Trong quá trình công tác, vì nhiều lí do khác nhau mà các chủ thể có thẩm quyền có thể ra quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ công tác đối với những chủ thể do mình quản lí và điều hành. Dưới đây là quy định của pháp luật về thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ công tác.
Mục lục bài viết
1. Thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ công tác:
1.1. Tạm đình chỉ và đình chỉ công tác được hiểu như thế nào?
Để hiểu về những vấn đề pháp luật xoay quanh lĩnh vực Đình chỉ và tạm đình chỉ công tác đối với các đối tượng chủ thể trong cơ quan hành chính nhà nước mà cụ thể là công chức hoặc viên chức, thì trước tiên cần hiểu khái niệm đình chỉ công tác là gì và tạm đình chỉ công tác là gì?
Tạm đình chỉ công tác là khái niệm để chỉ hoạt động của người có thẩm quyền buộc người lao động phải tạm thời ngưng việc tham gia công tác tại một đơn vị, cơ quan nhất định. Thông thường thì việc tạm đình chỉ công tác là tạm thời không thực hiện công việc theo chức năng, nhiệm vụ của mình để tiến hành điều tra hoặc xác minh những vụ việc vi phạm kỷ luật lao động mang tính chất phức tạp, thường do người sử dụng lao động áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay.
Còn đình chỉ công tác là khái niệm để chỉ hoạt động của cấp trên hoặc người được cấp trên ủy quyền tiến hành đình chỉ không cho một chủ thể nào đó chấm dứt việc thực hiện quyền và nghĩa vụ liên quan đến một chức năng và nhiệm vụ cụ thể của chủ thể đó. Khác với tạm đình chỉ, thì đình chỉ là chấm dứt hẳn việc thực hiện công tác trên tất cả các hoạt động công việc được giao. Như vậy thì đình chỉ công tác là khái niệm bao hàm phạm vi rộng hơn khái niệm đình chỉ chức vụ. Có thể người nào đó bị đình chỉ chức vụ nhưng sẽ không bị đình chỉ công tác. Vì bên ngoài công việc họ thực hiện dựa trên chức vụ của mình thì người đó còn có thể phụ trách những công việc khác trong đơn vị hoặc cơ quan đó. Nhìn chung thì thời hạn đình chỉ công tác sẽ được ghi rõ trong quyết định đình chỉ. Còn nếu không thể hiện rõ thời hạn đình chỉ thì đương nhiên là chấm dứt luôn chức vụ của cá nhân đó. Vì nội hàm của khái niệm “đình chỉ” đã thể hiện khía cạnh này, đây là một điểm phân biệt với khái niệm “tạm đình chỉ”.
1.2. Thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ công tác:
Theo quy định của pháp luật hiện nay thì, thẩm quyền ra quyết định đình chỉ/ tạm đình chỉ công tác trong cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện như sau:
– Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phường sẽ có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ/ tạm đình chỉ công tác đối với những chủ thể là người có chức vụ hoặc quyền hạn làm việc trực tiếp dưới sự quản lý của mình;
– Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp quận huyện sẽ có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ/ tạm đình chỉ công tác đối với những người có chức vụ quyền hạn cấp dưới trực tiếp do mình quản lý, đó là Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phường. Ngoài ra thì chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp quận huyện còn có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với những người đứng đầu hoặc đối với những chủ thể giữ chức vụ là cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp quận huyện, người giữ những chức vụ quyền hạn quan trọng do chính Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp quận huyện tiến hành bổ nhiệm và quản lý;
– Chủ thể là đứng đầu của cơ quan chuyên môn trực thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thành phố sẽ có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ/ tạm đình chỉ đối với những chủ thể là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu làm việc trong cơ quan hoặc đơn vị trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc trực tiếp do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, bao gồm cả những người có chức vụ quyền hạn do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm;
– Chủ tịch của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ/ tạm đình chỉ đối với các chủ thể giữ chức vụ quyền hạn cấp dưới trực tiếp mà mình quản lý đó là, chủ tịch hoặc phó chủ tịch của Uỷ ban nhân dân cấp quận huyện, ngoài ra thì chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh còn có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với những người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc những người có chức vụ quyền hạn do chính chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm và trực tiếp quản lý, điều hành;
– Tổng cục trưởng, Cục trưởng và cấp tương đương được phân cấp quản lý người có chức vụ, quyền hạn quyết định hoặc kiến nghị người có thẩm quyền quyết định đình chỉ/ tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục, Cục và cấp tương đương và người có chức vụ, quyền hạn do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;
– Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ sẽ có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ/ tạm đình chỉ công tác đối với người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và người có chức vụ, quyền hạn do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;
– Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ/ tạm đình chỉ công tác đối với những chủ thể cấp dưới trực tiếp do mình quản lí, đó là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị tạm đình chỉ công tác đối với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; trong thời gian Quốc hội không họp, trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ; quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với Thứ trưởng và các chức vụ tương đương, người có chức vụ, quyền hạn do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.
2. Căn cứ ra quyết định tạm đình chỉ và đình chỉ công tác:
Căn cứ theo quy định tại Điều 43 của Nghị định số 134/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, thì căn cứ để ra quyết định tạm đình chỉ công tác có 02 trường hợp, đó là: đình chỉ/ tạm đình chỉ công tác đối các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng, hoặc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý của chủ thể có thẩm quyền nếu vẫn tiếp tục làm việc.
Thứ nhất, theo quy định của pháp luật hiện nay thì, căn cứ cho rằng các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng khi rơi vào một trong các trường hợp sau đây:
– Có văn bản yêu cầu đình chỉ/ tạm đình chỉ công tác đối với đối tượng vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, tòa án nhân dân hoặc viện kiểm sát nhân dân;
– Qua xác minh, làm rõ nội dung theo đơn tố cáo phát hiện các chủ thể này dựa trên quyền hạn của mình để thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật hiện hành;
– Qua công tác tự kiểm tra trong các cơ quan phát hiện người có quyền hạn thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng.
Về thời hạn ra quyết định đình chỉ/ tạm đình chỉ công tác đối với trường hợp người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng, là 90 ngày (được tính kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ công tác theo quy định tại Điều 47 của Nghị định số 134/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng).
Thứ hai, một trong những căn cứ để ra quyết định đình chỉ/ tạm đình chỉ công tác đó là, người có chức vụ được coi là có thể gây khó khăn cho việc xem xét và xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi người đó có một trong các hành vi sau:
– Từ chối cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật, có yếu tố gian dối và không trung thực;
– Cố ý trốn tránh, không hợp tác thực hiện yêu cầu của chủ thể có thẩm quyền trong quá trình xác minh hoặc làm rõ hành vi tham nhũng;
– Tự ý tháo gỡ niêm phong tài liệu có liên quan hoặc tẩu tán tài sản có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật;
– Lợi dụng chức vụ và ảnh hưởng của mình nhằm mục đích che giấu hành vi vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho việc xác minh làm rõ vấn đề của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thời hạn đình chỉ/ tạm đình chỉ công tác trong trường hợp này là không quá 15 ngày, đối với trường hợp quan trọng thì sẽ kéo dài thêm thời gian nhưng không được quá 15 ngày tiếp theo.
3. Tạm đình chỉ công tác có được hưởng lương hay không?
Khi bị tạm đình chỉ công việc thì các chủ thể vẫn phải được đảm bảo quyền lợi của mình trong lao động. Nhìn chung thì theo pháp luật lao động hiện nay, người lao động sẽ được hưởng những chế độ sau khi bị áp dụng quyết định tạm đình chỉ, cụ thể là căn cứ theo điều 128
– Trong trường hợp người lao động bị tạm đình chỉ công việc, thì người lao động đó sẽ được hưởng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc, đây là quy định phù hợp để đảm bảo đời sống tối thiểu của người lao động khi họ bị tạm chấm dứt lao động, đảm bảo ổn định cuộc sống và vẫn có khoản thu nhập nhất định;
– Trong các trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động, thì được người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ trả đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian người lao động bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật về lao động. Người lao động khi bị tạm đình chỉ công tạm thời việc nếu thấy không thỏa đáng với quyết định này, thì có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động và khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự và thủ tục do pháp luật hiện hành quy định.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất Luật Cán bộ công chức năm 2019;
– Văn bản hợp nhất Luật Viên chức năm 2019;
– Nghị định số 134/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.