Quyền nhân thân liên quan đến sự tự do của cá nhân theo quy định của Bộ luật dân sự gồm những quyền như sau.
Quyền nhân thân liên quan đến sự tự do của cá nhân theo quy định của Bộ luật dân sự
- Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở (Điều 46).
Đây là quyền hiến định, được quy định trong Điều 73 Hiến pháp 1992 “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.”
“Việc vào chỗ ở của một người phải được người đó đồng ý. Chỉ trong trường hợp pháp luật quy định hoặc có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới được tiến hành khám xét cỗ ở của một người, việc khám xét phải tuân theo trình tự, thủ tục do pháp luật qui định.” Điều 46 BLDS.
Trường hợp pháp luật có quy định cho khám xét chỗ ở là: tiến hành khám chỗ ở khi có căn cứ để nhận định trong chỗ ở có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài sản có liên quan đến vụ án; khi cần phát hiện người đang bị truy nã.
- Quyền tín ngưỡng tôn giáo (Điều 47).
“ 1. Cá nhân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
2.Không ai được xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.”
Tín ngưỡng là hệ thống các niềm tin mà con người tin vào để giải thích thế giới và để mang lại sự bình an cho cá nhân, cộng đồng. Tín ngưỡng nếu phát triển đến một mức độ nào đó thì có thể thành tôn giáo. Tín ngưỡng hay không tín ngưỡng là sự lựa chọn tự do của con người, bởi vì tôn giáo là niểm tin và tồn tại như một nhu cầu tinh thần của quần chúng.
Hiến pháp 1992 qui định
“Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.”
Như vậy, ngoài việc tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, Nhà nước còn qui định: các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước tạo lập môi trường pháp lí bình đẳng, thuận lợi cho các tôn giáo cùng tồn tại đồng thời bảo hộ cơ sở vật chất, tài sản của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo như chùa, nhà thờ, thánh đường, trụ sở, trường lớp tôn giáo… Những hành vi lợi dụng, xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đều phải phục vụ mục đích chính trị, làm trái pháp luật chính sách của nhà nước đều bị nghiêm trị.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
- Quyền tự do đi lại, tự do cư trú (Điều 48).
“1. Cá nhân có quyền tự do đi lại, tự do cư trú.
2. Quyền tự do đi lại, tự do cư trú của cá nhân chỉ có thể bị hạn chế theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo trình tự và thủ tục do pháp luật qui định.”
Đi lại, sinh sống trên nhiều mảnh đất khác nhau là nhu cầu của con người, liên quan đến sự phát triển của đất nước. Quyền tự do đi lại là tiền đề cho quyền tự do cư trú. Khi được tự do đi lại thì con người mới mở mang được kiến thức, trí tuệ, kinh nghiệm cho cuộc sống, sản xuất, giao lưu hàng hóa. Vì vậy, đây là quyền cơ bản của con người, không ai có quyền ngăn cản. Tuy nhiên, để đảm bảo cho việc quản lý Nhà nước, xã hội tồn tại, phát triển ổn định thì pháp luật qui định việc đi ra nước ngoài phải tuân thủ những điều kiện nhất định; cư trú ở một nơi phải đăng kí tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trong nhiều trường hợp, do vi phạm pháp luật hay bị bệnh cần cách li thì để đảm bảo an toàn cá nhân có thể bị hạn chế quyền tự do đi lại, cư trú.