Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng dịch vụ dạy đàn. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ.
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng dịch vụ dạy đàn. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư! Em tên là Cao Minh Vương, hiện nghề nghiệp của em là giáo viên dạy nhạc. Em có một vấn đề cần tư vấn như sau: Em ngoài thời gian đi dạy ở trường thì em có nhận học viện dạy đàn tại nhà.Vừa rồi cách đây khoảng 5 tháng em có nhận vào 3 học viên là sinh viên đang học tại trường Đại học trên địa bàn vào học với yêu cầu là dạy đàn với chi phí là 8 triệu (nhận trước 4 triệu và sau khi hết khóa học sẽ nhận tiếp 4 triệu còn lại) trong vòng 1 năm. Học đến nay đã được 5 tháng, nhưng có khoảng thời gian gián đoạn do 2 bên bận công việc riêng. Lúc nhận học viên thì không có bất cứ hợp đồng giấy tờ nào cả nhưng có một số thỏa thuận bằng miệng. Nhưng do đến nay giữa 2 bên có mâu thuẩn nên không tiến hành dạy nữa, rồi phía phụ huynh bên kia yêu cầu em trả lại số tiền là 3 triệu( trong tổng số 4 triệu nhận trước). Nhưng em không đồng ý vì công sức,thời gian và kiến thức em bỏ ra trước đó rất nhiều và em mới là người có quyền quyết định sẽ trả lại bao nhiêu sau thời gian giảng dạy. Và trước giờ củng có vài học viên theo học em nhưng sau đó vì một lý do nào đó cũng nghĩ giữa chừng giống trường hợp này nhưng những học viên đó không yêu cầu trả lại hay phàn nàn quá trình học giống như trường hợp này. Vậy nên bây giờ em không đồng ý trả lại tiền vì em cảm thấy trong quá trình dạy em bỏ quá nhiều công sức(những học viên này tiếp thu chậm và học không chuyên cần nên giảng dạy khó khăn hơn so với các học viên khác), nên bây giờ phía bên kia gây áp lực cho em yêu cầu trả lại 3 triệu với lý do là học viên học không tiếp thu được nhiều,em không đồng ý thì họ yêu nói sẽ nhờ chính quyền giải quyết đòi lại số tiền.Vì em là dân ngoại tỉnh ở xa nên bây giờ em rất hoang mang,bản thân em không quen biết rộng rãi.Vậy nên bây giờ em muốn nhờ luật sư tư vấn trong trường hợp này phía bên kia nói là nhờ chính quyền giải quyết để đòi lại số tiền, vậy có được không ạ? vì không có hợp đồng kí kết và em muốn hỏi là vì bây gờ phía bên kia gọi em nhiều lần đòi gặp giải quyết gây áp lưc cho em và em cũng muốn gặp để giải quyết cho xong nhưng vì em sợ phía bên kia sẽ làm áp lực và em bị đuối lý.Vậy em muốn thuê một luật sư để đại diện em gặp phía bên kia giải quyết thì chi phí là khoảng bao nhiêu ạ, cụ thể là cùng em có một buổi uống cà phê nói chuyện với bên kia giải quyết vấn đề. Em xin cảm ơn?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Tại Điều 518 Bộ luật dân sự 2005 có quy định như sau:
Điều 518. Hợp đồng dịch vụ
Hợp đồng dịch vụ là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên thuê dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Theo thông tin bạn trình bày, cách đây khoảng 5 tháng bạn có nhận 3 học viên là sinh viên đang học tại trường Đại học trên địa bàn vào học với yêu cầu là dạy đàn trong vòng 1 năm với chi phí là 8.000.000 đồng (nhận trước 4.000.000 đồng, sau khi hết khóa học sẽ nhận tiếp 4.000.000 đồng còn lại). Căn cứ theo thông tin bạn trình bày thì giữa bạn và những học viên đó là chủ thể của hợp đồng dịch vụ, theo đó các bên có quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận (bạn sẽ phải dạy đàn cho 3 học viên trong vòng 01 năm, bên thuê dịch vụ phải thanh toán tiền trước 4.000.000 đồng, sau khi kết thúc khóa học thanh toán 4.000.000 đồng còn lại). Ngoài ra, các bên còn có quyền và nghĩa vụ theo Bộ luật dân sự 2005 như sau:
Tại Điều 520 và Điều 521 Bộ luật dân sự 2005 có quy định về nghĩa vụ của bên thuê dịch vụ như sau:
Điều 520. Nghĩa vụ của bên thuê dịch vụ
Bên thuê dịch vụ có các nghĩa vụ sau đây:
1. Cung cấp cho bên cung ứng dịch vụ thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc, nếu có thoả thuận hoặc việc thực hiện công việc đòi hỏi;
2. Trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ theo thoả thuận.
Điều 521. Quyền của bên thuê dịch vụ
Bên thuê dịch vụ có các quyền sau đây:
1. Yêu cầu bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và các thoả thuận khác;
2. Trong trường hợp bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên thuê dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tại Điều 522 và Điều 523 Bộ luật dân sự 2005 có quy định về nghĩa vụ và quyền của bên cung ứng dịch vụ như sau:
Điều 522. Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ
Bên cung ứng dịch vụ có các nghĩa vụ sau đây:
1. Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và các thoả thuận khác;
2. Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc, nếu không có sự đồng ý của bên thuê dịch vụ;
3. Bảo quản và phải giao lại cho bên thuê dịch vụ tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc;
4. Báo ngay cho bên thuê dịch vụ về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc;
5. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định;
6. Bồi thường thiệt hại cho bên thuê dịch vụ, nếu làm mất mát, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin.
Điều 523. Quyền của bên cung ứng dịch vụ
Bên cung ứng dịch vụ có các quyền sau đây:
1. Yêu cầu bên thuê dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện;
2. Được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên thuê dịch vụ, mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên thuê dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên thuê dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên thuê dịch vụ;
3. Yêu cầu bên thuê dịch vụ trả tiền dịch vụ.
Tại Điều 524 Bộ luật dân sự 2005 có quy định như sau:
Điều 524. Trả tiền dịch vụ
1. Bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ theo thoả thuận.
2. Khi giao kết hợp đồng nếu không có thoả thuận về giá dịch vụ, phương pháp xác định giá dịch vụ và không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá dịch vụ thì giá dịch vụ được xác định căn cứ vào giá thị trường của dịch vụ cùng loại tại thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng.
3. Bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ tại địa điểm thực hiện công việc khi hoàn thành dịch vụ, nếu không có thoả thuận khác.`
4. Trong trường hợp dịch vụ được cung ứng không đạt được như thoả thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn thì bên thuê dịch vụ có quyền giảm tiền dịch vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Tại Điều 525 Bộ luật dân sự 2005 có quy định về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ như sau:
Điều 525. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ
1. Trong trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên thuê dịch vụ thì bên thuê dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên thuê dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.
2. Trong trường hợp bên thuê dịch vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện không đúng theo thoả thuận thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Theo thông tin bạn trình bày khi học đến tháng thứ 5, do có khoảng thời gian gián đoạn do 2 bên bận công việc riêng nên không thực hiện việc giảng dạy, nay do có mâu thuẫn và không tiến hành dạy nữa, không rõ việc không dạy nữa là do học viên đến học mà bạn không dạy hay do học viên không đến để học. Tuy nhiên không rõ việc không tiến hành dạy đàn nữa là do lỗi từ bên nào?
+ Nếu là do học viên đến mà bạn không dạy thì căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 521 Bộ luật dân sự 2005 thì bên thuê bạn dạy đàn có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
+ Nếu trong trường hợp học viên không đến nhà bạn để học do vậy bạn không thể tiến hành được việc dạy đàn thì việc không tiếp tục là không phải do lỗi của bạn.
Theo thông tin bạn trình bày thì trước đó hai bên có thỏa thuận miệng về việc thanh toán 4.000.000 đồng trước và sẽ thanh toán sau khi hoàn tất việc dạy 4.000.000 đồng. Do vậy, căn cứ theo Khoản 2 Điều 520 Bộ luật dân sự 2005 và Khoản 1 Điều 524 Bộ luật dân sự 2005 thì bên thuê bạn dạy đàn phải thanh toán cho bạn 4.000.000 đồng theo đúng thỏa thuận. Và nếu việc không tiến hành việc dạy và học đàn nữa không phải do lỗi của bạn, và bạn đã thực hiện đúng việc dạy theo thỏa thuận bằng miệng trước đó thì việc bên thuê bạn dạy đàn đòi lại số tiền 3.000.000 đồng là không có căn cứ. Do vậy, hiện tại họ có nói với bạn là họ sẽ nhờ Chính quyền địa phương để đòi lại tiền, tuy nhiên nếu bạn đã thực hiện đúng hợp đồng thì bạn không cần quá lo lắng. Để giải quyết vấn đề tốt bạn cần gặp trực tiếp bên thuê bạn dạy đàn để nói rõ vấn đề. Bạn có thể dựa vào các quy định trên để giải quyết vấn đề của mình.