Quyền đưa ra yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Thời điểm đưa ra yêu cầu độc lập người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Mục lục bài viết
1. Xác định yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Khi một cá nhân hay cơ quan, tổ chức cho rằng có quyền và lợi ích bị xâm phạm có quyền khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Có thể nói, quyền khởi kiện, quyền yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự là quyền tố tụng rất quan trọng, là cơ sở pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Việc pháp luật quy định các quyền tố tụng của đương sự sẽ bảo đảm cho đương sự có phương tiện để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước các hành vi xâm phạm của các chủ thể khác bằng việc tham gia tố tụng tại Tòa án. Với các quyền năng được pháp luật trao, các chủ thể có thể sử dụng như một công cụ hữu hiệu để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi của mình, chống lại các hành vi vi phạm của chủ thể khác.
Cùng với việc quy định nguyên đơn có quyền quyết định nội dung, phạm vi yêu cầu khởi kiện và bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố, pháp luật tố tụng dân sự còn quy định người có QLNVLQ cũng có quyền đưa ra yêu cầu độc lập đối với nguyên đơn hoặc bị đơn. Người có QLNVLQ trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có QLNVLQ. Trong trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có QLNVLQ thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có QLNVLQ.
Khi tham gia vào vụ án dân sự, bên cạnh việc đứng về nguyên đơn hoặc bị đơn, người có QLNVLQ còn có quyền: “có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn” theo điểm b khoản 1 Điều 73 BLTTDS năm 2015. Tuy nhiên, quyền đưa ra yêu cầu độc lập này được thực hiện với các điều kiện do luật định. Người có QLNVLQ có yêu cầu độc lập và khi yêu cầu được Tòa án chấp nhận xem xét trong vụ án thì có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn; trường hợp yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì người có QLNVLQ có quyền khởi kiện bằng một vụ án khác. Người có QLNVLQ nếu tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc chỉ có quyền lợi thì có quyền lợi, nghĩa vụ của nguyên đơn; người có QLNVLQ nếu tham gia tố tụng với bên bị đơn hoặc chỉ có nghĩa vụ thì có quyền, nghĩa vụ của bị đơn. Khi người có QLNVLQ đưa ra yêu cầu độc lập thì Tòa án cũng phải xem xét giải quyết cùng với các yêu cầu của các đương sự khác.
Xét ở góc độ thuật ngữ, theo Từ điển Tiếng Việt “quyền là thế, là sức mạnh, lợi lộc hưởng do pháp luật công nhận hoặc do địa vị đem lại”. Ở khía cạnh lý luận chung nhà nước và pháp luật, quyền là một khái niệm pháp lý dùng để chỉ những điều mà pháp luật công nhận và bảo đảm thực hiện đối với cá nhân, tổ chức. Theo đó, cá nhân được hưởng, được làm, được đòi hỏi mà không ai được ngăn cản, hạn chế. Nói cách khác, quyền được hiểu là quyền năng mà pháp luật thực định quy định cho mỗi chủ thể pháp luật, cho phép các chủ thể đó làm một việc gì đó, yêu cầu hoặc ngăn cản người khác làm một việc gì đó vì lợi ích của chính mình hoặc vì lợi ích người khác. Có thể thấy, quyền là yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại của cá nhân, quyền là phạm trù trung tâm trong thực tiễn xây dựng, áp dụng pháp luật và trong đời sống xã hội.
Các dấu hiệu đặc trưng của quyền là được ghi nhận về pháp lý và được bảo đảm thực hiện bởi các quy định của pháp luật, đồng thời phải có sự thừa nhận về xã hội, gắn liền với chủ thể cá nhân, được thể hiện cụ thể trong thực tế đời sống thông qua các quan hệ xã hội cụ thể của cá nhân trong một cộng đồng nhất định. Yêu cầu là những đòi hỏi mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải thực hiện để được Tòa án chấp nhận xem xét, theo đó, họ phải thực hiện đúng và đầy đủ các thủ tục khởi kiện của nguyên đơn, thủ tục phản tố của bị đơn nhằm bảo đảm sự bình đẳng quyền và nghĩa vụ giữa các đương sự trong tố tụng dân sự.
Quyền yêu cầu độc lập của người có quyền, nghĩa vụ liên quan bản chất là quyền khởi kiện của đương sự. Thủ tục xem xét như quyền khởi kiện của nguyên đơn, quyền phản tố của bị đơn. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi có yêu cầu độc lập phải có hồ sơ khởi kiện, và nội dung khởi kiện liên quan đến quyền và lợi ích của mình đang bị xâm phạm trong VADS. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong VADS là có căn cứ và hợp pháp.
Tòa án phải có trách nhiệm xem xét, thụ lý, giải quyết đơn yêu cầu, đơn khởi kiện của người có QLNVLQ khi họ có yêu cầu, trường hợp Tòa án không chấp nhận yêu cầu độc lập của người có QLNVLQ trong cùng một VADS thì Tòa án phải xem xét cho yêu cầu độc lập đó có thể được khởi kiện thành một vụ án độc lập, đảm bảo kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện.
Ngoài ra, người có QLNVLQ có nghĩa vụ đóng tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí theo luật định trừ trường hợp được miễn án phí theo quy định tại Khoản 2 Điều 70, Điều 146, Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự và nộp lại biên lai cho Tòa án ra
(i) Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ;
(ii) Yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết;
(iii) Yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.
Để giải quyết vụ án được nhanh chóng và đạt kết quả tốt trong nhiều trường hợp ngoài việc giải quyết quan hệ pháp luật chính xác, Tòa án phải xem xét và giải quyết các quan hệ pháp luật phái sinh mà việc giải quyết quan hệ pháp luật chính liên quan và chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi quan hệ pháp luật phái sinh. Quan hệ pháp luật chính của vụ án được xác định dựa trên yêu cầu của nguyên đơn và bản chất pháp lý của yêu cầu của nguyên đơn. Quan hệ pháp luật phái sinh được xem xét dựa trên yêu cầu của bị đơn hoặc của người có QLNVLQ. Phân biệt yêu cầu độc lập và yêu cầu không độc lập chính từ việc xác định yêu cầu của người có QLNVLQ (quan hệ pháp luật phái sinh) không cùng nằm trong quan hệ pháp luật với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn, có thể xem xét các trường hợp sau:
– Trường hợp thứ nhất: Yêu cầu độc lập để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn hoặc bị đơn. Đây là trường hợp người có QLNVLQ có nghĩa vụ đối với nguyên đơn hoặc với bị đơn mà nguyên đơn hoặc bị đơn cũng có nghĩa vụ đối với người có QLNVLQ. Do đó, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu Tòa án giải quyết để bù trừ nghĩa vụ mà họ phải thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn hoặc bị đơn.
– Trường hợp thứ hai: Yêu cầu độc lập của người có QLNVLQ dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn hoặc bị đơn là trường hợp người có QLNVLQ có yêu cầu độc lập đối với nguyên đơn hoặc bị đơn và nếu yêu cầu đó được chấp nhận, thì loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn hoặc bị đơn vì không có căn cứ.
– Trường hợp thứ ba: Giữa yêu cầu độc lập và yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu của phản tố của bị đơn có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn. Ngoài ra, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan còn có một số quyền như:
– Quyền sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải & trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm; thẩm quyền xem xét việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu độc lập của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án:
Khi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã đưa ra yêu cầu độc lập thì họ hoàn toàn có quyền quyết định các hành vi tố tụng tiếp theo của mình như có quyền thay đổi, bổ sung hoặc chấm dứt yêu cầu của mình. Để đảm bảo quyền tự định đoạt trong việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu của người có QLNVLQ, vấn đề này đã được quy định tương đối đầy đủ, khoa học tại các điều 70, 73, 217, 245 và 249 BLTTDS năm 2015.
Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, không để nghị xét xử vắng mặt và trong vụ án đó có bị đơn yêu cầu phản tố, người có QLNVLQ có yêu cầu độc lập thì giải quyết như sau:
a) Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; b) Bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn; c) Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cần độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người nào bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập trở thành bị đơn.
Điều 219. Thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự:
Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án dân sự có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Có thể nói, bên cạnh quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu, đương sự còn có quyền rút yêu cầu. Thực chất của việc rút yêu cầu, đối với nguyên đơn là rút đơn khởi kiện, đối với bị đơn là rút yêu cầu phản tố, đối với người có QLNVLQ là rút yêu cầu độc lập. Việc rút yêu cầu là hành vi định đoạt của đương sự được biểu hiện ở hai khía cạnh đó là sự từ bỏ yêu cầu (dựa trên luật nội dung) và sự từ bỏ phương tiện bảo vệ yêu cầu bằng con đường tố tụng (thông qua Tòa án). Tuy nhiên, trong một số trường hợp việc rút yêu cầu chỉ là việc đương sự nói chung, người có QLNVLQ nói riêng từ bỏ phương tiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng con đường TTDS. Qua đó, người có QLNVLQ tự nguyện thực hiện nghĩa vụ đối với đương sự khác không muốn tiếp tục tranh chấp với đương sự khác.
– Quyền thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại phiên tòa dân sự sơ thẩm & thẩm quyền xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu của HĐXX sơ thẩm
Theo khoản 4 Điều 70 BLTTDS năm 2015, thì đương sự có quyền giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này. “Theo khoản 1 Điều 73 và Khoản 2 Điều 71 BLTTDS năm 2015 thì nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền: “Thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện; rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện”.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng giai đoạn tố tụng mà việc thay đổi, bổ sung yêu cầu có thể được Tòa án chấp nhận hoặc không chấp nhận. Theo khoản 1 Điều 244, thì “Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu. Quy định này là nhằm đảm bảo cho đương sự phía bên kia có điều kiện biết trước yêu cầu của đương sự đối lập để chuẩn bị các chứng cứ, tài liệu bảo vệ mình và thực hiện việc tranh tụng một cách tốt nhất nhưng lại giới hạn quyền tự định đoạt của người yêu cầu.
Khoản 3 Điều 243 BLTTDS năm 2015. Hỏi người có QLNVLQ có yêu cầu độc lập có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu độc lập hay không. Điều 244. Xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu:
Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập | ban đầu; 2. Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút.
Cho nên, BLTTDS năm 2015 nêu rõ việc thay đổi địa vị tố tụng giữa các đương sự:
Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố của mình thì bị đơn trở thành nguyên đơn và nguyên đơn trở thành bị đơn. 2. Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập trở thành bị đơn.
Tại Điều 217 và Điều 219 BLTTDS năm 2015, trước khi mở phiên tòa sơ thẩm nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện và bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập rút toàn bộ yêu cầu thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Theo quy định tại Điều 244 và Điều 219 BLTTDS năm 2015, tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn rút yêu cầu của họ và việc rút yêu cầu là tự nguyện thì Hội đồng xét xử (HĐXX) chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu. Như vậy, việc rút yêu cầu ở giai đoạn sơ thẩm không bị BLTTDS năm 2015 giới hạn.
Theo quy định tại Điều 299 BLTTDS, trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì HĐXX phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không và tuỳ từng trường hợp mà giải quyết như sau: Bị đơn không đồng ý thì HĐXX không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn đồng ý thì HĐXX chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn, ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Như vậy, việc rút yêu cầu ở giai đoạn phúc thẩm bị BLTTDS năm 2015 giới hạn. Về hình thức là để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn nhưng lại là hạn chế vì vô tình đã khuyến khích bị đơn theo kiện, không đảm bảo đầy đủ quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong TTDS.
2. Quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập:
Quy định về yêu cầu độc lập của người có QLNVLQ theo pháp luật hiện hành đánh dấu sự kế thừa và phát triển so với các quy định của pháp luật tố tụng dân sự trước đây, nhằm bảo đảm quyền tố tụng của đương sự nói chung và quyền của người có QLNVLQ nói riêng. Nội dung pháp luật điều chỉnh về một số quyền cơ bản của người có QLNVL( có yêu cầu độc lập như sau:
– Quyền bình đẳng khi tham gia tố tụng
BLTTDS sửa đổi quy định: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, trước Tòa án…Các đương sự đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự, Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình [31, Điều 8]. Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng để bảo vệ các người có QLNVLQ khi tham gia quan hệ pháp luật tố tụng dân sự, đồng thời quyền này còn được cụ thể hóa tại khoản 1 Điều 73 BLTTDS “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có các quyền, nghĩa vụ của đương sự; Có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn”. Pháp luật tôn trọng sự bình đẳng của đương sự, trong đó có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thực sự được bình đẳng với nhau về việc thực hiện quyền tố tụng hay không lại phụ thuộc vào sự vô tư, khách quan của những người tiến hành tố tụng. Để quyền tố tụng này của đương sự được thực hiện pháp luật hiện hành đã có quy định về bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng (Điều 16), nguyên tắc độc lập xét xử (Điều 12) và các quy định cụ thể về từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng.
– Quyền được nhận thông báo hợp lệ để thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình
Việc được nhận văn bản tố tụng hợp lệ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Việc Tòa án cấp, tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng giúp cho người có QLNVLQ nắm bắt được nội dung cơ bản của vụ án, những chứng cứ đang được xem xét để chủ động tham gia vào quá trình thu thập, xác minh chứng cứ. Việc thông báo các văn bản tố tụng còn mang lại cho người có QLNCLQ thông tin về diễn biến của quá trình tố tụng để tiến hành việc giao nộp, bổ sung chứng cứ cho phù hợp để bảo vệ yêu cầu độc lập của mình.
Quyền tố tụng này được BLTTDS sửa đổi bảo đảm thực hiện thông qua các quy định từ Điều 170 đến Điều 181, tạo thành một chương riêng về trình tự, thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho đương sự. Qua đó, xác định được trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng dân sự đối với việc thực hiện quyền được nhận thông báo hợp lệ của đương sự.
Người tiến hành tố tụng có trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền này cho người có QLNVLQ, một mặt, việc thực hiện quyền này cho đương sự không chỉ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người có QLNVLQ mà nó còn có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án có căn cứ. Mặt khác, pháp luật còn quy định thời hạn phải cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho đương sự, nếu những người tiến hành tố tụng không bảo đảm quyền tố tụng này thì người có QLNVLQ có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền. Có thể thấy quyền được nhận thông báo hợp lệ của đương sự đã được ghi nhận tương đối đầy đủ, chi tiết và có cơ chế bảo đảm thực hiện trong BLTTDS sửa đổi.
– Quyền tham gia phiên toà
Tham gia phiên toà là hoạt động tố tụng cơ bản, quan trọng của đương sự nói chung, người có QLNVLQ nói riêng, bởi tại phiên tòa các người có QLNVLQ được quyền trực tiếp đưa ra những chứng cứ, lý lẽ để chứng minh cho yêu cầu của mình hoặc phản bác yêu cầu của các đương sự, đây cũng là cơ hội để các đương sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách hiệu quả nhất.
Khi mở phiên tòa, phiên họp, Tòa án triệu tập người có QLNVLQ có nghĩa vụ tham gia phiên tòa, phiên họp theo giấy triệu tập. Tuy nhiên, Tòa án vẫn có thể xử vắng mặt người có QLNVLQ trong trường hợp họ có đơn xin xử vắng mặt. Ngoài ra, pháp luật còn có chế định hoãn phiên tòa do đương sự vắng mặt lần thứ nhất mặc dù không có lý do chính đáng để bảo đảm quyền tham gia phiên tòa của đương sự và người có QLNVLQ. Đối với phiên tòa triệu tập lần thứ hai, Tòa án chỉ hoãn phiên tòa trong trường hợp, đương sự vì sự kiện bất khả kháng mà không thể đến tham gia phiên tòa được. Theo hướng dẫn tại tiểu mục 1.2 mục 1 phần III
Như vậy, để đảm bảo quyền được tham gia phiên toà của người có QLNVLQ, Tòa án có trách nhiệm tiến hành các thủ tục thông báo, triệu tập hợp lệ các văn bản tố tụng cho người có QLNVLQ để họ thực hiện các quyền tố tụng của mình. Tuy nhiên, không có văn bản nào hướng dẫn, giải thích như thế nào là triệu tập hợp lệ nên trong nhiều trường hợp đã làm ảnh hưởng đến quyền tố tụng của người có QLNVLQ.
– Quyền tranh luận tại phiên tòa
Tranh luận là hoạt động trung tâm của phiên tòa, bảo đảm cho đường sự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án [31]. Việc mở rộng tranh tụng, tăng cường khả năng tranh luận dân chủ giữa người có QLNVLQ và các đương sự khác là một trong những nội dung cơ bản trong công cuộc đổi mới hoạt động tư pháp. Do vậy, BLTTDS sửa đổi, bổ sung một nguyên tắc đặc biệt quan trọng đó là “Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án bảo đảm để các bên đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Nguyên tắc này được cụ thể hóa thành quyền tố tụng của đương sự quy định tại khoản 20 Điều 70, đồng thời được bảo đảm thực hiện tại Điều 247 đến Điều 263, Mục 3, chương XIV của Bộ luật này. Pháp luật tố tụng dân sự quy định thủ tục tranh luận tại phiên tòa là nhằm tạo điều kiện tối đa về thời cơ để các bên tự chứng minh cho các yêu cầu của họ bằng các chứng cứ, lý lẽ mà họ phân tích, đánh giá công khai tại phiên tòa, đồng thời, thông qua tranh luận của người có QLNVLQ, xem xét yêu cầu độc lập của họ, sẽ giúp cho Hội đồng xét xử củng cố hồ sơ, tìm ra được sự thật khách quan, từ đó ra được bản án, quyết định đúng pháp luật.
Quy định của pháp luật tố tụng hiện hành về phần tranh luận về cơ bản đã tạo ra được hành lang pháp lý bảo vệ quyền tranh luận của người có QLNVLQ có yêu cầu độc lập, như đã có quy định rõ ràng về trình tự phát biểu khi tranh luận (Điều 260) và đặc biệt là quy định Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến (Điều 247). Tuy nhiên, trên thực tế, thủ tục tranh luận ở nhiều phiên tòa không được tiến hành hoặc tiến hành qua loa, đại khái. Do vậy, dù pháp luật có ghi nhận cho đương sự hay người có QLNVLQ có bao nhiêu quy định về bảo vệ quyền tranh luận đi chăng nữa, nếu không có sự tôn trọng, sự trách nhiệm của người tiến hành tố tụng thì quyền tranh luận của đương sự sẽ khó được bảo vệ và không đảm bảo tính khách quan của vụ án.
Pháp luật cần phải có những quy định đặt ra sự ràng buộc trách nhiệm đối với những người tiến hành tố tụng trong những trường hợp cố tình không đảm bảo quyền tranh luận cho người có QLNVLQ, đồng thời tăng cường sự kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, trên cơ sở đó mới nâng cao được hiệu quả của công tác xét xử.
Có thể nói, việc pháp luật quy định về quyền yêu cầu độc lập của người có QLNVLQ là để đảm bảo sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự và Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho người có QLNVLQ có yêu cầu độc lập thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, giúp bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người có QLNVLQ.
3. Thời điểm đưa ra yêu cầu độc lập người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
So sánh quy định của BLTTDS năm 2015 với BLTTDS năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011, có thể thấy có sự khác biệt về thời điểm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia giải quyết vụ án dân sự có quyền đưa ra yêu cầu độc lập. Theo đó, thời điểm họ có quyền đưa ra yêu cầu độc lập quy định trong BLTTDS năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011 là “trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử”. Thực tiễn thực hiện quy định về thời hạn đưa ra yêu cầu này, nhiều trường hợp Tòa án đã tiến hành hòa giải xong vụ án, các đương sự mới đưa ra yêu cầu độc lập. Lúc này, Tòa án lại phải tiến hành thủ tục xác minh, thu thập chứng cứ và hòa giải riêng đối với yêu cầu cầu độc lập. Đây là nguyên nhân khiến cho thời hạn giải quyết vụ án bị kéo dài, ảnh hưởng đến thời gian của cơ quan tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.
Điểm mới của BLTTDS năm 2015 là bổ sung quy định về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải trong thời hạn chuẩn bị xét xử. Theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 203 và khoản 2 Điều 208 BLTTDS năm 2015, Thẩm phán có nhiệm vụ tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn. Như vậy, việc tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ đối với vụ án giải quyết theo thủ tục thông thường là bắt buộc. Khi vụ án dân sự không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được theo quy định tại Điều 206, 2017 BLTTDS năm 2015 thì Thẩm phán vẫn phải tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được quyền đưa ra yêu cầu độc lập “trước thời điểm Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”.
Quy định này nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp về thủ tục tố tụng công khai, minh bạch chứng cứ, giải quyết các yêu cầu, đề nghị của đương sự về thu thập chứng cứ, bảo đảm sự tham gia và giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp, giúp cho việc giải quyết vụ án của Tòa án được chủ động và hợp lý hơn. Sau thời điểm này, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới đưa ra yêu cầu độc lập thì Tòa án không chấp nhận và hướng dẫn họ khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác.