Khái quát về Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương? Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương? Thẩm quyền của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương?
Hệ thống Toà án nhân dân các cấp có những vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quá trình giải quyết các vụ án, việc trên thực tiễn. Toà án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp và được tổ chức theo một hệ thống từ Tòa án nhân dân tối cao xuống Toà án nhân dân cấp huyện. Theo quy định của pháp luật nước ta, thì mỗi cấp Tòa án thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và có những thẩm quyền riêng biệt theo quy định của pháp luật. Trong hệ thống các cấp Toà án, Toà án nhân dân cấp tỉnh được đánh giá là cấp quan trọng nhất bởi vì mọi hoạt động xét xử phần lớn tập trung vào Toà án nhân dân cấp tỉnh. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về thẩm quyền của Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Khái quát về Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan xét xử địa phương thuộc hệ thống Tòa án nhân dân trên địa bàn nước ta. Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện chức năng xét xử theo nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.
Theo thứ tự cơ cấu tổ chức các cơ quan xét xử, sau Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân cấp cao là Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Cũng như các cơ quan nhà nước khác, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cơ cấu tổ chức riêng gồm có:
– Uỷ ban thẩm phán.
– Các Tòa chuyên trách.
– Bộ máy giúp việc.
Trong đó, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Chánh án, các Phó Chánh án, Chánh tòa, các Phó Chánh tòa, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động.
Các Tòa chuyên trách gồm có Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Trường hợp cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Căn cứ quy định tại điểm này và yêu cầu thực tế xét xử ở mỗi Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc tổ chức các Tòa chuyên trách.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
Theo Điều 37 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
– Sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật.
– Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.
– Kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, khi phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật tố tụng thì kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, kháng nghị.
– Giải quyết việc khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
3.1. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 :
Thẩm quyền sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, được quy định tại Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 như sau:
– Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:
+ Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
+ Yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 27, 29, 31 và 33 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, trừ những yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
+ Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
– Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 35 của Bộ luật này mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.
Thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo Điều 38 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 được quy định như sau:
– Tòa dân sự Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền:
+ Giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp, yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh quy định tại Điều 37 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
+ Giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định dân sự chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
– Tòa gia đình và người chưa thành niên Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền:
+ Giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp, yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh quy định tại Điều 37 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
+ Giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định hôn nhân và gia đình chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
– Tòa kinh tế Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền:
+ Giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp, yêu cầu về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh quy định tại Điều 37 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
+ Giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định kinh doanh, thương mại chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
– Tòa lao động Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền:
+ Giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp, yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh quy định tại Điều 37 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
+ Giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định lao động chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
3.2. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 :
Theo Khoản 2, Điều 268
Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm những vụ án:
– Vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện.
– Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài.
– Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành.
– Vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.
Ngoài ra, theo Khoản 2, Điều 269, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 còn quy định như sau:
Các bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở trong nước xét xử. Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo thì tùy trường hợp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giao cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hoặc Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử theo quy định của pháp luật.
Thẩm quyền sơ thẩm của Toà án nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có nội dung như sau: Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị. Tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 344 và Điều 345 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Khi phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật tố tụng thì Tòa án nhân dân tỉnh sẽ kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, kháng nghị. Quy định nêu trên là hoàn toàn hợp lý bởi vì Tòa án nhân dân cấp huyện là cơ quan cấp dưới trực tiếp, vì vậy, mọi sai phạm trong tố tụng cần được Tòa án nhân dân tỉnh phát hiện và kháng nghị lên cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
Hiện nay, hệ thống Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã được tổ chức trên khắp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Hệ thống Tòa án nhân dân cấp tỉnh là một thành phần của hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam nhằm đảm bảo được chức năng xét xử, bảo vệ quyền con người, bảo vệ lợi ích của đất nước.