Nhằm giúp các bạn học sinh có nhiều kiến thức và nắm vững nội dung bài học, bài viết dưới đây chúng mình gửi đến bạn đọc bài viết Soạn bài Cảnh ngày hè: Tác giả tác phẩm, bố cục nội dung?. Cùng tham khảo bài viết của chúng mình nhé.
Mục lục bài viết
1. Tác giả Nguyễn Trãi:
– Nguyễn Trãi sinh năm 1380, mất năm 1442, hiệu là Ức Trai, quê ở làng Chi Ngại (Chi Linh, Hải Dương) sau chuyển về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội).
– Gia đình: Nguyễn Trãi sinh ra trong một gia đình có truyền thống lớn là yêu nước và văn hóa, văn chương. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho Nguyễn Trãi tiếp xúc và hiểu biết một cách thoải mái về tư tưởng chính trị của Nho giáo.
– Con người:
+ Nguyễn Trãi mồ côi mẹ từ năm 5 tuổi.
+ Năm 1400, ông đỗ kỳ thi Thái học sinh và làm quan cùng cha dưới triều Hồ.
+ Năm 1407, giặc Minh xâm lược nước ta, Nguyễn Trãi theo Lê Lợi khởi nghĩa và đóng góp to lớn vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc.
+ Cuối năm 1427 đầu năm 1428, khởi nghĩa Lam Sơn đã toàn thắng. Nguyễn Trãi, dưới quyền Lê Lợi, đã viết Bình Ngô đại cáo và nhanh chóng tham gia vào công cuộc xây dựng lại đất nước.
+ Năm 1439, Nguyễn Trãi xin ẩn cư ở Côn Sơn.
+ Năm 1440, ông được Lê Thái Tông mời về giúp nước.
+ Năm 1442, Nguyễn Trãi bị vu cáo là người của Lệ Chi viên và bị buộc tội “tru di tam tộc”.
+ Năm 1464, Lê Thánh Tông đã minh oan cho Nguyễn Trãi và thu thập thơ và tác phẩm của ông.
– Thời đại: Nguyễn Trãi sống trong thời kỳ xã hội loạn lạc – nội bộ triều đình phong kiến hỗn loạn, đất nước có giặc ngoại xâm, đời sống nhân dân khốn cùng, nhân dân khởi nghĩa khắp nơi… điều này đã hướng sáng tác của ông hướng đến hiện thực cuộc sống.
– Sự nghiệp sáng tác: Nguyễn Trãi là một tác giả xuất sắc ở nhiều thể loại văn học, trong đó có cả chữ Hán và chữ Nôm.
+ Tác phẩm chữ Hán: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Chí Linh sơn phú, Băng Hồ di sự lục, Lam Sơn thực lục, Văn bia Vĩnh Lăng, Văn loại.
+ Tác phẩm chữ Nôm: Quốc âm thi tập gồm 254 bài thơ viết theo thể Đường luật hoặc Đường luật xen lục ngôn.
+ Ngoài sáng tác văn chương, Nguyễn Trãi còn để lại cuốn Dư địa chí, bộ sách địa lý lâu đời nhất Việt Nam.
– Phong cách sáng tác:
+ Văn chính luận: Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận lỗi lạc, các tác phẩm chính luận của ông có luận điểm vững chắc, luận cứ chặt chẽ, giọng văn uyển chuyển
+ Nguyễn Trãi là nhà thơ trữ tình sâu sắc và tiêu biểu của nền văn học Việt Nam.
2. Tác phẩm Cảnh ngày hè:
a. Nguồn gốc: Bài thơ số 43, thuộc phần Bảo kính cảnh giới (Gương báu răn mình) phần Vô đề trong tập Quốc âm thi tập.
*Quốc âm thi tập
– Gồm 254 bài thơ, là tập thơ Nôm sớm nhất còn tồn tại. Với tập thơ này, Nguyễn Trãi là một trong những người đặt nền móng và mở đường cho sự phát triển của thơ ca Việt Nam.
– Về nội dung: Tập thơ Quốc âm thi tập phản ánh vẻ đẹp của Nguyễn Trãi – một người anh hùng với lý tưởng nhân đạo, yêu nước, yêu dân; một nhà thơ yêu thiên nhiên, quê hương, con người, cuộc sống,…
– Về nghệ thuật: thể thơ thất ngôn Đường luật của Trung Quốc được Nguyễn Trãi sử dụng một cách thuần thục như một thể thơ quốc gia, đôi khi chèn một số câu lục ngôn (câu thơ 6 chữ) vào những chỗ thích hợp.
– Quốc âm thi tập gồm có bốn phần: Vô đề, Môn thì lệnh (Thời tiết), Môn hoa mộc (Cây cỏ), Môn cầm thú (Thú vật).
b. Thể loại: Thơ Nôm Đường luật.
c. Nhan đề: Nhan đề này được đặt tên khi đưa vào sách giao khoa, không phải do Nguyễn Trãi đặt.
d. Bố cục: bài thơ gồm 2 phần
– Phần 1 (6 câu thơ đầu): Bức tranh về vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống.
– Phần 2 (2 câu thơ còn lại): nói về vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ.
e. Giá trị nội dung:
– Bài thơ là bức tranh về vẻ đẹp của thiên nhiên
– Qua đó cũng thể hiện tình yêu thiên nhiên, cuộc sống, lòng yêu nước, yêu dân của tác giả.
f. Giá trị nghệ thuật:
– Từ ngữ trong bài được sử dụng vô cùng giản dị, nhưng vẫn giàu sức biểu cảm.
– Hình ảnh thơ gần gũi với cuộc sống thường ngày
– Sử dụng kết hợp câu thơ lục ngôn, dồn nén cảm xúc.
3. Trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa:
Câu 1 (trang 118 sgk Ngữ Văn 10 Tập 1):
Để miêu tả bức tranh cảnh mùa hè, nhà thơ đã sử dụng các động từ chỉ thiên nhiên: “đùn đùn”, “giương”, “phun”. Từ đùn đùn đã khéo léo gợi lên màu xanh thẫm của tán hòe, liên tục tuôn ra, vươn rộng; từ phun giúp ta liên tưởng được sự nổi bật, bắt mắt của hoa lựu đỏ, hòa quyện cùng hương thơm ngát của hoa sen trong hồ. Cảnh vật được tác giả miêu tả bằng những động từ mạnh qua đó thể hiện một sức sống mãnh liệt của ngày hè, như có điều gì thúc giục bên trong, sức sống đang rỉ ra, tràn trề.
Câu 2 (trang 118 sgk Ngữ Văn 10 Tập 1):
Cảnh mùa hè có sự kết hợp hài hòa, sinh động giữa màu sắc và âm thanh, giữa cảnh vật và con người. Sự kết hợp màu sắc độc đáo giữa màu đỏ của hoa lựu trước hiên nhà và màu xanh của cây hòe đang rợp bóng. Hương thơm của hoa sen kết hợp với cảnh vật tạo nên một không gian tràn đầy sức sống. Và trong không gian ấy, hình ảnh con người hiện lên với sự sung túc, hạnh phúc, vui vẻ trong lao động. Tiếng “lao xao” của làng chài và tiếng ve sầu râm ran tạo nên không khí rộn ràng, tràn đầy sức sống.
Câu 3 (trang 118 sgk Ngữ Văn 10 Tập 1):
Để có thể thấy được toàn bộ vẻ đẹp của cảnh mùa hè, tác giả không chỉ dùng thị giác mà còn kết hợp các giác quan thính giác và khứu giác. Bên cạnh màu xanh của cây hòe, màu đỏ của hoa thạch lựu, người đọc còn có thể nghe được tiếng ồn ào của chợ cá, tiếng ve kêu và hương thơm của hoa sen mùa hè. Nhà thơ đã mở rộng mọi giác quan để đón nhận được rõ ràng vẻ đẹp của thiên nhiên, cảm nhận thiên nhiên và hòa mình vào thiên nhiên, khiến bức tranh thiên nhiên trong bài thơ trở nên tinh tế và sống động.
Qua đó, ta thấy được tình yêu thiên nhiên của tác giả, và thông qua tác phẩm, nhà thơ muốn bày tỏ tấm lòng của mình đối với con người, đất nước.
Câu 4 (trang 118 sgk Ngữ Văn 10 Tập 1):Tâm sự của nhà thơ:
Hai câu thơ cuối thể hiện tâm tư của tác giả, đó là điểm hội tụ của nội dung tư tưởng toàn bài thơ. Tác giả mong muốn có “Ngu cầm” – cây đàn của vua Ngu Thuấn – để gảy lên khúc hát Nam phong, khúc ca về sự thịnh vượng cho nhân dân ấm no, hạnh phúc. Câu thơ này thể hiện mong muốn đất nước thái bình, nhân dân lao động có cuộc sống ấm no để “dân giàu đủ” ở “khắp đòi phương”. Câu thơ cuối sáu chữ với nhịp điệu nhanh như muốn giải tỏa hết những cảm xúc mà tác giả đã kìm nén trong những câu thơ trên. Suy cho cùng, điều Nguyễn Trãi hướng đến luôn là nhân dân đất nước, chứ không chỉ đơn thuần là cảnh đẹp nơi quê nhà khi ở ẩn.
Câu 5 (trang 118 sgk Ngữ Văn 10 Tập 1):
Cảm hứng chính của bài thơ là khát vọng về một cuộc sống thái bình, hạnh phúc cho nhân dân. Nguyễn Trãi – một nhân vật lịch sử có tấm lòng trung hậu, yêu nước, từng viết nên áng thiên cổ hùng văn của dân tộc đã phải cáo quan về quê sống cuộc đời ẩn dật vì bất mãn với hoàn cảnh hiện tại. Trong lòng ông không lúc nào không nghĩ đến nhân dân, lo cho đời sống nhân dân. Và trong bài thơ này, mặc dù tình yêu thương của ông dành cho nhân dân chủ yếu bộc lộ ở hai câu thơ cuối, nhưng qua tất cả các câu thơ còn lại, ta cũng thấy được nỗi niềm mong muốn của ông khi miêu tả vẻ đẹp của làng quê và vẻ đẹp của người lao động.