Cho người khác mượn sổ đỏ thế chấp vay ngân hàng thông thường sẽ xảy ra giữa những người thân thiết với nhau. Vậy rủi ro khi cho người khác mượn sổ đỏ thế chấp vay ngân hàng như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Rủi ro khi cho người khác mượn sổ đỏ thế chấp vay ngân hàng:
1.1. Cho người khác mượn sổ đỏ thế chấp vay ngân hàng:
Cho người khác mượn sổ đỏ thế chấp vay ngân hàng bản chất đó chính là việc một người thực hiện bảo lãnh cho người khác vay tiền tại ngân hàng bằng hình thức thế chấp sổ đỏ của chính mình, đây là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ pháp luật quy định.
Điều 335 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định rõ biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là bảo lãnh là việc người thứ ba (gọi là bên bảo lãnh) thực hiện cam kết với bên có quyền (gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện những nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (gọi là bên được bảo lãnh), nếu như khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Theo đó, khi cho người khác mượn sổ đỏ thế chấp vay ngân hàng thì bên cho mượn sổ đỏ chính là bên bảo lãnh, bên mượn sổ đỏ chính là bên được bảo lãnh, ngân hàng là bên nhận bảo lãnh. Khi đó, bên cho mượn sổ đỏ (bên bảo lãnh) sẽ cam kết với ngân hàng (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên mượn sổ đỏ (bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
1.2. Rủi ro khi cho người khác mượn sổ đỏ thế chấp vay ngân hàng:
Điều 342 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định về trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh, theo quy định này thì bên cho mượn sổ đỏ (bên bảo lãnh) phải có trách nhiệm sau đây:
– Trường hợp bên mượn sổ đỏ thế chấp vay ngân hàng (bên được bảo lãnh) không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên cho mượn sổ đỏ thế chấp vay ngân hàng (bên bảo lãnh) phải thực hiện nghĩa vụ đó.
– Trường hợp bên cho mượn sổ đỏ thế chấp vay ngân hàng (bên bảo lãnh) không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh thì ngân hàng (bên nhận bảo lãnh) có quyền yêu cầu bên bên cho mượn sổ đỏ thế chấp vay ngân hàng thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại.
Có nghĩa là, nếu như bên mượn sổ đỏ thế chấp vay ngân hàng không thể thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ (trả tiền cho ngân hàng) thì bên cho mượn sổ đỏ thế chấp vay ngân hàng phải đứng ra thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho ngân hàng thay cho bên mượn sổ đỏ. Nếu như bên cho mượn sổ đỏ (bên bảo lãnh) không thể thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho ngân hàng thì ngân hàng sẽ xử lý tài sản bảo đảm (chính là tài sản mà bên bảo đảm đã thế chấp cho ngân hàng) theo thỏa thuận ban đầu giữa các bên. Các phương thức xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp tài sản bảo đảm là đất đai mà các bên thỏa thuận bao gồm:
– Bán đấu giá đất;
– Bên nhận bảo đảm tự bán đất;
– Bên nhận bảo đảm nhận chính mảnh đất đó để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
– Phương thức khác.
Như vậy, có thể thấy rủi ro lớn nhất khi cho người khác mượn sổ đỏ thế chấp vay ngân hàng đó chính là người cho mượn đất có thể “mất trắng” miếng đất của mình. Chính vì thế, trước khi đưa ra quyết định cho người khác mượn sổ đỏ thế chấp vay ngân hàng, người cho mượn sổ đỏ phải tìm hiểu kỹ người mình cho mượn sổ đỏ có khả năng trả tiền cho ngân hàng hay không, và cốt lõi để đưa ra quyết định ở đây đó chính là “niềm tin” với nhau.
2. Cách đòi lại sổ đỏ đã cho người khác mượn thế chấp vay ngân hàng:
Khi cho người khác mượn sổ đỏ thế chấp vay ngân hàng, người cho mượn sổ đỏ hoàn toàn có thể lấy lại được tài sản của mình bằng một trong các cách sau:
2.1. Thay đổi tài sản thế chấp:
Điều 343 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định về chấm dứt bảo lãnh, theo đó bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
– Nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt;
– Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;
– Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
– Theo thỏa thuận của các bên.
Theo quy định trên, người cho mượn sổ đỏ hoàn toàn có thể lấy lại được tài sản của mình bằng cách các bên thỏa thuận việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
– Việc bảo lãnh được hủy bỏ: biện pháp bảo lãnh chấm dứt. Khi việc bảo lãnh được các bên thỏa thuận hủy bỏ thì lúc này quan hệ nghĩa vụ giữa bên mượn tài sản và bên phía ngân hàng trở thành quan hệ nghĩa vụ không có biện pháp bảo đảm. Khi đó, bên cho mượn sổ đỏ hoàn toàn có thể lấy lại được tài sản của mình.
– Việc bảo lãnh được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác: ở trường hợp này, các bên có thể:
+ Thay thế biện pháp bảo đảm khác không phải bảo lãnh;
+ Thay thế người bảo lãnh khác;
+ Thay thế biện pháp bảo đảm bằng tài sản khác để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Với ba phương thức này, đều có một điểm chung đó chính là bên cho mượn sổ đỏ hoàn toàn có thể lấy lại được tài sản của mình.
2.2. Khởi kiện dân sự:
Như đã nói ở mục trên, nếu bên mượn sổ đỏ thế chấp vay ngân hàng không thể thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ (trả tiền cho ngân hàng) thì bên cho mượn sổ đỏ thế chấp vay ngân hàng phải đứng ra thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho ngân hàng thay cho bên mượn sổ đỏ. Nếu bên cho mượn sổ đỏ thế chấp vay ngân hàng không thực hiện được nghĩa vụ thì bên ngân hàng sẽ xử lý tài sản theo phương thức các bên đã thỏa thuận, có nghĩa là tài sản cho mượn sẽ “mất”. Khi đó, người cho mượn sổ đỏ có thể thực hiện khởi kiện người mượn sổ đỏ (người được bảo lãnh) trả lại số tiền tương ứng phần tài sản mà ngân hàng đã xử lý và các yêu cầu khác có liên quan. Tuy nhiên, phương pháp này được đánh giá là khó có khả quan người bị kiện có thể trả lại hết số tiền mà người khởi kiện yêu cầu, bởi ngay từ ban đầu, người bị khởi kiện đã không có tiền để hoàn thành nghĩa vụ của mình với ngân hàng, thì mới dẫn đến việc người bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ thay cho người được bảo lãnh. Các bước khởi kiện như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Người khởi kiện nộp hồ sơ đến tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền bằng một trong các phương thức sau:
– Phương thức 1: Nộp trực tiếp tại Tòa án;
– Phương thức 2: Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
– Phương thức 3: Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Hồ sơ bao gồm có:
– Đơn khởi kiện;
– Các tài liệu chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm (hợp đồng bảo lãnh,
– Giấy chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của người khởi kiện/người bị kiện.
Bước 2: Thụ lý vụ án
– Sau khi nhận đơn khởi kiện về việc đòi lại tiền của người bảo lãnh và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu như xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mình thì Thẩm phán phải thực hiện thông báo ngay cho người khởi kiện về việc đòi lại tiền của người bảo lãnh biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
– Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện về việc đòi lại tiền của người bảo lãnh phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
– Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện về việc đòi lại tiền của người bảo lãnh nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Nếu như trong trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc là người khởi kiện không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán sẽ phải thụ lý vụ án ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Bước 3: hòa giải
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án đòi lại tiền của người bảo lãnh, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ các trường hợp không tiến hành hòa giải được, bao gồm:
– Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.
– Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.
– Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.
Bước 4: Xét xử sơ thẩm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ Luật Dân sự 2015;
– Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.