Đất rừng sản xuất là gì? Sổ đỏ của đất rừng sản xuất? Thế chấp đất rừng sản xuất? Thủ tục thế chấp đất rừng sản xuất?
Theo số liệu thống kê năm 2019 của Tổng cục Thống kê, đất lâm nghiệp nước ta có khoảng 15 triệu ha, chiếm 45,5% tổng diện tích. Trong đó rừng sản xuất là 7,5 triệu ha,…. Diện tích rừng sản xuất lớn và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, nhà nước. Vậy đất rừng sản xuất là tài sản hợp pháp thì người người sử dụng đất có được quyền thế chấp như các đất khác không?
Căn cứ pháp lý:
– Luật đất đai năm 2013;
–
– Nghị định 102/2017/NĐ-CP đăng ký biện pháp bảo đảm.
Mục lục bài viết
1. Đất rừng sản xuất là gì?
Theo quy định pháp luật, đất rừng sản xuất là đất được sử dụng để chủ yếu vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc nuôi trồng thủy sản. Dựa vào phân loại đất quy định của Pháp Luật, đất rừng sản xuất thuộc loại đất nông nghiệp được quy định tại Điểm c, Khoản 1 Điều 10 của Luật đất đai 2013. Do thuộc nhóm đất nông nghiệp nên khi sử dụng đất rừng sản xuất, người sử dụng đất cần tuân thủ các quy định sử dụng của loại đất này.
Với rừng sản xuất sẽ được phân loại thành hai loại như sau:
Loại thứ nhất: Rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng được phục hồi bằng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên.
Luật đất đai 2013 quy định:
“Điều 54. Giao đất không thu tiền sử dụng đất
Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
…
2. Người sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 55 của Luật này;”
Như vậy có nghĩa đối với loại đất này, nhà nước sẽ giao quyền sử dụng và không thu tiền. Ngoài ra quy định tại điều 135. Đất rừng sản xuất của Luật Đất đai 2013 có ghi rõ:
“1. Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho tổ chức quản lý rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
2. Nhà nước giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định sau đây:
a) Giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo hạn mức quy định tại điểm b khoản 3 Điều 129 của Luật này để sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp. Đối với diện tích đất rừng sản xuất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng vượt hạn mức thì phải chuyển sang thuê đất;
b) Cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng;
c) Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì được sử dụng diện tích đất chưa có rừng để trồng rừng hoặc trồng cây lâu năm.
3. Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất rừng sản xuất được kết hợp kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái – môi trường dưới tán rừng.
4. Đất rừng sản xuất tập trung ở những nơi xa khu dân cư không thể giao trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân thì được Nhà nước giao cho tổ chức để bảo vệ và phát triển rừng kết hợp với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.”
Loại thứ hai: Rừng sản xuất là rừng trồng gồm có Rừng trồng bằng vốn ngân sách của nhà nước, rừng trồng bằng vốn của chủ rừng tự đầu tư.
2. Sổ đỏ của đất rừng sản xuất:
Sổ đỏ (sổ xanh) hay còn gọi là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng hoàn toàn có thể được cấp nếu đảm bảo các quy định về về điều kiện cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại điều 33, Nghị định 43/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đất đai bao gồm:
“ 1. Giấy chứng nhận hoặc một trong các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này mà trong đó xác định Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để trồng rừng sản xuất
2. Giấy tờ về giao rừng sản xuất là rừng trồng
3. Hợp đồng hoặc văn bản về việc mua bán. Hợp đồng tặng cho hoặc thừa kế đối với rừng sản xuất là rừng trồng đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật
4. Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng đã có hiệu lực pháp luật
5. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư không có giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này mà đã trồng rừng sản xuất bằng vốn của mình thì phải được Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai;
6. Đối với tổ chức trong nước thực hiện dự án trồng rừng sản xuất bằng nguồn vốn không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì phải có quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư dự án hoặc giấy chứng nhận đầu tư để trồng rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về đầu tư;
7. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án trồng rừng sản xuất thì phải có quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư dự án hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư để trồng rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về đầu tư;
8. Trường hợp chủ sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng không đồng thời là người sử dụng đất thì ngoài giấy tờ theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này, phải có văn bản thỏa thuận của người sử dụng đất cho phép sử dụng đất để trồng rừng đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.”
Sổ đỏ hay đất rừng sổ xanh chỉ là cách gọi về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng sản xuất là rừng trồng cấp cho người sử dụng đất hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật.
3. Thế chấp đất rừng sản xuất:
Thế chấp tài sản được quy định từ Điều 317 đến Điều 327 Bộ luật dân sự năm 2015:
1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.”
Như vậy, thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia. Tài sản được thế chấp là các bất động sản như nhà ở, vườn cây lâu năm, công trình xây dựng khác… Có thể thế chấp một phần hoặc toàn bộ bất động sẵn để bảo đảm một hoặc nhiều nghĩa vụ, tùy theo giá trị của bất động sản cũng như tùy theo sự thỏa thuận của các bên.
Căn cứ khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai năm 2013, hộ gia đình, cá nhân được thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng, cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng đối với những loại đất sau nếu đủ điều kiện:
(1) Sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức theo quy định Điều 129 Luật Đất đai 2013.
(2) Đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất (đất ở).
(3) Đất được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
(4) Đất được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất.
(5) Đất nhận chuyển đổi.
(6) Đất được nhận chuyển nhượng (mua), nhận tặng cho, nhận thừa kế.
Đối với đất rừng sản xuất – đất tự nhiên được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất căn cứ khoản 2 điều 54 luật đất đai 2013. Như vậy, nhà nước công nhận quyền sử dụng đất rừng sản xuất nên người sử dụng rừng sản xuất có quyền thế chấp nếu đáp ứng các điều kiện về thế chấp.
Căn cứ điều 135 luật Đất đai 2013, Đất rừng sản xuất chỉ được giao tối đa cho mỗi hộ gia đình không được vượt quá 30 ha. Trong những trường hợp được giao thêm thì sẽ không vượt quá 25 ha. Loại đất rừng sản xuất thuộc đất giao lại từ nhà nước có thời gian ổn định lâu dài.
Căn cứ luật đất đai 2013 và khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất được thế chấp quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau:
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải đảm bảo yêu cầu.
– Đất không có sự tranh chấp
– Để đảm bảo thi hành án thì quyền sử dụng đất phải không bị kê biên
– Đất vẫn còn thời gian sử dụng
– Đối với đồng bằng thì diện tích không quá 150 ha
– Đối với trung du, miền núi thì diện tích không quá 300 ha
Theo đó, có thể thế chấp rừng sản xuất nhưng phải đạt đủ các điều kiện nêu trên thì mới có thể thực hiện được điều này.
4. Thủ tục thế chấp đất rừng sản xuất:
Theo Điều 39 Nghị định 102/2017/NĐ-CP, người yêu cầu đăng ký thế chấp nộp 01 bộ hồ sơ, gồm các giấy tờ sau:
– Phiếu yêu cầu đăng ký theo Mẫu số 01/ĐKTC (01 bản chính).
– Hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng thế chấp có công chứng, chứng thực trong trường hợp pháp luật quy định (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực).
– Bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng sản xuất.
– Văn bản thỏa thuận có công chứng, chứng thực giữa người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất về việc tạo lập tài sản gắn liền với đất trong trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất mà người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu).
Trình tự, thủ tục thực hiện thế chấp đất
Bước 1: Nộp hồ sơ
Nơi nộp hồ sơ là văn phòng đăng ký đất đai
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền thực hiện tiếp nhận hồ sơ
Bước 3: Giải quyết
Căn cứ theo Điều 48 Nghị định 102/2017/NĐ-CP, trong thời hạn giải quyết, Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện những nhiệm vụ sau:
– Ghi nội dung đăng ký thế chấp vào Sổ địa chính và Giấy chứng nhận.
– Sau khi ghi vào Sổ địa chính và Giấy chứng nhận, thì chứng nhận nội dung đăng ký vào phiếu yêu cầu đăng ký.
Trường hợp cơ quan đăng ký phát hiện trong sổ đăng ký, Giấy chứng nhận, phiếu yêu cầu đăng ký có sai sót về nội dung đã đăng ký do lỗi của mình, thì trong thời hạn 01 ngày làm việc, Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm chỉnh lý thông tin sai sót về nội dung đăng ký và gửi văn bản thông báo về việc chỉnh lý thông tin đó cho người yêu cầu đăng ký.
Tóm lại, Đất rừng sản xuất được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau và người sử dụng đất rừng sản xuất có quyền thế chấp nếu đáp ứng các điều kiện nhất định đã nêu ở trên.