Quyền thừa kế quyền sử dụng đất khi chồng mất. Thủ tục phân chia thừa kế khi không có di chúc để lại.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Bố cháu mất năm 1999, ko để lại di chúc. Sau đó mẹ cháu làm Sổ đỏ đất nhà cháu đứng tên mẹ cháu. Nhưng cách đây hơn 10 năm, bác trưởng họ (anh trai ruột bố cháu) tự ý chia đất nhà cháu cho 1 anh trai (bố anh ý là anh trai bác trưởng nhưng đã mất sớm. Trước đó anh ở trên Phú Thọ). Và gia đình anh ấy vẫn ở trên đất nhà cháu từ đó đến nay. Nay anh ấy muốn nhập khẩu, làm sổ hộ khẩu và tạm trú trên đất nhà cháu thì có được ko ạ? Cháu và chị gái đã lấy chồng và tách khẩu về nhà chồng. Cho cháu hỏi là nếu ko có sự đồng ý và chữ ký của mẹ cháu thì anh ấy có cách nào làm được sổ đỏ, sổ hộ khẩu trên đất nhà cháu ko ạ? Mẹ cháu đứng tên sổ đỏ. Vậy cháu và chị gái cháu đã tách khẩu rồi thì có được hưởng thừa kế tài sản đất không ạ? (TH mẹ cháu có / hoặc ko để lại di chúc) Mong luật sư trả lời giúp cháu ạ. Cháu cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Luật cư trú sửa đổi bổ sung năm 2013.
2. Nội dung tư vấn:
Dựa trên những thông tin bạn cung cấp, để xác định việc anh họ của bạn muốn nhập khẩu trên đất nhà bạn và xác định về quyền thừa kế đối với quyền sử dụng đất của hai chị em bạn cần xem xét các phương diện sau:
Thứ nhất, về tính hợp pháp của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mẹ bạn và việc anh trai của bố bạn tự ý chia đất cho cháu trai của mình.
Theo thông tin, bố bạn mất năm 1999, không để lại di chúc. Trong trường hợp này, tài sản thuộc quyền sở hữu của bố bạn gồm những tài sản riêng của bố bạn và phần tài sản thuộc quyền sở hữu của bố bạn trong khối tài sản chung được xác định là di sản thừa kế của bố bạn để lại cho những người thừa kế hợp pháp của ông. Ông chết không để lại di chúc nên căn cứ theo quy định tại Điều 25 Pháp lệnh về thừa kế năm 1990 thì phần di sản của bố bạn (trong đó có quyền sử dụng đất hợp pháp của ông đối với mảnh đất này) sẽ được phân chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông gồm: vợ của bố bạn (mẹ bạn), cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi (nếu họ còn sống tại thời điểm bố bạn mất), con đẻ, con nuôi của bố bạn. Những người thuộc hàng thừa kế sau chỉ có quyền hưởng di sản khi mà những người thuộc hàng thừa kế trước không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản, khước từ quyền hưởng di sản.
Trong trường hợp tất cả những người thừa kế thuộc hàng kế thứ nhất đều thống nhất tài sản quyền sử dụng đất này thuộc về mẹ bạn, và mẹ bạn đã làm được Sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) mang tên mình. Trong trường hợp này, tài sản quyền sử dụng đất đối với mảnh đất này được xác định là tài sản riêng của mẹ bạn. Đồng thời theo quy định tại Điều 36
Do vậy, việc 10 năm trước (vào khoảng năm 2008), anh trai của bố bạn (người bác trưởng) tự ý chia đất đối với mảnh đất do mẹ bạn đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được xác định là hành vi trái pháp luật. Bởi người anh trai của bố bạn mặc dù được xác định là một trong những người thuộc hàng thừa kế thứ hai trong hàng thừa kế theo pháp luật của bố bạn, tuy nhiên, anh trai của bố bạn không có quyền hưởng di sản quyền sử dụng đất của bố bạn khi những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn như mẹ bạn và chị em bạn vẫn còn sống, không từ chối nhận di sản cũng không thuộc trường hợp bị truất quyền di sản, và đã thực hiện việc xác lập quyền sử dụng hợp pháp của mẹ bạn trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp. Đồng thời, việc tách thửa (chia tách mảnh đất) theo quy định của “Luật đất đai năm 2013”, phải được thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền. Do vậy, việc người bác trưởng tự ý chia tách mảnh đất đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên mẹ bạn cho người cháu trai của mình sinh sống được xác định là không hợp pháp khi không có sự đồng ý và không được thực hiện bởi mẹ bạn – người hiện đang đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thứ hai, người cháu trai của bác trưởng – người đang sinh sống trên mảnh đất đứng tên mẹ bạn có thể nhập khẩu, làm sổ hộ khẩu hay sổ tạm trú trên địa chỉ mảnh đất đứng tên mẹ bạn hay không.
Về việc đăng ký thường trú (nhập hộ khẩu) của người anh họ của bạn, trong thông tin bạn không nói rõ hiện tại mảnh đất do mẹ bạn đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện thuộc đơn vị hành chính tỉnh, hay thành phố trực thuộc trung ương. Do vậy, việc đăng ký thường trú của người anh họ của bạn trên mảnh đất này sẽ có hai trường hợp.
– Trường hợp 1: Trường hợp đăng ký thường trú tại tỉnh.
Căn cứ theo quy định tại Điều 19 Luật cư trú năm 2006 thì công dân có chỗ ở hợp pháp tại tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
Trong trường hợp của bạn, mặc dù việc người bác trưởng tự ý chia mảnh đất của gia đình bạn cho người anh họ này của bạn. Gia đình người anh họ này cũng đã ở trên mảnh đất gia đình bạn từ đó đến nay. Trong trường hợp này, người anh họ này chỉ có thể thực hiện việc đăng ký thường trú tại địa phương nơi có mảnh đất của gia đình bạn khi anh họ bạn có các giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp như Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất hoặc được người có chỗ ở hợp pháp cho thuê, cho mượn, ở nhờ thông qua các văn bản như hợp đồng thuê, thỏa thuận cho mượn, cho ở nhờ… Do vậy, trong trường hợp người anh họ này không có chỗ ở hợp pháp tại địa phương này, cũng không được người có quyền sở hữu chỗ ở hợp pháp – ở đây là mẹ bạn cho thuê, cho mượn, ở nhờ đồng ý bằng văn bản thì người anh họ này sẽ không thể đăng ký thường trú tại tỉnh này được.
– Trường hợp 2: Nơi người anh họ thực hiện việc đăng ký thường trú là thành phố trực thuộc trung ương.
Để có thể thực hiện việc đăng ký thường trú tại mảnh đất ở thành phố trực thuộc trung ương thì người anh họ này phải đáp ứng điều kiện được quy định tại Điều 20 Luật cư trú năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Luật cư trú sửa đổi, bổ sung năm 2013. Theo đó:
“Điều 20. Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương
Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:
1. Có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên;
2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột;
c) Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
đ) Người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột;
e) Ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột;
3. Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ
hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp;4. Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình;
5. Trường hợp quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều này đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố;
b) Có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về điều kiện diện tích bình quân;
c) Được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;
6. Việc đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật Thủ đô.”
Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Luật cư trú năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Luật cư trú sửa đổi, bổ sung năm 2013, trường hợp người anh họ của bạn muốn đăng ký thường trú tại địa phương – nơi có đất thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì người anh họ này phải thuộc một trong bốn trường hợp được xác định ở trên, và có chỗ ở hợp pháp hoặc được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp đồng ý bằng văn bản.
Do vậy, trong trường hợp người anh họ này không có chỗ ở hợp pháp tại địa phương này, cũng không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp đồng ý bằng văn bản và không thuộc một trong các trường hợp được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương thì cho dù người này đã sinh sống trên mảnh đất này 10 năm cũng không thể đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương – nơi có mảnh đất.
Từ những căn cứ được phân tích nêu trên, có thể thấy, dù đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương hay tại tỉnh thì ngoài những điều kiện khác theo quy định của pháp luật, người thực hiện thủ tục đăng ký thường trú còn phải cần có chỗ ở hợp pháp tại đây, hoặc phải được người có quyền sở hữu hợp pháp đối với chỗ ở này đồng ý bằng văn bản về việc cho thuê, cho mượn, ở nhờ chỗ ở hợp pháp này. Trong trường hợp không có chỗ ở hợp pháp, cũng không được người có chỗ ở hợp pháp cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ bằng văn bản thì không thể thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, và cấp sổ hộ khẩu cho người này được.
Về việc đăng ký tạm trú, và cấp sổ tạm trú: Căn cứ theo quy định tại Điều 30 Luật cư trú năm 2006 thì người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm nào thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời gian ba mươi ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã phường, thị trấn. Trong đó, trong hồ sơ người đến đăng ký tạm trú thì ngoài việc xuất trình chứng minh nhân dân, phiếu báo thay đổi nhân khẩu, hộ khẩu, bản khai nhân khẩu, thì cần phải có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp nhà ở đó. Trường hợp cho thuê, cho mượn hoặc ở nhờ của cá nhân khác thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
Do vậy, cũng như việc đăng ký thường trú, thì người anh họ của bạn chỉ có thể đăng ký tạm trú tại địa phương này khi có các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của họ đối với nhà ở – chỗ ở hợp pháp của họ tại địa phương này. Trường hợp người anh họ này được cho thuê, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
Trường hợp, người anh họ không có chỗ ở hợp pháp, cũng không được người có chỗ ở hợp pháp đồng ý bằng văn bản về việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, thì sẽ không thể thực hiện việc đăng ký tạm trú được. Tuy nhiên, khi một người cư trú tại nơi có đất do mẹ bạn đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không được đăng ký tạm trú, hay thường trú, cũng không được khai báo lưu trú, thì mẹ bạn – người đang có giấy tờ hợp pháp đối với nơi người anh họ đang ở, đã biết nhưng không phản đối, cũng không có sự khai báo lưu trú thì mẹ bạn có thể bị xử phạt hành chính về việc không khai báo lưu trú, tạm trú.
Vì vậy, tùy vào từng trường hợp, để đảm bảo lợi ích hợp pháp của gia đình bạn và người anh họ này, gia đình bạn vẫn có thể đồng ý để cho người này sử dụng chỗ ở hợp pháp tại nơi có đất để đăng ký tạm trú hoặc thường trú, trong trường hợp người này không có chỗ ở hợp pháp trên mảnh đất này. Việc đăng ký tạm trú hay đăng ký thường trú (nhập hộ khẩu) trên mảnh đất này chỉ mang ý nghĩa xác định nơi cư trú, chứ không làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất hợp pháp của mẹ bạn.
Thứ ba, người anh họ của bạn có thể được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh đất do mẹ bạn đứng tên khi không có sự đồng ý của mẹ bạn hay không.
Như đã phân tích ở trên, hiện nay mảnh đất của gia đình bạn đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do mẹ bạn đứng tên. Việc người bác trưởng tự ý chia tách đất và giao mảnh đất này cho người cháu họ được xác định là trái quy định của pháp luật. Do vậy, trường hợp người anh họ của bạn muốn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với một phần đất thuộc mảnh đất này – nơi họ đang ở thì cần phải có sự đồng ý của mẹ bạn trong vấn đề tách thửa đất và phải lập hợp đồng tặng cho hoặc hợp đồng chuyển nhượng cho người cháu này và phải thực hiện việc chuyển quyền sang tên tại cơ quan có thẩm quyền.
Về thủ tục tách thửa phần đất mà mẹ bạn định chuyển quyền sử dụng đất cho người cháu này thì mẹ bạn – người đang có quyền sử dụng đất hợp pháp phải tự mình thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền về đăng ký đất đai. Tuy nhiên, việc tách thửa đất căn cứ theo quy định tại Luật đất đai năm 2013 chỉ được thực hiện khi phần đất dự định tách ra và phần diện tích đất còn lại phải đáp ứng diện tích tối thiểu cũng như điều kiện khác để được tách thửa theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của địa phương nơi có đất tại thời điểm làm thủ tục tách thửa.
Sau khi tách thửa đất, thì mẹ bạn phải làm hợp đồng tặng cho/hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có công chứng chứng thực, trong đó thể hiện việc chuyển quyền sử dụng đất hợp pháp cho người cháu này. Với hợp đồng này, và Giấy tờ về quyền sử dụng đất người cháu này có thể làm thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng đất để xác lập quyền sử dụng đất của mình – đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất được chuyển nhượng/tặng cho.
Do vậy, trong trường hợp mẹ bạn không đồng ý, không ký kết vào bất cứ văn bản nào mang tính chất chuyển quyền sử dụng đất hợp pháp cho người cháu này thì người cháu này không thể làm được Sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) mang tên người cháu này cho dù họ đã sinh sống ở đây gần 10 năm.
Thứ tư, bạn và chị gái đã làm thủ tục tách khẩu về nhà chồng có được hưởng thừa kế quyền sử dụng đất đối với mảnh đất hiện đang do mẹ bạn đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi mẹ bạn chết đi.
Mảnh đất này đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên mẹ bạn, nên mẹ bạn được xác định là người có quyền sử dụng đất hợp pháp đối với mảnh đất này. Theo quy định tại Điều 167 Luật đất đai năm 2013 thì mẹ bạn là người sử dụng đất hợp pháp, được toàn quyền quyết định trong việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn về quyền sử dụng đất đối với mảnh đất này.
Khi mẹ bạn chết đi, quyền sử dụng đất đối với mảnh đất đứng tên mẹ bạn được xác định là di sản thừa kế của mẹ bạn để lại cho những người thừa kế hợp pháp của mình theo quy định tại Điều 612
Do vậy, tùy vào việc mẹ của bạn thực hiện việc định đoạt di sản trước khi chết bằng di chúc hay không để lại di chúc mà việc xác định quyền thừa kế của hai chị em bạn được xác định như sau:
– Trường hợp 1: mẹ bạn chết và có để lại di chúc.
Trong trường hợp này, di chúc hợp pháp mà mẹ bạn để lại sau khi chết được xác định là căn cứ để xác định quyền hưởng di sản thừa kế của những người thừa kế kể từ thời điểm mở thừa kế và công bố nội dung di chúc. Trong trường hợp này, không phân biệt việc bạn và chị của bạn có còn chung hộ khẩu với mẹ bạn hay không, thì chị em bạn vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế là quyền sử dụng đất của mẹ bạn đối với mảnh đất này nếu trong nội dung di chúc, mẹ bạn để lại tài sản này cho chị em bạn.
Trong trường hợp trong di chúc hợp pháp của mẹ bạn không quy định về quyền thừa kế của chị em bạn thì trong trường hợp này, nếu hai chị em bạn không từ chối nhận di sản, không thuộc trường hợp không có quyền hưởng di sản thì hai bạn vẫn có quyền được hưởng thừa kế quyền sử dụng đất đối với mảnh đất này nếu thuộc vào trường hợp được quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể:
“Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”
Từ những căn cứ được trích dẫn ở trên, nếu trong bản di chúc hợp pháp mà mẹ bạn để lại không cho bạn và chị của bạn được hưởng thừa kế đối với quyền sử dụng đất của mảnh đất do mẹ bạn đứng tên, và chị em bạn cũng không thuộc trường hợp người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự năm 2015 thì chị em bạn sẽ không được quyền thừa kế đối với quyền sử dụng đất của mảnh đất do mẹ bạn đứng tên trên Giấy chứng nhận.
– Trường hợp 2: Trường hợp mẹ của bạn chết đi không để lại di chúc hoặc để lại di chúc nhưng di chúc không hợp pháp.
Trong trường hợp này, căn cứ theo quy định tại Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015 thì di sản mà mẹ bạn để lại bao gồm cả quyền sử dụng đất đối với mảnh đất mà mẹ bạn hiện đang đứng tên sẽ được phân chia thừa kế theo pháp luật.
Khi chia thừa kế theo pháp luật thì di sản là quyền sử dụng đất đối với mảnh đất do mẹ bạn đứng tên sẽ được chia thành các phần bằng nhau cho những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của mẹ bạn, bao gồm: chồng (bố bạn), cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của mẹ bạn.
Trong đó, theo quy định tại Điều 613 Bộ luật dân sự năm 2015, người thừa kế phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết, nên trong trường hợp mẹ bạn chết đi không để lại di chúc, và bố bạn thì chết trước khi mẹ bạn mất thì người thừa kế theo di chúc của mẹ bạn được xác định gồm cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của mẹ bạn (nếu còn sống tại thời điểm mẹ bạn mất) và các con của mẹ bạn (trong đó có bạn).
Do vậy, trong trường hợp phân chia thừa kế theo pháp luật thì chị em bạn – con ruột của mẹ bạn vẫn được xác định là người được hưởng quyền thừa kế quyền sử dụng đất đối với mảnh đất do mẹ bạn đứng tên, không phụ thuộc vào việc hai chị em đã tách hộ khẩu hay chưa.