Tôi sống tại Hà Nội, hiện tôi có kêu gọi bạn bè tham gia tổ chức gây quỹ cho trẻ em bị bệnh teo cơ delta. Tôi muốn câu lạc bộ có tư cách pháp nhân thì làm những thủ tục gì?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi sống tại Hà Nội, hiện tôi có kêu gọi bạn bè tham gia tổ chức gây quỹ từ thiện cho trẻ em bị bệnh teo cơ delta. Tôi muốn câu lạc bộ có tư cách pháp nhân thì làm những thủ tục gì?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Hiện này có rất nhiều các tổ chức có tư cách pháp nhân. Chỉ cần tổ chức đó đáp ứng được các điều kiện được quy định tại điều 84 Bộ luật Dân sự năm 2005 cụ thể như sau:
Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Được thành lập hợp pháp;
2. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
3. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;
4. Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập
Bên cạnh đó, Điều 100 Bộ luật dân sự 2005 có quy định về các loại pháp nhân bao gồm:
1. Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân.
2. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.
3. Tổ chức kinh tế.
4. Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
5. Quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
6. Tổ chức khác có đủ các điều kiện quy định tại Điều 84 của Bộ luật dân sự 2005.
Theo như bạn trình bày thì câu lạc bộ của bạn hoạt động vì mục đích gây quỹ cho trẻ em mắc bệnh teo cơ denta. Công ty cho rằng tổ chức của bạn thuộc loại từ thiện. Tại Điều 8 và Điều 9 Nghị định 148/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 9 năm 2007 về tổ chức và hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện thì điều kiện thành lập hai quỹ trên bao gồm:
1. Sáng lập viên thành lập quỹ phải có đủ điều kiện sau đây:
– Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự được thành lập quỹ;
– Tổ chức của Việt Nam, doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài được thành lập hợp pháp tại Việt Nam, có khả năng đóng góp tài sản cho quỹ theo cam kết, được ban lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp nhất trí thành lập quỹ bằng văn bản và quyết định cử người đại diện đứng ra lập quỹ;
– Cá nhân, tổ chức được thừa kế theo di chúc mà có nghĩa vụ thực hiện yêu cầu lập quỹ của người để lại tài sản hoặc yêu cầu của người hiến tặng tài sản thông qua hợp đồng để lập quỹ thì được đại diện đứng ra lập quỹ;
– Cá nhân, tổ chức nước ngoài được góp tài sản với cá nhân, tổ chức Việt Nam để thành lập quỹ ở Việt Nam.
2. Quỹ có từ 2 (hai) sáng lập viên trở lên:
– Các sáng lập viên phải thành lập Ban sáng lập quỹ;
– Ban sáng lập quỹ bao gồm Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các sáng lâp viên;
– Ban sáng lập lập hồ sơ xin phép thành lập quỹ theo quy định tại Điều 10 và gửi đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định 148/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 9 năm 2007.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
3. Quỹ được thành lập khi có đủ những điều kiện sau đây:
– Có mục đích hoạt động theo quy định tại Điều 2 Nghị định 148/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 9 năm 2007;
– Có cam kết đóng góp tài sản của cá nhân, tổ chức là sáng lập viên;
– Có Điều lệ, cơ cấu tổ chức phù hợp với các quy định tại Nghị định 148/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 9 năm 2007 và quy định của pháp luật có liên quan;
– Có trụ sở giao dịch.
Bên cạnh đó, bạn cần hoàn thiện Hồ sơ thành lập quỹ bao gồm:
1. Đơn đề nghị thành lập quỹ.
2. Dự thảo Điều lệ quỹ.
3. Đề án thành lập và hoạt động của quỹ.
4. Cam kết có trụ sở chính của quỹ.
5. Cam kết về tài sản đóng góp để thành lập quỹ.
6. Tư cách sáng lập viên:
a) Đối với sáng lập viên cá nhân là công dân Việt Nam phải có: lý lịch tư pháp; cam kết đóng góp tài sản, tài chính để thành lập quỹ;
b) Đối với sáng lập viên là người nước ngoài phải có: lý lịch có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước người đó mang quốc tịch; cam kết góp tài sản, tài chính của cá nhân người nước ngoài đó cho cá nhân, tổ chức Việt Nam để tham gia thành lập quỹ; cam kết thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật Việt Nam và mục tiêu hoạt động của quỹ;
c) Đối với sáng lập viên là tổ chức của Việt Nam: tên và địa chỉ của tổ chức; nghị quyết của Ban Lãnh đạo tổ chức về việc tham gia thành lập quỹ kèm theo Quyết định về số tài sản đóng góp thành lập quỹ, Điều lệ của tổ chức, Quyết định cử đại diện tham gia hoặc là sáng lập viên thành lập quỹ;
d) Đối với sáng lập viên là tổ chức nước ngoài: tên đầy đủ và địa chỉ trụ sở chính của tổ chức; Điều lệ của tổ chức; có cam kết góp tài sản, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Việt Nam và mục tiêu hoạt động của quỹ; lý lịch người đại diện của tổ chức tham gia quỹ có xác nhận của tổ chức.
7. Quỹ được thành lập theo di chúc hoặc hợp đồng uỷ quyền của tổ chức, cá nhân: bản sao di chúc, hợp đồng uỷ quyền có công chứng.
Sau khi hoàn thiện hồ sơ thành lập quỹ, bạn gửi đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ nếu Quỹ có phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh hoặc Quỹ do tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia thành lập theo điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định 148/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 9 năm 2007.
Hoặc bạn gửi cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với quỹ có phạm vi hoạt động tại tỉnh hoặc liên huyện.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
Chuyên viên tư vấn: Lê Thị Ngọc Linh