Quan hệ đồng giới hiện nay không còn là khái niệm xa lạ đối với tất cả chúng ta, nó đang trở thành một trong những đề tài nóng bỏng, không chỉ trên sách báo và các trang mạng mà còn trong các buổi chuyên đề và các hội nghị mang tầm mức quốc tế.
Quan hệ đồng giới hiện nay không còn là khái niệm xa lạ đối với tất cả chúng ta, nó đang trở thành một trong những đề tài nóng bỏng, không chỉ trên sách báo và các trang mạng mà còn trong các buổi chuyên đề và các hội nghị mang tầm mức quốc tế. Bởi lẽ, người ta không còn ngần ngại, kiêng kỵ, tránh né bàn thảo vấn đề nhạy cảm này như trước đây. Quan hệ đồng giới đang dần được công nhận trong cộng đồng cũng như công nhận trên mặt pháp lí, để hiểu rõ hơn hãy cùng tìm hiểu về các quyền của cá nhân trong quan hệ đồng giới.
Cá nhân trong quan hệ đồng giới hiển nhiên sẽ được hưởng đầy đủ các quyền nhân thân theo quy định của “Bộ luật dân sự năm 2015”, rõ hơn là các quyền được quy định từ Điều 26 đến Điều 51 về các quyền như: quyền đối với họ, tên; quyền được khai sinh; quyền của cá nhân đối với hình ảnh; quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể…
Tuy nhiên, trên thực tế, một số quyền trong số các quyền nhân thân này vẫn không được đảm bảo trên thực tế đối với cá nhân trong quan hệ đồng giới. Rõ hơn hết là quyền kết hôn quy định tại Điều 39 “Bộ luật dân sự năm 2015”:
“Điều 39. Quyền kết hôn
Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình có quyền tự do kết hôn.
Việc tự do kết hôn giữa những người thuộc các dân tộc, tôn giáo khác nhau, giữa những người theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.”
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì đã bỏ quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, nhưng vẫn chưa thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới. Như vậy, nếu như theo quy định của “Bộ luật dân sự năm 2015” thì các cá nhân trong quan hệ đồng giới hoàn toàn có quyền được kết hôn, nhưng Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 lại không thừa nhận hôn nhân giữa họ. Theo nguyên tắc, ở Việt Nam sẽ ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành trước nên hiện nay, hôn nhân đồng giới ở Việt Nam vẫn chưa được công nhận. Xét về đảm bảo quyền tự do cá nhân thì việc kết hôn giữa những người cùng giới cần được công nhận. Nhưng xét về văn hóa, tập quán gia đình của người Việt Nam, tính nhạy cảm xã hội của vấn đề, hậu quả xã hội của quy định pháp luật chưa được dự báo hết thì thời điểm này, việc thừa nhận người cùng giới tính có quyền kết hôn với nhau ở Việt Nam có thể là còn quá sớm.
>>> Luật sư
Từ việc hôn nhân cùng giới không được thừa nhận theo pháp luật cũng dẫn đến những quyền của cá nhân trong quan hệ này không được công nhận như quyền có tài sản chung, quyền có con, quyền được nhận con nuôi… Các quyền này hầu như chỉ được đảm bảo trong các quan hệ khác giới. Như quyền nhận con nuôi, theo Khoản 3 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi thì một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng mà theo Luật Hôn nhân và gia đình thì chưa thừa nhận hôn nhân giữa hai người đồng giới nên hiển nhiên, “vợ chồng” trong quan hệ hôn nhân cùng giới không có quyền nhận con nuôi.
Một vài phân tích trên đã cho thấy rõ rằng, các cá nhân trong quan hệ đồng giới hiện nay vẫn còn bị hạn chế về việc được pháp luật bảo đảm các quyền của mình. Mong rằng trong thời gian không xa, quan hệ đồng giới sẽ được hợp pháp hóa, được đảm bảo quyền bình đẳng như quyền có tài sản chung, quyền có con, quyền xin con nuôi, quyền thừa kế, và các quyền khác mà pháp luật đang đảm bảo cho quan hệ khác giới.