Ai được rút tiền trong tài khoản ngân hàng đứng tên người đã mất? Trình tự, thủ tục rút tiền trong tài khoản ngân hàng đứng tên người đã mất?
Theo quy định của pháp luật khi một người đã chết thì toàn bộ tài sản mà họ để lại sẽ do những người thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật được hưởng. Vậy, trong trường hợp người đã mất có tài khoản ngân hàng thì ai sẽ được rút số tiền trong thẻ đấy và thủ tục thực hiện như thế nào?
Cơ sở pháp lý:
Dịch vụ Luật sư
Mục lục bài viết
1. Ai được rút tiền trong tài khoản ngân hàng đứng tên người đã mất?
Khi một người đã mất thì theo quy định của pháp luật, tất cả tài sản mà họ có được lúc còn sống để lại gọi là di sản thừa kế. Tài khoản ngân hàng cũng là di sản thừa kế của người đã mất bởi trong đó nó có chứa tiền là tài sản tích góp của người đã mất để lại.
Theo quy định tại điều 612, bộ luật dân sự 2015 thì di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Khi người mất để lại di sản thừa kế là số tiền trong tài khoản ngân hàng thì sẽ có hai trường hợp để xác định người được rút số tiền này đó là:
Trường hợp 1, người đã mất để lại di chúc:
Lúc này có thể hiểu việc chia thừa kế sẽ phụ thuộc vào nội dung của di chúc mà người đã mất đó để lại. Theo điều 624, bộ luật dân sự 2015 quy định thì di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Do vậy, nếu người đã mất để lại di chúc thì trong nội dung di chúc đó đã thể hiện ý chí của họ là muốn để lại số tiền trong tài khoản cho ai thì người đấy sẽ có quyền được rút số tiền đấy ra. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế. Thời điểm mở thừa kế ở đây hiểu một cách đơn giản nhất là từ sau khi người để lại di sản chết, nói cách khác di chúc có hiệu lực khi người để lại di sản chết, còn khi họ đang sống thì di chúc vẫn chưa có hiệu lực.
Tuy nhiên, lúc này cần phải đảm bảo di chúc mà người mất để lại phải hợp pháp thì mới có thể rút tiền. Di chúc hợp pháp khi đáp ứng được các điều kiện như: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép và Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Ngoài ra theo quy định tại điều 644, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như sau:
“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2.Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”
Như vậy, theo quy định này, nếu người mất để lại di chúc nhưng trong di chúc lại không để lại di sản cho các đối tượng như vợ, bố, mẹ, chồng và con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động thì các đối tượng này vẫn được hưởng một phần di sản cho người mất để lại. Tức là, ngoài người có tên được hưởng trong di chúc thì nhưng người như nêu ở trên cũng sẽ có quyền được rút số tiền trong tài khoản ngân hàng do người mất đứng tên.
Trường hợp 2, người đã mất không để lại di chúc:
Theo quy định của bộ luật dân sự 2015, trong trường hợp người mất không để lại di chúc thể hiện ý chí muốn để lại phần di sản của mình cho ai hưởng thì lúc này việc chia thừa kế sẽ tuân theo quy định của pháp luật hay còn gọi là chia thừa kế theo pháp luật.
Căn cứ theo quy định tại điều 651 Bộ luật Dân sự 2015quy định về Người thừa kế theo pháp luật như sau:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2.Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3.Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Như vậy, theo quy định này có thể hiểu các đối tượng được rút tiền trong tài khoản ngân hàng do người mất đứng tên trước hết phải là người đứng trong hàng thừa kế thứ nhất là bố, mẹ, vợ, chồng và các con của người đã mất. Nếu những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất không còn ai thì những người thuộc hàng thừa kế thứ hai có quyền được rút và nếu không còn ai thuộc cả hàng thừa kế thứ nhất và thứ hai thì người thuộc hàng thừa kế thứ ba sẽ được hưởng và rút số tiền trong tài khoản ngân hàng đứng tên người đã mất.
2. Trình tự, thủ tục rút tiền trong tài khoản ngân hàng đứng tên người đã mất?
Khi đã xác định được đối tượng được hưởng di sản thừa kế là số tiền trong tài khoản ngân hàng do người mất đứng tên thì những người này phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế hoặc thủ tục thỏa thuận phân chia di sản theo từng trường hợp mà pháp luật quy định.
Thủ tục rút tiền trong tài khoản ngân hàng đứng tên người đã mất được thực hiện như sau:
Đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế thì:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 58
“Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.”
Còn đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục thỏa thuận phân chia di sản thì căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Công chứng 2014 hướng dẫn thủ tục công chứng, chứng thực thì thủ tục thỏa thuận phân chia di sản được áp dụng trong trường hợp :
“Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.”
Để thực hiện một trong hai thủ tục này, người được hưởng di sản thừa kế cần chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ sau đây:
Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu
Giấy chứng tử của người để lại di sản
Các giấy tờ chứng minh về tài sản của người để lại di sản bao gồm: sổ tiết kiệm của người đã mất hoặc thẻ ngân hàng ( thẻ ATM) của người đã mất để lại
Bản sao chứng minh nhân dân của người được hưởng di sản
Bản sao sổ hộ khẩu của người được hưởng di sản
Bản gốc di chúc trong trường hợp có di chúc và di chúc ghi rõ cách phân chia tài sản,
Tờ tường trình và cam kết về quan hệ nhân thân
Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân giữa người thừa kế theo pháp luật với người để lại di sản trường hợp không có di chúc: hộ khẩu, giấy khai sinh, tờ khai nhân khẩu
Trình tự, thủ tục thực hiện:
Người được hưởng di sản thừa kế nộp bộ hồ sơ đến trụ sở văn phòng công chứng hoặc ủy ban nhân dân cấp xã để tiến hành công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc văn bản khai nhận di sản thừa kế.
Cơ quan công chứng có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ xem có hợp lệ hay không, sau đó tiến hành thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản và phải niêm yết trong thời hạn 15 ngày,. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.
Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thừa kế đó. Lúc này người được hưởng di sản thừa kế cầm văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc văn bản khai nhận di sản thừa kế đã được công chứng đó, kèm theo các giấy tờ về nhân thân, sổ tiết kiệm hoặc thẻ ngân hàng đến làm việc tại ngân hàng mà người mất đã tạo tài khoản thẻ để làm thủ tục rút tiền trong tài khoản ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, khi một người đã mất để lại tài khoản thẻ ngân hàng thì những người thừa kế theo di chúc hoặc nếu không có di chúc thì những người thừa kế theo pháp luật sẽ được hưởng di sản do họ để lại và có quyền thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để rút số tiền trong tài khoản ngân hàng đó.