Luật Phá sản năm 2014 đã quy định các nội dung của Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tương đối đã đầy đủ, rõ ràng. Chủ yếu nội dung đơn yêu cầu thể hiện được vấn đề cần phải giải quyết, đó chính là yêu cầu mở thủ tục phá sản và căn cứ để yêu cầu mở thủ tục phá sản là gì.
Mục lục bài viết
- 1 1. Các quy định về nội dung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:
- 2 2. Các quy định về chủ thể được yêu cầu mở thủ tục phá sản:
- 3 3. Các quy định về thẩm quyền mở thủ tục phá sản:
- 4 4. Các quy định về căn cứ mở thủ tục phá sản – tình trạng mất khả năng thanh toán:
- 5 5. Các quy định về tạm ứng chi phí phá sản:
- 6 6. Các quy định về thương lượng giữa chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp mất khả năng thanh toán:
- 7 7. Các quy định về công bố thông tin quyết định mở thủ tục phá sản:
- 8 8. Các quy định về chỉ định người quản lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán:
- 9 9. Các quy định về hoạt động của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản:
1. Các quy định về nội dung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:
Nội dung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà Luật Phá sản năm 2014 đã quy định cho từng nhóm chủ thể tương đối đã đầy đủ, rõ ràng. Chủ yếu nội dung đơn yêu cầu thể hiện được vấn đề cần phải giải quyết, đó chính là yêu cầu mở thủ tục phá sản và căn cứ để yêu cầu mở thủ tục phá sản là gì.
Đối với tài liệu kèm theo Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà Luật quy định phải nộp kèm theo Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã trong 03 năm gần nhất. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập và hoạt động chưa đủ 03 năm thì kèm theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã trong toàn bộ thời gian hoạt động.
Một số quan điểm cho rằng đối với Báo cáo tài chính của doanh nghiệp hết sức cần thiết phải thực hiện kiểm toán trước khi mở thủ tục phá sản, bởi thẩm phán không thể đủ năng lực để thẩm định Báo cáo tài chính của doanh nghiệp được, như vậy dễ dẫn đến việc gian dối của con nợ trong việc lập Báo cáo tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyết định mở thủ tục phá sản của thẩm phán.
Theo tác giả, đối với Báo cáo tài chính của doanh nghiệp không cần thiết phải kiểm toán ngay trước khi mở thủ tục phá sản, vấn đề này có thể đặt ra sau khi mở thủ tục phá sản, bởi việc mở thủ tục phá sản chính là thủ tục để giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán, vì vậy chỉ cần đủ căn cứ cho rằng doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán thì thẩm phán có thể quyết định mở thủ tục phá sản. Như vậy, người nộp đơn chỉ cần gởi kèm theo Báo cáo tài chính là đã đủ điều kiện để thụ lý và mở thủ tục phá sản.
2. Các quy định về chủ thể được yêu cầu mở thủ tục phá sản:
Theo Luật Phá sản 2014 đã phân rõ thành 06 nhóm chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, theo quy định này, ta có thể phân chia các chủ thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thành hai nhóm:
+ Nhóm có quyền: Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần; Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở; Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng; Thành viên hợp tác xã, thành viên của liên hiệp hợp tác xã. Nhóm này là nhóm thực hiện quyền nên họ có thể thực hiện nộp đơn hoặc có thể không thực hiện nộp đơn là quyền của họ, pháp luật không thể can thiệp quyền này của họ.
Quy định không cho chủ nợ có đảm bảo quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo tác giả là chưa phù hợp, bởi thủ tục phá sản là một phương thức đòi nợ đặc biệt, việc không cho chủ nợ có bảo đảm nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đã làm mất đi quyền lựa chọn phương thức đòi nợ hữu hiệu này của chủ nợ có bảo đảm. Đồng thời, theo quy định thì Chủ nợ có đảm bảo lại không có quyền xử lý tài sản đảm bảo cho khoản nợ của mình trong trường hợp phương án phục hồi SXKD được thông qua, như vậy thì xét trường hợp cho rằng họ đã được đảm bảo bằng tài sản nên không cho quyền nộp đơn yêu cầu của họ, thiết nghĩ phần nào đó chưa đem lại công bằng cho lại chủ nợ này. Mặt khác, việc cho phép các chủ nợ có bảo đảm nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sẽ góp phần phát hiện sớm tình trạng mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp, hợp tác xã, nhờ đó phần nào có thể hạn chế thiệt hại của chủ thể khác nếu có rủi ro xảy ra.
Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở là nhóm có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản, tuy nhiên, xét về tính khả thi của quy định này thì chưa hoàn toàn phù hợp với thực tế; ở thời buổi kinh tế suy thoái và có nhiều biến động như hiện nay, việc các doanh nghiệp, hợp tác xãkinh doanh khó khăn và tình trạng nợ lương người lao động diễn ra khá phổ biến và cũng là một điều khá dễ hiểu. Liệu người lao động có thể phát huy được vai trò của mình trong việc tham gia giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã trên thực tế hay không? một mục tiêu quan trọng và mang tính nhân đạo của Luật Phá sản đó là cứu con nợ thoát khỏi bờ vực phá sản; liệu Luật Phá sản 2014 quy định như vậy có thể hiện đúng tinh thần và nhiệm vụ của Luật Phá sản hay không?
+ Nhóm có nghĩa vụ: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã; Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
Luật Phá sản năm 2014 quy định:
Những người theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 5 của Luật này không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp có thiệt hại phát sinh sau thời điểm doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán do việc không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gây ra thì phải bồi thường.
Bên cạnh đó, Nghị định 82/2020/NĐ–CP ngày 15/7/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã có quy định:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty cổ phần, chủ tịch hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
Việc không thực hiện nghĩa vụ đã được Luật Phá sản quan tâm, tuy nhiên với mức xử phạt nêu trên theo tác giả nghĩ rằng chưa thật sự đủ răn đe đối với hành vi này.
3. Các quy định về thẩm quyền mở thủ tục phá sản:
Theo tác giả, việc phân định thẩm quyền của Tòa án cấp huyện theo tiêu chí trụ sở chính có ngoại lệ một số trường hợp thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh được quy định tại Điều 8, Luật PS là phù hợp với thực tiễn, quy định này nhằm giảm áp lực thụ lý án của Tòa án cấp tỉnh, đáp ứng mục tiêu lành mạnh hóa nền kinh tế, tạo môi trường kinh doanh tốt hơn. Thật vậy, nếu với thống kê của ngành đăng ký kinh doanh thì số lượng doanh nghiệp phá sản rất lớn nhưng họ không có nộp đơn yêu cầu, nếu chỉ một phần số lượng doanh nghiệp này nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì ngành Tòa án chắc chắn sẽ bị thiết hụt nhân sự để thụ lý giải quyết, đặc biệt là nhân sự ở cấp tỉnh.
Tại điểm b, điều 8 Luật Phá sản, có quy định thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh trong trường hợp “doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau”, theo tác giả quy định này chưa phù hợp ở một vế đó chính là Văn phòng đại diện, bởi theo quy định khoản 2, Điều 44, Luật doanh nghiệp 2020 thì “Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp”, vì không thực hiện chức năng kinh doanh cho nên Văn phòng đại diện không có tài sản, không có nguồn vốn, công nợ ... Vì thế việc xem xét thẩm quyền có thể giao cho Tòa án cấp huyện giải quyết là ổn.
Trường hợp, khi
4. Các quy định về căn cứ mở thủ tục phá sản – tình trạng mất khả năng thanh toán:
Theo Luật Phá sản năm 2014 thì tiêu chí định tính kết hợp với định lượng thể hiện qua việc luật quy định mất khả năng thanh toán một khoảng thời gian là 03 tháng, cụ thể nếu doanh nghiệp không có khả năng thanh toán khoản nợ đến hạn trong một khoảng thời gian cụ thể là 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán thì được coi là mất khả năng thanh toán. Quy định này bảo vệ chặt chẽ hơn quyền của chủ nợ, đảm bảo trách nhiệm trả nợ đúng hạn của người mắc nợ, chủ nợ không cần phải chứng minh đã có yêu cầu thanh toán nhưng không được doanh nghiệp thanh toán.
Mặc dù hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau để xác định tình trạng mất khả năng thanh toán, ví dụ như mất khả năng thanh toán xác định theo dòng tiền ngoài việc “không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”, còn phải thêm tiêu chí là “có giá trị tài sản nhỏ hơn tổng số nợ đến hạn”, theo tác giả là không cần thiết, bởi, quy định tình trạng mất khả năng thanh toán chủ yếu vẫn là mục đích để làm căn cứ mở thủ tục phá sản chứ không phải để làm căn cứ xác định doanh nghiệp bị phá sản.
Bên cạnh đó, thời hạn nợ 03 tháng so với thực tiễn kinh doanh là quá ngắn, bởi hiện nay có rất nhiều LC chậm trả, thời hạn chậm trả có thể lên đến 12 tháng, so với quy định cho vay ngắn hạn của Ngân hàng thời hạn cho vay
có thể lên đến 12 tháng, bởi vậy nếu quy định thời hạn ngắn quá doanh nghiệp không kịp thời xoay xở đồng vốn để thanh toán cho các chủ nợ, có khi lúc này chỉ mới gọi là khó khăn thanh toán chứ chưa phải là mất khả năng thanh toán, khi chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì có thể làm cho doanh nghiệp từ khó khăn thanh toán chuyển sang phá sản thật sự.
Tuy nhiên, xét về bản chất thủ tục phá sản là thủ tục đòi nợ tập thể thì căn cứ mở thủ tục phá sảnquy định tại Luật Phá sản 2014, vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu này trước khi thực hiện ra quyết định mở thủ tục phá sản, bởi chỉ có 01 chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì đã buộc Tòa án phải tiến hành ra quyết định mở thủ tục phá sản.
5. Các quy định về tạm ứng chi phí phá sản:
Luật Phá sản năm 2014 quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, TAND dự tính số tiền tạm ứng chi phí phá sản và thông báo cho người yêu cầu mở thủ tục phá sản để nộp tạm ứng chi phí phá sản. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về việc nộp tạm ứng chi phí phá sản, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải thực hiện việc tạm ứng chi phí phá sản vào tài khoản do TAND mở tại ngân hàng. “Tạm ứng chi phí phá sản” là khoản tiền do TAND quyết định để đăng báo, tạm ứng chi phí quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Tuy nhiên, Luật Phá sản năm 2014 không quy định cụ thể về cách tính tạm ứng chi phí phá sản. Nghị định số 22/2015/NĐ–CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ hướng dẫn quy định về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản chỉ bao hàm quy định hướng dẫn về cách tính mức thù lao đối với quản tài viên mà không có bất cứ quy định nào hướng dẫn cách tính tạm ứng chi phí phá sản. Bên cạnh đó, Luật Phá sản năm 2014 và Nghị định số 22/2015/NĐ–CP cũng quy định chưa cụ thể về thủ tục mở, quản lý tài khoản do Tòa án mở tại Ngân hàng để thu tiền tạm ứng chi phí phá sản. Điều này gây lúng túng cho Tòa án trong việc tổ chức thực hiện trên thực tế, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau như tài khoản mở tại ngân hàng được sử dụng cho một vụ hay nhiều vụ phá sản?
6. Các quy định về thương lượng giữa chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp mất khả năng thanh toán:
Luật Phá sản năm 2014 quy định phương án thương lượng giữa các bên trước khi tòa thụ lý đơn yêu cầu của chủ nợ. Theo đó, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày TAND nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có quyền đề nghị bằng văn bản gửi TAND để các bên thương lượng việc rút đơn. TAND ấn định thời gian thương lượng nhưng không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ. Trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì TAND trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trường hợp thương lượng không thành hoặc hết thời hạn thương lượng mà các bên không tiến hành thương lượng thì TAND thông báo cho người nộp đơn nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản và thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định.
Theo ý kiến tác giả thì quy định về thương lượng tại Điều luật này giúp doanh nghiệp có cơ hội đàm phán với chủ nợ để đạt thỏa thuận về việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Tuy nhiên, quy định này còn bắt buộc các bên phải có đơn đề nghị thì chưa hợp lý, bởi nguyên tắc lập pháp hiện đại là nhằm giúp cho con nợ thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán, vì vậy đây có thể là cơ hội để con nợ đàm phán và thương lượng với chủ nợ, thiết nghĩ Tòa án có thể trực tiếp ấn định thời gian để các bên thương lượng với nhau thì hợp lý hơn.
7. Các quy định về công bố thông tin quyết định mở thủ tục phá sản:
Về công bố thông tin mở thủ tục phá sản, quy định pháp luật Phá sản hiện hành cũng đã đảm bảo thông tin được đến nơi cần đến. Thiết nghĩ, mục đích công bố thông tin ngoài mục đích giúp cho những người tham gia thủ tục phá sản kịp thời biết và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình, còn một mục đích khác mà các nhà lập pháp hiện đại quan tâm đến, đó chính là thông tin đến những tổ chức, cá nhân có khả năng thực hiện việc tái cơ cấu, mua lại ... nhằm giúp cho con nợ thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán, giúp cho chủ nợ thu hồi được nhiều nợ hơn.
Quy định pháp luật Phá sản hiện hành, nội dung công bố thông tin là quyết định mở thủ tục phá sản, tại quyết định này chỉ thể hiện:
“+ Ngày, tháng, năm; + Tên của TAND; họ và tên thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản;
+ Ngày và số thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; tên, địa chỉ của người làm đơn yêu cầu;
+ Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;
+ Thời gian, địa điểm khai báo của các chủ nợ và hậu quả pháp lý của việc không khai báo.”
Với nội dung này chưa thể hiện được các thông tin cần thiết để tác động đến những tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua lại, tái cấu trúc lại, .... doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, vì vậy, chưa đáp ứng được những yêu cầu của Luật Phá sản nhằm giúp cho doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có nhiều cơ hội được hồi phục kinh doanh.
8. Các quy định về chỉ định người quản lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán:
Việc ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đã dẫn đến hệ quả phải có người quản lý sản nghiệp của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nhằm đảm bảo các mục tiêu mà việc mở thủ tục phá sản đề ra như đảm bảo được việc bảo vệ quyền lợi chủ nợ, con nợ ..., ngoài ra còn phải đảm bảo được:
Thứ nhất, Cân bằng quyền lợi của các chủ nợ. Khi bị mở thủ tục phá sản, các chủ nợ sẽ liên tiếp liên hệ con nợ để đòi nợ, đòi siết tài sản để cấn nợ, hoặc là đe dọa người quản lý của doanh nghiệp, hoặc đòi bán tài sản đã thế chấp của con nợ mất khả năng thanh toán, gây cản trở hoạt động kinh doanh. Yêu cầu đặt ra là phải có một cơ quan độc lập đứng ra quản lý tài sản để có thể bảo toàn tài sản, đảm bảo bình đẳng, đồng đều cho các chủ nợ trong việc phân chia tài sản trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản.
Thứ hai, Đảm bảo được nguyên vẹn, sản nghiệp, khối tài sản phá sản. Khi mở thủ tục phá sản, có thể người quản lý doanh nghiệp hoặc các cá nhân quản lý tài sản doanh nghiệp sẽ cố tình tẩu tán tài sản, hoặc không giữ gìn, bảo quản tài sản làm tài sản bị xuống cấp, hư hỏng (trường hợp tài sản dễ bị giảm sút về giá trị như động sản), điều này khiến cho tài sản còn lại của doanh nghiệp không còn nhiều hoặc bị mất cắp, mất trộm (do không được quản lý). Do đó, cần phải có sự quản lý tài sản của doanh nghiệp bởi một cơ quan, cá nhân độc lập để đảm bảo tài sản được bảo toàn ở mức cao nhất.
Thứ ba, Bảo vệ được quyền lợi của người lao động, trật tự xã hội. Người lao động là bộ phận dễ bị tổn thương nhất khi doanh nghiệp bị phá sản, vì doanh nghiệp bị phá sản sẽ không có khả năng trả lương, chi trả các khoản phụ cấp cho họ. Người lao động là bộ phận ít quyền lực, ít tiếng nói, vì vậy họ không thể đối chọi lại với các chủ nợ hay đối thoại với doanh nghiệp đề nghị thanh toán lương và phụ cấp. Ngoài ra, việc tranh giành tài sản doanh nghiệp để cấn trừ nợ có thể gây mất trật tự xã hội, bởi chủ nợ có thể thuê người tới để đem tài sản đi hoặc bán sang tay cho người khác nhằm thu hồi nợ. Bởi vậy, phải có một đơn vị để quản lý tài sản doanh nghiệp, đảm bảo được quyền lợi cho người lao động cũng như đảm bảo trật tự xã hội.
Theo Điều 45 Luật Phá sản 2014 về chỉ định QTV, Tòa án phải chỉ định QTV trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, đồng thời, đã quy định rõ trách nhiệm của Quản tài viên, trách nhiệm của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nên đã đảm bảo được các yêu cầu mà mục tiêu của việc mở thủ tục phá sản đặt ra.
Do đây là luận văn chỉ xem xét ở góc độ mở thủ tục phá sản nên tác giả không mở rộng thêm về quyền và nghĩa vụ của quản tài viên trong Luật Phá sản đã quy định. Nhận thấy, chỉ cần có quy định phải chỉ định Quản tài viên để thực hiện việc quản lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán ngay sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản là đã đảm bảo yêu cầu lập pháp hiện đại.
Tuy nhiên, cũng còn hạn chế trong trường hợp Quản tài viên, tổ chức hành nghề quản lý thanh lý tài sản từ chối tham gia vào vụ phá sản, như vậy thì thủ tục phá sản xem như không thực hiện được.
9. Các quy định về hoạt động của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản:
Mở thủ tục phá sản dẫn đến hệ quả là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán bị cấm ở một số lĩnh vực hoạt động và bị giám sát (muốn hoạt động này được thực hiện thì phải có sự đồng ý của Quản tài viên) ở một số lĩnh vực hoạt động.
Việc quy định này của pháp luật Phá sản, theo tác giả là phù hợp với tinh thần lập pháp hiện đại, bởi, nó thể bảo đảm rằng bảo toàn được tài sản của doanh nghiệp kể từ thời điểm mở thủ tục phá sản, đảm bảo được sự tin tưởng của chủ nợ đối với hoạt động của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán sau khi mở thủ tục phá sản.