phí đào tạo như sau:
"Điều 17. Chi phí và cách tính đền bù chi phí đào tạo
1. Chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp nếu có.
2. Cách tính chi phí đền bù:
a) Đối với trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 36 Nghị định 29/2012/NĐ – CP, viên chức phải đền bù 100% chi phí đào tạo;
b) Đối với trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 36 Nghị định 29/2012/NĐ – CP, viên chức phải đền bù 50% chi phí của khóa học;
c) Đối với các trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 36 Nghị định 29/2012/NĐ – CP, chi phí đền bù được tính theo công thức sau:
S = (/ T1 F) x (T1 – T2)
Trong đó:
– S là chi phí đền bù;
– F là tổng chi phí của khóa học;
– T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn;
– T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn."
Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình đối với mức đền bù chi phí đào tạo của viên chức. Thu hồi tiền đền bù chi phí đào tạo thực hiện như sau:
+ Chậm nhất trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định về việc đền bù chi phí đào tạo của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo có trách nhiệm nộp trả đầy đủ khoản tiền phải đền bù cho đơn vị sự nghiệp công lập.
+ Số tiền đền bù chi phí đào tạo của viên chức phải được đơn vị sự nghiệp công lập thu nộp vào tài khoản của đơn vị tại Kho bạc nhà nước và theo dõi, quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.
+ Trường hợp viên chức phải đền bù chi phí đào tạo không thực hiện trách nhiệm đền bù thì cơ quan, đơn vị ban hành quyết định đền bù không giải quyết các chế độ, chính sách và có quyền khởi kiện theo quy định pháp luật.
Về thời hạn, bạn cần xác định nội dung cam kết theo hợp đồng có vi phạm hay không để xử lý theo quy định Điều 4 Nghị định 27/2012/NĐ – CP.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
"Điều 4. Các trường hợp xử lý kỷ luật
Viên chức bị xử lý kỷ luật khi có hành vi vi phạm pháp luật trong các trường hợp sau:
1. Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ của viên chức và những việc viên chức không được làm quy định tại Luật viên chức 2010;
2. Vi phạm các nghĩa vụ khác cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập;"
……
Điều 8. Thời hạn xử lý kỷ luật
1. Thời hạn xử lý kỷ luật tối đa là 02 tháng, kể từ ngày phát hiện viên chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến ngày người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.
2. Trường hợp vụ việc có liên quan đến nhiều người, có tang vật, phương tiện cần giám định hoặc những tình tiết phức tạp khác cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để làm rõ thêm thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật, nhưng không quá 04 tháng."
Nếu xác định bên bạn đã bị xử lý kỷ luật tại thời điểm 2011, phần chi phí đào tạo là nội dung vi phạm "Vi phạm các nghĩa vụ khác cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập" thì đã quá về thời hạn xử lý.