Tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình, không thể xác định bằng các đặc điểm vật chất của chính nó nhưng lại có giá trị lớn và có khả năng sinh ra lợi nhuận.
1. Tài sản trí tuệ.
Tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình, không thể xác định bằng các đặc điểm vật chất của chính nó nhưng lại có giá trị lớn và có khả năng sinh ra lợi nhuận. Nó là thước đo hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh và khả năng phát triển của doanh nghiệp trước mắt và trong tương lai.
Theo ông Stephan Hundertmark, Viện Quản lý sở hữu trí tuệ Steinbeis (Đại học Steinbeis – Đức), ở nhiều nước phát triển, tài sản vô hình không chỉ bao gồm tài sản trí tuệ như sáng chế, nhãn hiệu, quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp, mà còn bao gồm cả vốn trí tuệ như nguồn nhân lực, các phương thức kinh doanh, các mối quan hệ trong kinh doanh và uy tín trong sản xuất kinh doanh. Hiện tại, Việt Nam theo chuẩn mực kế toán, tài sản trí tuệ chỉ dừng lại ở các loại hình như: bản quyền, bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, phần mềm máy tính.
Gần đây, việc xác định giá trị doanh nghiệp đã tính đến giá trị tài sản vô hình thông qua việc tính toán lợi thế doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động này mới chỉ dừng lại ở công thức cứng, đó là xác định theo tỷ suất lợi nhuận và lãi suất trái phiếu…
2. Định giá tài sản trí tuệ.
Tài sản trí tuệ cũng như quyền sở hữu đất, xét về khía cạnh tương đối thì mỗi tài sản trí tuệ đều mang tính khan hiếm tức là không có vật để so sánh. Chủ yếu việc xác định giá tài sản sở hữu trí tuệ dựa trên các phương pháp chủ yếu là chi phí, thu nhập và thặng dư. Tuy nhiên, việc định giá tài sản trí tuệ khó khăn và có nhiều khác biệt hơn so với tài sản hữu hình.
Xác định giá trị của một quyền sở hữu trí tuệ phụ thuộc vào thời gian, địa điểm và tính sinh lời của loại tài sản đặc biệt này. Ngay khi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thì người sở hữu cũng không tính hết được tính hữu dụng và khả năng sinh lời trong tương lai của tài sản mà mình được sở hữu, nó chỉ được thể hiện giá trị qua thời gian và mức độ chấp nhận của xã hội.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Một yếu tố quan trọng là Tài sản trí tuệ có một thị trường chuyển nhượng hạn chế, ít người quan tâm điều đó sẽ khó có thể tìm ra được giá trị thật của một tài sản trí tuệ. Về cơ bản thì giá trị của tài sản trí tuệ được xác định bằng mức độ quan tâm của của người mua và mức độ chấp nhận được của người bán tại thời điểm chuyển nhượng.
3. Mục đích của việc định giá.
Định giá tài sản trí tuệ nhằm phục vụ mục đích thương mại hóa, cũng như khi có tranh chấp mà liên quan đến yêu cầu bồi thường thiệt hại có tranh chấp,… Cụ thể:
– Mua bán, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, vay vốn ngân hàng.
– Xác định giá trị tài sản phục vụ tranh tụng
– Tính thuế và hạch toán sổ sách kế toán,
– Đầu tư và góp vốn doanh nghiệp, cổ phần.
– Xác định giá trị đầu tư.
– Các mục đích khác