Hiện nay, khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, người dân có nhu cầu nộp phạt một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, hạn chế chi phí đi lại. Tuy nhiên trong quá trình nộp phạt thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, rất nhiều trường hợp đã bị gặp lỗi. Vậy tại sao không thể tra cứu được biên bản vi phạm giao thông?
Mục lục bài viết
1. Tại sao không tra cứu được biên bản vi phạm giao thông?
Trên thực tế hiện nay, để tiết kiệm thời gian và hạn chế chi phí đi lại, khi bị xử phạt vi phạm hành chính, người dân sẽ ưu tiên các dịch vụ tra cứu tại nhà, trong đó có thể tra cứu thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Tuy nhiên trong quá trình tra cứu, rất nhiều trường hợp đã bị lỗi, không thể tra cứu được thông tin thông qua biên bản vi phạm giao thông. Có thể kể đến một số lý do không tra cứu được biên bản vi phạm giao thông như sau:
Thứ nhất, nhập sai thông tin của biên bản vi phạm giao thông, trong đó bao gồm số biên bản vi phạm giao thông, họ tên người dân hoặc doanh nghiệp hoặc tổ chức vi phạm, đơn vị lập biên bản xử phạt vi phạm giao thông, tỉnh/thành phố xảy ra vi phạm giao thông, đơn vị lập biên bản xử phạt, ngay vi phạm, mã bảo mật …
Thứ hai, lỗi khi thực hiện thủ tục đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Công dân và doanh nghiệp có thể đăng ký bằng số điện thoại di động hoặc mã bảo hiểm xã hội. Trong quá trình đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công quốc gia, người dùng thông thường sẽ gặp phải nhiều vấn đề khi đăng ký không thành công, nguyên nhân cơ bản là do thông tin liên quan đến giấy tờ tùy thân như chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, họ tên đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công không trùng khớp với thông tin của thuê bao số điện thoại. Trong trường hợp này, người dân cần thiết phải kiểm tra thông tin của thuê bao điện thoại xem đã chính chủ hay chưa, cần phải liên hệ với nhà mạng để đăng ký thuê bao chính chủ.
Thứ ba, không tra cứu được biên bản vi phạm giao thông cũng có thể xuất phát từ lỗi hệ thống của cổng dịch vụ công, trong nhiều trường hợp cổng dịch vụ công bị lỗi khiến cho quá trình tra cứu của người dân trở nên khó khăn. Bạn hoàn toàn có thể đợi sau một khoảng thời gian nhất định thì sẽ tiến hành tra cứu trên cổng dịch vụ công một cách bình thường.
2. Thủ tục nộp phạt online trên Cổng dịch vụ công quốc gia:
Căn cứ theo quy định tại Điều 20 của Nghị định 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, có quy định về hình thức, trình tự và thủ tục thu/nộp tiền phạt. Theo đó, các tổ chức và cá nhân vi phạm sẽ thực hiện việc nộp tiền phạt theo một trong những hình thức cơ bản như sau:
– Nộp tiền mặt trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền đó là kho bạc nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi kho bạc nhà nước mở tài khoản, được ghi nhận cụ thể trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
– Chuyển khoản trực tiếp vào số tài khoản của kho bạc nhà nước được ghi trên quyết định xử phạt thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc thông qua dịch vụ thanh toán điện tử của các ngân hàng, hoặc thông qua dịch vụ thanh toán điện tử của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán khác;
– Nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt căn cứ theo quy định tại Điều 78 của Văn bản hợp nhất luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022, hoặc nộp trực tiếp cho cảng vụ hoặc đại diện của cảng vụ hàng không đối với những trường hợp người bị xử phạt được xác định là khách hàng quá cảnh qua lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ của Việt Nam, người bị xử phạt được xác định là thành viên tổ bay đang trong quá trình làm nhiệm vụ trên chuyến bay quá cảnh qua lãnh thổ của Việt Nam, người bị xử phạt được xác định là thành viên tổ bay của hãng hàng không nước ngoài thực hiện hoạt động nghiệp vụ trên chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ của nước Việt Nam;
– Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và kho bạc nhà nước hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
Cụ thể, nộp phạt online thông qua cổng dịch vụ công quốc gia như sau:
Xem thêm: Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ
Bước 1: Truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia, chọn mục “thanh toán trực tuyến”.
Bước 2: Chọn mục “nộp phạt xử lý vi phạm hành chính” theo cá nhân hoặc doanh nghiệp.
Bước 3: Chọn mục “tra cứu, thanh toán vi phạm giao thông”.
Bước 4: Sau khi đã nhập các thông tin theo yêu cầu, người vi phạm chọn hình thức nộp tiền phạt và trả giấy tờ theo hướng dẫn của Cổng dịch vụ công.
3. Trình tự giải quyết, xử lý vi phạm giao thông như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, có quy định cụ thể về trình tự và thủ tục giải quyết, xử lý vi phạm giao thông. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, khi người vi phạm đến giải quyết vi phạm trực tiếp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ được thực hiện như sau:
– Tiếp nhận biên bản vi phạm hành chính từ người vi phạm, tiến hành hoạt động đối chiếu với hồ sơ vi phạm, trong trường hợp làm mất biên bản xử phạt vi phạm hành chính thì cần phải đối chiếu kỹ tất cả các thông tin liên quan đến nhân thân của người vi phạm với hồ sơ vi phạm;
– Không giải quyết vụ việc đối với người trung gian, ngoại trừ trường hợp những người được ủy quyền hợp pháp theo quy định của pháp luật, hoặc ngoài vị trí quy định giải quyết vi phạm hành chính của các đơn vị. Đối với những vụ việc cần phải tiến hành hoạt động xác minh để làm rõ thêm các tình tiết phức tạp thì cần phải báo cáo với người có thẩm quyền để xem xét và tổ chức hoạt động xác minh;
Xem thêm: Bị lập biên bản vi phạm giao thông có sao không?
– Thông báo về hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp ngăn chặn, các biện pháp khác có thể áp dụng trong trường hợp cần thiết, kết quả thu thập được hành vi vi phạm bằng phương tiện kĩ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật;
– Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho người bị vi phạm hoặc người được người bị vi phạm ủy quyền, người đại diện hợp pháp của người bị vi phạm;
– Tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu biên lai thu tiền phạt theo quy định của pháp luật với hồ sơ vi phạm hành chính, sau đó lưu giữ hồ sơ theo quy định của pháp luật;
– Trả lại tang vật, phương tiện, giấy tờ tạm giữ theo thủ tục hành chính trong trường hợp người bị vi phạm bị tước quyền sử dụng hoặc tịch thu các loại giấy tờ.
Thứ hai, trong trường hợp người vi phạm thực hiện việc nộp tiền phạt vi phạm hành chính thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ công an thì sẽ được thực hiện như sau:
– Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính sẽ gửi thông tin xử phạt lên Cổng dịch vụ công, sau đó cổng dịch vụ công sẽ tự động thông báo đối với người vi phạm khi họ tra cứu thông tin liên quan đến quyết định xử phạt hành chính thông qua số điện thoại của người vi phạm đã thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan công an tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính đó;
– Người vi phạm chi cập vào Cổng dịch vụ công thông qua số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được thông báo hoặc truy cập thông qua số biên bản vi phạm hành chính để có thể tra cứu các thông tin liên quan đến quyết định xử phạt vi phạm hành chính của mình;
– Sau đó tiến hành hoạt động nộp tiền phạt vi phạm hành chính, đăng ký nhận lại giấy tờ bị tạm giữ thông qua cổng dịch vụ công, nhận lại giấy tờ thông qua dịch vụ bưu chính công ích;
Xem thêm: Mẫu đơn xác nhận mất biên bản vi phạm giao thông
– Người có thẩm quyền xử phạt sẽ tiến hành hoạt động xác giữ biên lai điện tử thu tiền xử phạt vi phạm hành chính được cập nhật trên hệ thống cổng dịch vụ công, sau đó in và lưu giữ hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, sử dụng các loại giấy tờ đó để làm căn cứ trả lại giấy tờ bị tạm giữ cho người bị xử phạt theo quy định của pháp luật;
– Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính sẽ trả lại giấy tờ cho người vi phạm thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 20/VBHN-VPQH 2022 Luật xử lý vi phạm hành chính;
– Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông;
– Nghị định 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới;
– Nghị định 30/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.