Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh là gì? Hướng dẫn cách đặt tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh? Đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp?
Với xu thế phát triển của nền kinh tế hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp ra đời và quy mô hoạt động của doanh nghiệp cũng ngày càng mở rộng. Trong quá trình hoạt động của mình, doanh nghiệp có thể có những địa điểm kinh doanh hay văn phòng đại diện, các chi nhánh. Trước khi để các chi nhánh, văn phòng đại diện hay địa điểm kinh doanh đi vào hoạt động thì doanh nghiệp cần phải đặt tên cho chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của mình và việc đặt tên này cũng cần phải tuân theo những quy định của pháp luật. Chính vì vậy, bài viết này hướng dẫn bạn đọc cách đặt tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh sao cho phù hợp với các quy định của pháp luật.
Cơ sở pháp lý
– Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
1. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh là gì?
– Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Ví dụ: Ngân hàng Đông Á – Chi nhánh Thanh Xuân
– Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Ví dụ: Văn Phòng Đại Diện Tại Đà Nẵng – Ashico Logistic
– Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.
Ví dụ: Địa điểm kinh doanh Công ty Cổ phần quản lý nhà An Lạc
Từ những phân tích trên, bạn đọc phần nào bước đầu hiểu về chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp là như thế nào trong quá trình doanh nghiệp hoạt động. Mỗi một mô hình sẽ có chức năng khác nhau trong doanh nghiệp nhưng đều có điểm chung là việc đặt tên phải tuân theo các quy định của pháp luật, cụ thể trong phần tiếp theo, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn đọc đặt tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh đúng quy định của pháp luật.
2. Hướng dẫn cách đặt tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh?
Điều 40
– Thứ nhất, tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.
– Thứ hai, tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện, cụm từ “Địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh. Quy định này của pháp luật nhằm giúp các chủ thế khác có thể nhận diện được doanh nghiệp thông qua tên doanh nghiệp nằm trong tên chi nhánh, văn phòng đại diện hay địa điểm kinh doanh.
– Thứ ba, tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do chi nhánh, văn phòng đại diện phát hành.
Ngoài ra, Điều 20 Nghị định 01/2021/NĐ-CP còn có hướng dẫn chi tiết về cách đặt tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh như sau:
– Ngoài tên bằng tiếng Việt, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt. Tên bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Tên viết tắt được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.
Ví dụ: Công ty Cổ phần Viễn thông FPT
– Phần tên riêng trong tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không được sử dụng cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp”.
– Đối với những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi chuyển thành đơn vị hạch toán phụ thuộc do yêu cầu tổ chức lại thì được phép giữ nguyên tên doanh nghiệp nhà nước trước khi tổ chức lại.
* Lưu ý:
Khi tiến hành đặt tên chi nhánh, văn phòng đại diện hay địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý về vấn đề sở hữu trí tuệ.
Ví dụ: Công ty TNHH Bánh Đồng Tiến đặt tên chi nhánh là “Chi nhánh công ty TNHH Bánh Đồng Tiến – Đại lý Kinh đô” có thể bị coi là trùng với thương hiệu của Kinh đô trên thực tế.
Thông qua những phân tích trên, chúng tôi đã hướng dẫn bạn đọc cách đặt tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Tuy nhiên, khi tiến hành đặt tên chi nhánh, văn phòng đại diện hay địa điểm kinh doanh, bạn đọc ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật doanh nghiệp còn cần phải đảm bảo không vi phạm vấn đề sở hữu trí tuệ.
3. Đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp?
Việc đặt tên các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp đúng quy định của pháp luật là một trong những điều kiện giúp hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp được hợp lệ, từ đó doanh nghiệp có thể được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện. Trong phần này, chúng ta cùng tìm hiểu các thủ tục đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh. Việc đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp được quy định tại Điều 45 Luật Doanh Nghiệp năm 2020 như sau:
– Doanh nghiệp có quyền thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện tại một địa phương theo địa giới đơn vị hành chính.
– Trường hợp thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện trong nước, doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện đến Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt chi nhánh, văn phòng đại diện. Hồ sơ bao gồm:
+ Thông báo thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện;
+ Bản sao quyết định thành lập và bản sao biên bản họp về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp; bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện thì phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
Việc đặt tên chi nhánh, văn phòng đại diện không đúng theo các quy định của pháp luật doanh nghiệp hoặc xảy ra vi phạm về sở hữu trí tuệ theo pháp luật sở hữu trí tuệ cũng là một nguyên nhân dẫn đến hồ sơ chưa hợp lệ, cần sửa đổi, bổ sung.
– Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.
Khi tên chi nhánh, văn phòng đại diện cần phải thay đổi cho đúng quy định của pháp luật, bạn đọc có thể nhìn lại hướng dẫn cách đặt tên cho chi nhánh, văn phòng đại diện được trình bày tại phần 2 của bài viết này.
– Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp thông báo địa điểm kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh. Trường hợp tên địa điểm kinh doanh không đúng quy định của pháp luật thì doanh nghiệp phải tiến hành sửa đổi tên địa điểm kinh doanh theo quy định.
Thông qua những phân tích về vấn đề tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp, bài viết đã giúp bạn đọc có cái nhìn khái quát về chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh là như thế nào và hướng dẫn bạn đọc cách đặt tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh đúng quy định của pháp luật cũng như giúp bạn đọc nắm được quá trình đăng ký hoạt động cho chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh, khi xảy ra sai sót về cách đặt tên thì thủ tục sửa đổi như thế nào. Hy vọng những thông tin chúng tôi đem lại có thể giúp ích cho bạn đọc trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình.