Có hai quyền liên quan mật thiết với quyền đối với hình ảnh của cá nhân là quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm uy tín và quyền bí mật đời tư.
Trong nhóm các quyền nhân thân liên quan đến giá trị tinh thần của chủ thể thì có hai quyền liên quan mật thiết với quyền đối với hình ảnh của cá nhân là quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm uy tín và quyền bí mật đời tư. Việc xác định rõ mối liên hệ giữa các quyền này có ý nghĩa lớn trong việc đảm bảo thực hiện quyền của cá nhân đối với các quền nhân thân của mình được pháp luật thừa nhận.
a. Quyền bí mật đời tư:
Tại Điều 38 “Bộ luật dân sự 2015” có qui định về Quyền bí mật đời tư nhưng cũng chưa có quy định giải thích, định nghĩa cụ thể. Có thể hiểu:
“Quyền bí mật đời tư là thông tin, tư liệu về tinh thần, vật chất, quan hệ xã hội và những thông tin khác liên quan đến cá nhân trong quá khứ cũng như trong hiện tại, được pháp luật bảo vệ và thông tin đó được bảo mật bằng những biện pháp mà pháp luật thừa nhận”
Quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân có liên quan đến bí mật đời tư như: trường hợp hình ảnh của cá nhân là hình ảnh riêng tư, cá nhân không muốn tiết lộ thì việc công bố hình ảnh của cá nhân đó là xâm phạm tới bí mật đời tư, hoặc là hình ảnh của cá nhân giữ kín và việc giữ kín được pháp luật tôn trọng và bảo vệ hơn thế nữa những hình ảnh đó bị tiết lộ có thể gây hậu quả về vật chất, tinh thần cho chủ thể của hình ảnh thì cũng được coi là “bí mật đời tư của cá nhân”.
Như vậy cá nhân có quyền khởi kiện hành vi xâm phạm quyền bí mật đời tư nếu một chủ thể nào đó công bố những hình ảnh của cá nhân mà cá nhân đã, đang và vẫn sẽ thực hiện việc giữ bí mật hình ảnh đó. Trong trường hợp này thì quyền bí mật đời tư có liên hệ với quyền đối với hình ảnh của cá nhân, hành vi sử dụng trái phép hình ảnh của cá nhân ở một góc độ nào đó được xác định là hành vi xâm phạm quyền bí mật đời tư. Trên thực tế hiện nay có nhiều những hành vi sử dụng hình ảnh của cá nhân đã xâm phạm đến quyền bí mật đời tư như: hành vi quay phim, chụp ảnh, công bố những hình ảnh, video về đời sống riêng tư của một người mà chưa được sự đồng ý của người được quay phim chụp ảnh, hay hành vi công bố những hình ảnh trong quá khứ về một mối quan hệ mà cá nhân có hình ảnh đó muốn giữ kín, không muốn công khai thì đó đã là hành vi xâm phạm quyền bí mật đời tư.
>>> Luật sư
b. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Hình ảnh của cá nhân cũng là một yếu tố gắn liền với danh dự, nhân phẩm, uy tín, nó là một trong những yếu tố để nhận diện, xác định danh dự, uy tín. Sự liên hệ đó thể hiện ở chỗ hình ảnh của cá nhân có thể làm tăng giá trị của cá nhân đó, cũng có thể làm giảm sút, ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân đó.
Trên thực tế, hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín diễn ra dưới nhiều hành vi, trong đó có hành vi sử dụng hình ảnh của cá nhân như: phát tán những hình ảnh nhạy cảm hay những hình ảnh vô ý bị bắt gặp ở đời thường, nhằm bôi nhọ danh dự một người, hình ảnh của một người. Những hành vi này có thể dễ dàng thực hiện với sự trợ giúp của các phương tiện thông tin đại chúng, do đó bảo vệ quyền của cá nhân đối với hình ảnh cũng góp phần không nhỏ, hạn chế những hành vi xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của chủ thể.
Như vậy, quyền đối với hình ảnh của cá nhân có quan hệ đối với quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín bởi thông qua hành vi sử dụng hình ảnh của cá nhân có thể xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của một người. Chính vì thế, “Bộ luật dân sự năm 2015” đã bổ sung thêm quy định mới so với BLDS năm 1995 về quyền đối với hình ảnh của cá nhân tại khoản 3 Điều 31 như sau:
“Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.”.
Như vậy, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân dù có sự đồng ý của cá nhân nhưng nếu xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì là vi phạm pháp luật.