Trình tự thủ tục phá sản theo Luật Phá sản (LPS) năm 2014 đã có sự thay đổi so với Luật Phá sản năm 2004. Theo đó việc tuyên bố phá sản của Tòa án được thực hiện trước thủ tục thanh lý tài sản.
Trình tự thủ tục phá sản theo Luật Phá sản năm 2014 đã có sự thay đổi so với Luật Phá sản năm 2004, theo đó việc tuyên bố phá sản của Tòa án được thực hiện trước thủ tục thanh lý tài sản, cụ thể:
Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và nộp tiền tạm ứng phí phá sản.
Bước 2: Hòa giải và Thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Tòa án nhận đơn, xem xét đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, tiếp theo Tòa án trả lại đơn hoặc Chuyển cho tòa án có thẩm quyền hoặc thông báo việc nộp lệ phí và tạm ứng phí phá sản hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn (trả lại đơn nếu người yêu cầu không sửa đổi, bổ sung đơn), tiếp đó tuyên bố Doanh nghiệp, Hợp tác xã (DN. HTX) bị phá sản trong trường hợp đặc biệt hoặc hòa giải đối với trường hợp hòa giải trước khi mở thủ tục phá sản và thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản kể từ ngày nộp biên lại nộp tiền lệ phí, tạm ứng phí phá sản và sau cùng Tòa án ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.
Bước 3: Mở thủ tục phá sản
Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, tiếp đó thông báo quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản , sau đó xác định nghĩa vụ về tài sản và các biện pháp bảo toàn tài sản: Kiểm kê tài sản; Lập danh sách chủ nợ; Lập danh sách người mắc nợ.
Bước 4: Hội nghị chủ nợ
Triệu tập Hội nghị chủ nợ (HNCN):
+ Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất (hoãn Hội nghị chủ nợ);
+ Hội nghị chủ nợ lần thứ hai:
* Đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản khi có người tham gia HNCN vắng mặt;
* Thông qua nghị quyết của HNCN về các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh; về Kế hoạch thanh toán cho các chủ nợ…
Tiếp đó, tiến hành Phục hồi DN hoặc tiến hành Thủ tục thanh toán tài sản phá sản.
Bước 5: Phục hồi doanh nghiệp
Phục hồi DN, tiếp đó Đình chỉ thủ tục phá sản hoặc Đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh.
Bước 6: Ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản
Bước 7: Thi hành Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản
+ Thanh lý tài sản phá sản;
+ Phân chia tiền thu được từ việc bán tài sản của DN, HTX cho các đối tượng theo thứ tự phân chia tài sản.
Quy định việc tuyên bố phá sản của Tòa án được thực hiện trước thủ tục thanh lý tài sản sẽ có tác động tích cực:
Thứ nhất, giúp cho Tòa án giải quyết nhanh thủ tục tuyên bố DN, HTX bị phá sản, tạo điều kiện cho DN, HTX mất khả năng thanh toán được rút khỏi thị trường một cách hợp pháp, qua đó, góp phần làm bình ổn nền kinh tế thị trường. Qua tổng kết thi hành Luật phá sản năm 2004 của 63 Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì có 49 Tòa án có nhận đơn và giải quyết tổng số 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản. Trong tổng số 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, Tòa án đã ra 236 Quyết định mở thủ tục phá sản và trong đó ra 83 Quyết định tuyên bố phá sản. Đây là một con số được xem là khá “khiêm tốn”, vì thực tế có hàng nghìn DN, HTCX đã mất khả năng thanh toán nhưng Tòa án không thể ra quyết định tuyên bố phá sản (vì các DN, HTX này vẫn còn tài sản nhưng không bán được hoặc còn khoản nợ phải thu nhưng chưa thu hồi được nên phương án phân chia tài sản chưa được thực hiện xong nên chưa thể ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản để từ đó ra quyết định tuyên bố phá sản).
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ hai, tạo sự tương thích với thông lệ quốc tế. Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới khi giải quyết vụ việc phá sản đều tuân theo quy trình Tòa án tuyên bố phá sản rồi mới tiến hành thanh lý tài sản, các khoản nợ. Việc đảo ngược trình tự như Luật phá sản năm 2004 vừa không phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa gây khó khăn cho các doanh nghiêp. Bởi lẽ khi tiến hành thủ tục thanh lý tài sản có nghĩa là doanh nghiệp lúc này không còn khả năng phục hồi hoạt động kinh doanh nữa, đồng thời lúc này chỉ còn các khoản nợ khó đòi và tài sản không còn giá trị thương mại. Do đó, làm kéo dài thời gian thanh lý khiến việc ra quyết định tuyên bố phá sản khó thực hiện.