Quyền khai sinh của trẻ em là gì? Pháp luật điều chỉnh về vấn đề này như thế nào? Trách nhiệm của gia đình trong việc thực hiện quyền khai sinh cho trẻ em?
Mục lục bài viết
1. Quyền khai sinh và quyền có quốc tịch của trẻ em khi sinh ra:
Quyền trẻ em được hiểu là là những quyền con người được áp dụng dành riêng cho trẻ em, ở mỗi độ tuổi khác nhau thì trẻ em được hưởng quyền và gánh vác những nghĩa vụ khác nhau. Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn. Trong những quyền của trẻ em, quyền được khai sinh và có quốc tịch là quyền mà mỗi đứa trẻ khi sinh ra là cần phải có.
Quyền được khai sinh và có quốc tịch là một trong những quyền đầu tiên của trẻ em được ghi nhận tại khoản 1 Điều 11 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 của nhà nước ta:“Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch”, cũng như được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế, chẳng hạn tại khoản 1 Điều 7 Công ước của Liên hợp quốc về quyền của trẻ em có quy định như sau: “Trẻ em phải được đăng ký ngay lập tức sau khi được sinh ra và có quyền có họ tên, có quốc tịch ngay từ khi chào đời, và trong chừng mực có thể, quyền được biết cha mẹ mình và được cha mẹ mình chăm sóc”; và theo Nguyên tắc 3 trong Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1959 ghi nhận: “Trẻ em sinh ra có quyền được khai sinh”.
Hiện nay, đối với vấn đề pháp lý trên được điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:
– Việc ghi nhận quyền được khai sinh và có quốc tịch được quy định chung tại Điều 13 Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể như sau: “Trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật.”
– Ngoài Luật trẻ em năm 2016,
+ Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh.
+ Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu.
+ Việc khai sinh do pháp luật về hộ tịch quy định.
Quyền đối với quốc tịch được quy định tại Điều 31 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
+ Cá nhân có quyền có quốc tịch.
+ Việc xác định, thay đổi, nhập, thôi, trở lại quốc tịch Việt Nam do Luật quốc tịch Việt Nam quy định.
+ Quyền của người không quốc tịch cư trú, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam được bảo đảm theo luật.
Có thể thấy quyền được khai sinh là một trong những quyền nhân thân quan trọng của trẻ em không chỉ được luật quốc tế quy định và bảo vệ mà pháp luật nước ta cũng thể chế hóa quyền khai sinh này. Quyền khai sinh của cá nhân được quy định trong Bộ luật dân sự là việc khẳng định sự bảo vệ của Nhà nước đối với giá trị của quyền khai sinh. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó. Ngoài ra việc ghi nhận quyền đối quốc tịch đối với trẻ em nói riêng và cá nhân nói chung tạo nên cơ sở pháp lý để cá nhân được bảo vệ tốt nhất, nhà nước phải có quyền và nghĩa vụ nhất định đối với công dân của mình và ngược lại, công dân cũng phải có quyền và nghĩa vụ đối với nhà nước mà mình mang quốc tịch.
2. Về trình tự, đăng ký khai sinh như sau:
– Việc đăng ký khai sinh và quốc tịch đối với trẻ em được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh, trừ một số trường hợp đặc biệt.
– Trách nhiệm đăng ký khai sinh theo quy định tại Điều 15
+ Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
+ Công chức tư pháp – hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động.
– Về thủ tục đăng ký khai sinh được quy định tại Điều 16 Luật hộ tịch 2014:
“Điều 16. Thủ tục đăng ký khai sinh
1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
Luật sư
Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
3. Chính phủ quy định chi tiết việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ, trẻ em sinh ra do mang thai hộ; việc xác định quê quán của trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ.”
3. Trách nhiệm của gia đình trong việc thực hiện quyền khai sinh cho trẻ em:
Theo Khoản 1 Điều 23 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và Khoản 1 Điều 14 Nghị định 71/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em: “Cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em đúng thời hạn”
Theo đó, có thể hiểu rằng, việc đăng ký khai sinh cho trẻ thuộc về cha mẹ hoặc người giám hộ, chỉ là phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch.
Điều 14 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch: “Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em”
Như vậy, có thể thấy rằng, theo quy định này thì việc khai sinh cho trẻ em trước hết là thuộc về cha, mẹ. Trường hợp cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì trách nhiệm này sẽ thuộc về ông bà hoặc những người thân thích khác.
Nếu trong vòng 60 ngày mà cha, mẹ, người giám hộ không đi khai sinh cho trẻ thì phải thực hiện việc đi khai sinh quá hạn.
Đối với trường hợp trẻ em sinh ra sống được 24 giờ trở lên rồi chết thì cha, mẹ, người giám hộ vẫn phải đăng ký khai sinh cho trẻ theo đúng quy định của pháp luật; Nếu trẻ chết trước khi được sinh ra (chết lưu) hoặc được sinh ra nhưng sống không được 24 giờ thì không phải đăng ký khai sinh.
Đối với trường hợp con ngoài giá thú, thì vẫn phải thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ như bình thường. Trong trường hợp này, do cha mẹ không đăng ký kết hôn nên khi đi đăng ký khai sinh, không cần xuất trình giấy đăng ký kết hôn. Các giấy tờ khác vẫn theo quy định của pháp luật sẽ được nói đến dưới đây.
Gia đình khi đi đăng ký khai sinh cần chuẩn bị những giấy tờ cần thiết để nộp hoặc xuất trình cho việc đăng ký khai sinh được nhanh, gọn. Cụ thể: Người đi đăng ký khai sinh sẽ phải nộp: Giấy chứng sinh theo mẫu. Trong trường hợp trẻ em được sinh ra ngoài cơ sở y tế thì giấy chứng sinh được thay thế bằng văn bản xác nhận của người làm chứng, trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực; Tờ khai (theo mẫu tại UBND xã). Ngoài ra, cũng cần phải xuất trình: Giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ trẻ em có đăng ký kết hôn). Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn; Sổ hộ khẩu gia đình hoặc Giấy đăng ký tạm trú của người mẹ; Chứng minh thư nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế của người đi đăng ký khai sinh.
Như vậy, đối với việc thực hiện quyền khai sinh cho trẻ em thì trước hết trách nhiệm thuộc về gia đình, cụ thể là cha, mẹ, ông, bà hoặc những người thân thích khác có trách nhiệm đi khai sinh cho trẻ em. Liên quan đến việc đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 27 Nghị định 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
“Điều 27. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh
1. Cảnh cáo đối với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký đúng thời hạn quy định.
2. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Làm chứng sai sự thật về việc sinh;
b) Cố ý khai không đúng sự thật về nội dung khai sinh;….”
Như vậy, có thể thấy, trách nhiệm của gia đình hết sức quan trọng. Bởi gia đình có đi đăng ký khai sinh thì trẻ em mới có giấy khai sinh, từ đó trẻ em được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện quyền khai sinh cho trẻ em được pháp luật bảo vệ. Những hành vi vi phạm quyền khai sinh cho trẻ em sẽ phải chịu xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.