Quyết định hành chính là gì? Chủ thể nào có quyền ban hành quyết định hành chính? tính hợp lý và tính hợp pháp của quyết định hành chính?
1. Khái quát về quyết định hành chính
Quyết định hành chính là một dạng của quyết định pháp luật, nó là kết quả sự thể hiện ý chí quyền lực của nhà nước thông qua những hành vi của các chủ thể được thực hiện quyền hành pháp, tiến hành theo thủ tục dưới những hình thức nhất định theo quy định của pháp luật, nhằm đưa ra những chủ trương, biện pháp, đặt ra các quy phạm pháp luật hoặc áp dụng những quy phạm đó giải quyết một công việc cụ thể trong đời sống xã hội nhằm thực hiện hoạt động quản lí hành chính nhà nước.
2. Tính hợp pháp và hợp lý trong các quyết định hành chính
Tính hợp pháp của quyết định hành chính
Tính hợp pháp của quyết định hành chính là thuộc tính của quyết định hành chính thể hiện yêu cầu của nhà nước về sự phù hợp của quyết định với các quy phạm pháp luật về hình thức quyết định, thẩm quyền ban hành, thủ tục xây dựng, nội dung quyết định và sự vi phạm những quy định đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị pháp lí của quyết định hành chính.
Tính hợp pháp của quyết định hành chính là một trong những cơ sở để đánh giá chất lượng, quyết định sự tồn tại và hiệu lực pháp lí của quyết định hành chính được ban hành. Do vậy, bất kì một quyết định hành chính nào cũng phải đáp ứng các yêu cầu sau:
Thứ nhất, quyết định hành chính phải được ban hành đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Thẩm quyền ban hành quyết định hành chính bao gồm thẩm quyền hình thức và thẩm quyền nội dung được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004 và các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lí nhà nước và các chủ thể có thẩm quyền.
Thẩm quyền ban hành quyết định hành chính về mặt hình thức là thẩm quyền của mỗi cơ quan được ban hành những loại quyết định hành chính nào là do pháp luật quy định. Đây là quy định của nhà nước nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời đảm bảo duy trì tính hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật về mặt hình thức. Như vậy, tiêu chuẩn về thẩm quyền ban hành quyết định hành chính về mặt hình thức thể hiện ở chỗ khi cần ban hành một quyết định hành chính mỗi cơ quan chỉ được sử dụng loại quyết định hành chính mà pháp luật quy định cho cơ quan đó có quyền ban hành, không được ban hành loại quyết định hành chính thuộc thẩm quyền của cơ quan khác, cũng không được tự mình sáng tạo một loại quyết định hành chính riêng. Thẩm quyền này được quy định cụ thể trong điều 2,điều 21 Luật ban hành quy phạm pháp luật năm 2008 và khoản 2 điều 1 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004.
Thẩm quyền ban hành quyết định hành chính về nội dung là mỗi cơ quan được quyền ban hành quyết định hành chính về những vấn đề gì, với những tính chất và mức độ nào.Thẩm quyền này được pháp luật quy định phụ thuộc vào cơ cấu quyền lực nhà nước và khả năng thực tế của từng cơ quan gắn liền với vấn đề tổ chức và thực hiện quyền lực trong bộ máy nhà nước. Việc quy định thẩm quyền của mỗi cơ quan vừa có mục đích tạo nên sự hài hòa, thống nhất trong hoạt động của bộ máy nhà nước vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động thực tế của chúng.
Thứ hai, quyết định hành chính phải phù hợp với luật về nội dung cũng như mục đích bởi lẽ đây là những quyết định dưới luật.
Hệ thống pháp luật Việt Nam là hệ thống tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Mỗi quyết định hành chính là một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật. Để bảo đảm tính thống nhất thì quyết định hành chính phải được ban hành theo trật tự pháp lí từ trên xuống dưới, quyết định hành chính có hiệu lực pháp lí thấp phải phù hợp với các quyết định có hiệu lực pháp lí cao hơn.
Điều đầu tiên trước khi ban hành quyết định hành chính là phải xác định căn cứ pháp lí cho việc ban hành. Căn cứ pháp lí ở đây là những chuẩn mực pháp luật được quy định trong các văn bản có liên quan mà theo đó văn bản được ban hành hợp pháp. Tuy nhiên cũng còn một số điều cần phải quan tâm. Đó là quá trình xây dựng pháp luật thường bắt đầu từ việc xây dựng văn bản có hiệu lực pháp lí cao đến xây dựng văn bản có hiệu lực pháp lí thấp nhưng quá trình thực hiện lại từ văn bản có hiệu lực pháp lí thấp lên văn bản có hiệu lực pháp lí cao; và việc đánh giá một quyết định hành chính trái pháp luật không phải lúc nào cũng dễ dàng. Muốn xác định một cách chính xác cơ sở pháp lí của văn bản trước hết cần xác định nội dung công việc đó thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết của cơ quan nào.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Tiếp nữa ,để đảm bảo tính hợp pháp về nội dung của quyết định hành chính, ngoài yêu cầu đúng về căn cứ pháp lí còn phải có nội dung phù hợp với quy định của pháp luật. Khi xem xét tính hợp pháp về nội dung của quyết định hành chính, người ta thường chú trọng tới sự phù hợp, thống nhất về nội dung giữa các văn bản theo nguyên tắc quyết định hành chính có hiệu lực pháp lí thấp phải phù hợp với quyết định hành chính có hiệu lực pháp lí cao; quyết định của cấp dưới phải phù hợp với quyết định của cấp trên; nội dung quyết định hành chính phải hài hòa, thống nhất với các quyết định hành chính có cùng hiệu lực pháp lí; các quy định trong cùng một quyết định phải thống nhất với nhau. Một điểm quan trọng nữa là để đảm bảo tính hợp pháp về nội dung cho quyết định hành chính thì phải phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã kí kết hoặc gia nhập. Chẳng hạn, để đánh giá tính hợp pháp văn bản của chính phủ cần xem xét và đặt văn bản đó trong mối liên hệ với các văn bản khác đã ban hành trước đó của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước và một số văn bản khác có liên quan.
Thứ ba, quyết định hành chính phải được ban hành theo đúng trình tự, thủ tục và hình thức do pháp luật quy định.
Điều này được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân , Ủy ban nhân dân năm 2004; Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06/5/2005; Quyết định số 20/2002/QĐ-KHCN ngày 31/12/2012 và Nghị quyết số 1139/2007/UBTVQH 11 ngày 03/07/2007. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính phải tuân thủ đầy đủ các thủ tục xây dựng,ban hành văn bản theo quy định của pháp luật đồng thời cần chú ý cách thức trình bày theo quy định của pháp luật. Đó là điều kiện để đảm bảo nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa- một nguyên tắc cơ bản trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền.
Tính hợp lí của quyết định hành chính
Tính hợp lí của quyết định hành chính là sự thể hiện và diễn đạt đúng đắn mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu của quản lí, sự hài hòa giữa ý chí của nhà nước với những quy luật khách quan, những điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trong đó quyết định hành chính được tạo ra và phát huy giá trị, có ý nghĩa quyết định đến hiệu lực thực tế của quyết định.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Quyết định hành chính được nhà nước đảm bảo thực hiện bằng quyền lực nhà nước
– Một số khái niệm về quyết định hành chính
– Tính đơn phương và tính bắt buộc của quyết định hành chính
Mọi thắc mắc pháp lý cần tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ, quý khách hàng vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.6568 hoặc gửi thư về địa chỉ email: [email protected].
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại
– Tư vấn luật miễn phí qua điện thoại
– Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại