Tách khẩu là gì? Chuyển khẩu là gì? Nhập hộ khẩu là gì? Chuyển khẩu, tách khẩu, nhập khẩu là 3 khái niệm mọi người thường hay bị nhầm lẫn? Mọi người cần biết vai trò của Chủ hộ khẩu là gì? Chủ hộ khẩu có quyền gì?
Chuyển khẩu, tách khẩu, nhập khẩu là 3 khái niệm mọi người thường hay bị nhầm lẫn và nhiều người không phân biệt được bản chất của loại thủ tục này. Trong khi đó, chúng ta cần phải nắm được những quy định về pháp lý cơ bản của 3 khái niệm trên để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật về nghĩa vụ đối với sổ hộ khẩu, đồng thời để tránh gặp phải những vấn đề rắc rối, vướng mắc hoặc vi phạm về pháp lý về vấn đề này. Để đáp ứng yêu cầu của công việc và cuộc sống, thì việc tách khẩu, chuyển khẩu và nhập sổ hộ khẩu đã trở nên phổ biến hơn.
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Sổ hộ khẩu là gì?
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 24 Luật cư trú 2006 có quy định:
“1. Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.”
Từ quy định trên ta có thể thấy, sổ hộ khẩu là một hình thức quản lý nhân khẩu trong các hộ gia đình có chức năng xác định nơi thường trú hợp pháp của công dân. Đây là công cụ và thủ tục hành chính giúp nhà nước quản lí việc di chuyển sinh sống của công dân Việt Nam. Sổ hộ khẩu cũng là căn cứ để nhà nước phân định thẩm quyền xử lý các vấn đề pháp lý có liên quan tới cá nhân đó.
2. Quy định nhập hộ khẩu:
Điều 19 và 20 Luật Cư trú 2006 quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh như sau: Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương: Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:
1. Có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;
2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột;…
Như vậy, người có nhu cầu đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương thì phải được người có hộ khẩu đồng ý và phải tuân theo các quy định tại Điều 19 và 20 Luật Cư trú 2006 vừa dẫn chiếu ở trên.
- Thủ tục nhập hộ khẩu
Theo quy định tại Điều 21 Luật Cư trú 2006: “1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại
a) Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;
b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
2. Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:
a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
b) Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật này;
c) Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.
3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”.
3. Quy định về tách khẩu:
Tách sổ hộ khẩu hay tách khẩu là việc một người đang đăng ký thường trú, có tên trong một sổ hộ khẩu thực hiện thủ tục xóa tên trong sổ hộ khẩu đó và đăng ký sổ hộ khẩu mới.
Căn cứ vào Điều 27 Luật Cư trú 2006 quy định về Tách sổ hộ khẩu
1. Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:
a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;
b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại Khoản 3 Điều 25 và Khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.
2. Khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Sau khi tách sổ, cá nhân đó được cấp Sổ hộ khẩu cho cá nhân nếu có yêu cầu
- Hồ sơ tách sổ hộ khẩu
– Sổ hộ khẩu;
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (mẫu HK02) có ý kiến đồng ý của chủ hộ cho tách sổ hộ khẩu.
- Nơi nộp hồ sơ
– Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã.
– Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
- Thời hạn giải quyết
Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ. Trường hợp không giải quyết việc tách sổ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Quy định về chuyển khẩu:
- Chuyển khẩu là gì?
Để đáp ứng nhu cầu công việc hoặc sinh sống của công dân mà họ chuyển địa chỉ thường trú từ nơi này qua nơi khác. Nhu cầu về chuyển đổi chỗ ở hiện tại đến một chỗ ở mới phát sinh yêu cầu phải chuyển sổ hộ khẩu từ địa chỉ hiện tại sang một địa chỉ mới.
- Điều kiện chuyển sổ hộ khẩu:
Người muốn chuyển sổ hộ khẩu đáp ứng 02 điều kiện sau đây:
– Người đã đăng ký thường trú mà có nhu cầu thay đổi nơi đăng ký thường trú;
– Phải đáp ứng các điều kiện đăng ký thường trú theo quy định tại điều 19, 20 Luật Cư trú 2006 sửa đổi bổ sung năm 2013. Chuyển sổ hộ khẩu được cấp giấy chuyển sổ hộ khẩu:
Căn cứ khoản 1, 2 Điều 28 Luật cư trú 2006 thì công dân khi chuyển nơi thường trú được cấp giấy chuyển hộ khẩu trong các trường hợp sau đây:
a) Chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh;
b) Chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Chuyển sổ hộ khẩu không phải cấp giấy chuyển sổ hộ khẩu:
a) Chuyển đi trong phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh; chuyển đi trong cùng một huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; chuyển đi trong cùng một thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
b) Học sinh, sinh viên, học viên học tại nhà trường và cơ sở giáo dục khác;
c) Đi làm nghĩa vụ quân sự, phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân;
d) Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại hoặc nhà ở tập thể;
đ) Chấp hành hình phạt tù; chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc, quản chế.
- Thủ tục chuyển sổ hộ khẩu:
Hồ sơ đề nghị cấp giấy chuyển hộ khẩu, bao gồm:
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
– Sổ hộ khẩu (hoặc sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể đã được cấp trước đây).
Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ,
- Thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu:
Trưởng Công an xã, thị trấn có thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu cho các trường hợp chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh và ngoài phạm vi tỉnh;
Trưởng Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp giấy chuyển hộ khẩu cho các trường hợp chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
5. Chủ hộ khẩu là gì? Chủ hộ khẩu có quyền gì?
Căn cứ vào Điều 25 Luật cư trú 2006 quy định Sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình
“1. Sổ hộ khẩu được cấp cho từng hộ gia đình. Mỗi hộ gia đình cử một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ làm chủ hộ để thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú. Trường hợp không có người từ đủ mười tám tuổi trở lên hoặc có người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì được cử một người trong hộ làm chủ hộ.”
Như vậy, theo quy định trên, người đứng tên làm chủ hộ trong sổ hộ khẩu là người do hộ gia đình thoả thuận và cử ra đại diện cho hộ gia đình đó, còn khi Sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân thì cá nhân thì căn cứ theo Điều 26 Luật Cư trú 2006 như sau
“1. Sổ hộ khẩu được cấp cho cá nhân thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có chỗ ở độc lập với gia đình của người đó, người sống độc thân, người được tách sổ hộ khẩu theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 của Luật này;
b) Người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền, phương tiện hành nghề lưu động khác, nếu họ không sống theo hộ gia đình;
c) Thương binh, bệnh binh, người thuộc diện chính sách ưu đãi của Nhà nước, người già yếu, cô đơn, người tàn tật và các trường hợp khác được cơ quan, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung;
d) Chức sắc tôn giáo, nhà tu hành hoặc người khác chuyên hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo mà sống tại cơ sở tôn giáo.”
Theo quy định tại Điều 19
Như vậy, người đứng tên làm chủ hộ trong sổ hộ khẩu là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, tức là người từ đủ 18 tuổi trở lên không bị mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc gặp khó khăn trong nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
- Quyền đại diện quản lý nhân khẩu trong cùng hộ khẩu
Theo quy định tại Điều 25 Luật Cư trú 2006, những người không có quan hệ là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột, nếu đủ điều kiện, thì vẫn được nhập vào hộ khẩu của hộ gia đình. Tuy nhiên, phải có sự đồng ý của chủ hộ khẩu. Tương tự, một thành viên đã được nhập hộ khẩu nhưng có nhu cầu muốn tách Sổ hộ khẩu thì cũng phải được sự đồng ý của chủ hộ khẩu (Điều 27).
Trong cả hai trường hợp nêu trên, sự đồng ý của chủ hộ khẩu phải được thể hiện bằng văn bản và đây được coi là một loại giấy tờ bắt buộc phải xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền khi làm thủ tục nhập khẩu hoặc tách hộ khẩu.
Ngoài ra, theo Khoản 2 Điều 29 của Luật Cư trú, nếu có thay đổi về họ tên, chữ đệm, ngày tháng năm sinh hoặc các thay đổi khác về hộ tịch của người có tên trong Sổ hộ khẩu thì chủ hộ cũng là một trong những người có quyền làm thủ tục điều chỉnh.
- Quyền đại diện quản lý, sử dụng tài sản chung của hộ gia đình
Điều 212
“1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.”
Như vậy, chủ hộ gia đình có thể là người đại diện gia đình quản lý, sử dụng tài sản của hộ gia đình, tham gia thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản chung theo thỏa thuận của các thành viên trong hộ gia đình đó.
Tuy nhiên, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của gia đình có ảnh hưởng đến quyền lợi của các thành viên. Do đó, đối với các giao dịch cụ thể, thường liên quan tới tài sản có giá trị lớn như bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu thì cần có sự đồng ý của các thành viên trong hộ gia đình đó.