Trên lãnh thổ quốc gia, ngoài những người là công dân của quốc gia sở tại còn có một số lượng nhất định người nước ngoài đến làm ăn, sinh sống tại quốc gia sở tại. Cùng bài viết tìm hiểu về cư trú chính trị là gì? Nội dung quyền cư trú chính trị của người nước ngoài.
Mục lục bài viết
1. Cư trú chính trị là gì?
– Cư trú chính trị là việc một quốc gia cho phép những người nước ngoài đang bị truy nã tại quốc gia mà họ mang quốc tịch do những hoạt động và quan điểm về chính trị, khoa học và tôn giáo…được quyền nhập cảnh và cư trú trên lãnh thổ nước sở tại.
2. Nội dung chế độ cư trú chính trị:
– Đối tượng có khả năng được hưởng quyền cư trú chính trị: Quyền cư trú với tính chất là một chế định pháp lý quốc tế, là quyền của quốc gia chứ không phải là quyền của thể nhân. Quốc gia không có nghĩa vụ phải dành cho nhóm cá nhân xác định quyền cư trú. Chính vì vậy, trong các văn bản pháp lý quốc gia không có điều khoản, quy định nào ghi nhận công dân của nước này hay nước kia có quyền yêu cầu cư trú ở lãnh thổ nước khác.
Nhìn chung, trong hệ thống pháp luật trong nước các quốc gia đều ghi nhận cơ sở chung để đối tượng được hưởng quyền cư trú là thể nhân bị truy đuổi vì các lý do hoạt động và quan điểm chính trị tại đất nước mình. Trên thực tế, các quốc gia đã có sự công nhận chung khi không trao quyền cư trú cho các đối tượng sau:
• Những cá nhân phạm tội ác quốc tế (như tội ác chiến tranh, tội ác diệt chủng..);
• Những cá nhân thực hiện các hành vi tội phạm hình sự có tính chất quốc tế như: không tắc, buôn bán ma túy và các chất hướng thần..;
• Những kẻ tội phạm hình sự mà việc dẫn độ được quy định trong các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương về dẫn độ;
• Những cá nhân có hành vi trái với mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
– Việc trao quyền cư trú cho người nước ngoài là thẩm quyền riêng biệt của mỗi quốc gia; người nước ngoài được quyền cư trú không bị buộc phải nhập quốc tịch của nước sở tại, họ được hưởng những quyền lợi và tự do ngang bằng với người nước ngoài khác. Quốc gia cho phép cư trú phải có nghĩa vụ bảo đảm an ninh cho người cư trú, không được dẫn độ hoặc trục xuất theo yêu cầu của quốc gia mà họ là công dân (trừ trường hợp việc cho phép cư trú của quốc gia là bất hợp pháp).
– Pháp luật quốc tế chỉ cho phép cư trú lãnh thổ, không cho phép cư trú ngoại giao (tức là không cho phép người bị truy nã cư trú trong cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của quốc gia khác). Nếu cơ quan ngoại giao cho phép cư trú ngoại giao thì đây là hành vi cho phép cư trú bất hợp pháp, vượt quá chức năng của cơ quan ngoại giao đã được ghi nhận trong Công ước Viên 1961 và là hành vi lạm dụng quyền được ưu đãi ngoại giao từ phía nước sở tại.
3. Quy chế pháp lý của người nước ngoài:
Quy chế pháp lý của người nước ngoài mang tính song trùng pháp luật: khi cư trú làm ăn sinh sống ở nước sở tại thì người nước ngoài cùng lúc chịu sự điều chỉnh của hai hệ thống pháp luật là pháp luật của nước mà người đó mang quốc tịch và pháp luật của nước sở tại nơi người đó cư trú và làm ăn sinh sống.
+ Giải quyết xung đột pháp luật về năng lực pháp luật và năng lực hành vi của người nước ngoài.
Về năng lực pháp luật và năng lực hành vi của người nước ngoài các nước quy định khác nhau. Để giải quyết xung đột về năng lực pháp luật và năng lực hành vi của người nước ngoài thì pháp luật các nước thường quy định người nước ngoài có năng lực pháp luật ngang hoặc tương đương với công dân nước sở tại.
Để giải quyết xung đột pháp luật về năng lực hành vi thì đại đa số các nước đều áp dụng theo hệ thuộc luật quốc tịch, riêng Anh – Mỹ áp dụng theo hệ thuộc luật nơi cư trú.
Theo quy định của Pháp luật Việt Nam:
Điều 761. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là người nước ngoài
1. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là người nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch.
2. Người nước ngoài có năng lực pháp luật dân sự tại Việt Nam như công dân Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quy định khác.
Điều 762. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là người nước ngoài
1. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là người nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước mà người đó là công dân, trừ trường hợp pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quy định khác.
2. Trong trường hợp người nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam thì năng lực hành vi dân sự của người nước ngoài được xác định theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Còn đối với người không quốc tịch thì theo quy định tại Điều 760 Bộ luật dân sự áp dụng luật nơi người đó cư trú hoặc nếu người đó không có nơi cư trú thì áp dụng pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đối với ngời hai hay nhiều quốc tịch:
– Áp dụng nguyên tắc quốc tịch và người đó cư trú;
– Áp dụng nguyên tắc quốc tịch hữu hiệu: nơi người đó gắn bó nhất nếu người đó không cư trú ở nước mà mình có quốc tịch.
4. Thủ tục để người nước ngoài cư trú tại Việt Nam:
Tóm tắt câu hỏi:
Cho e hỏi: Vợ chồng e về Việt nam để chữa bệnh cho e mà chưa biết ngày nào qua nên chỉ mua vé một chiều. Vậy Ck e có đc nhập cảnh cùng e không ạ? Và nếu e muốn xin visa cho Ck e để định cư và sinh sống tại Việt nam thi cần những giấy tờ gì ạ? E cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, về việc chồng bạn có được nhập cảnh hay không:
Nhập cảnh là việc người nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 20, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 về điều kiện nhập cảnh:
“Người nước ngoài được nhập cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực.
Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng và phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày;
2. Không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật này”.
Theo quy định tại Điều 21, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 về các trường hợp chưa cho nhập cảnh:
“1. Không đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này.
2. Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng.
3. Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú.
4. Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.
5. Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực.
6. Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực.
7. Vì lý do phòng, chống dịch bệnh.
8. Vì lý do thiên tai.
9. Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
Theo đó, nếu chồng bạn đáp ứng đủ điều kiện nhập cảnh theo quy định tại điều 20 và không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh theo quy định tại điều 21 thì sẽ được nhập cảnh vào Việt Nam.
Thứ hai, thủ tục để chồng bạn định cư và sinh sống tại Việt Nam.
Cư trú là việc người nước ngoài thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam. Theo đó, sẽ chia làm hai trường hợp:
Trường hợp thứ nhất, đăng ký tạm trú.
Theo quy định tại Điều 36, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014:
“Các trường hợp được cấp thẻ tạm trú và ký hiệu thẻ tạm trú
1. Người nước ngoài là thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ được cấp thẻ tạm trú ký hiệu NG3.
2. Người nước ngoài được cấp thị thực có ký hiệu LV1, LV2, ĐT, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ, TT được xét cấp thẻ tạm trú có ký hiệu tương tự ký hiệu thị thực”.
Theo quy định của pháp luật, trường hợp của chồng bạn là người nước ngoài được cấp thị thực có ký hiệu TT nên sẽ được xét cấp thẻ tạm trú có ký hiệu tương tự, thời hạn thẻ tạm trú sẽ có thời hạn không quá 03 năm.
Về thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú bao gồm:
1. Văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân làm thủ tục mời, bảo lãnh;
2. Tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú có dán ảnh;
3. Hộ chiếu;
4. Giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp quy định tại Điều 36 của Luật này.
Trường hợp thứ hai, đăng ký thường trú.
Theo quy định tại Điều 39, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014:
“Các trường hợp được xét cho thường trú:
1. Người nước ngoài có công lao, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam được nhà nước Việt Nam tặng huân chương hoặc danh hiệu vinh dự nhà nước.
2. Người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam.
3. Người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh.
4. Người không quốc tịch đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ năm 2000 trở về trước”.
Theo đó, chồng của bạn sẽ được xét cho thường trú nếu bạn đang thường trú tại Việt Nam và đứng ra bảo lãnh cho chồng mình. Bên cạnh đó, chồng của bạn phải đáp ứng các điều kiện xét cho thường trú:
– Có chỗ ở hợp pháp và có thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
– Đã tạm trú tại Việt Nam liên tục từ 03 năm trở lên.
Về thủ tục đề nghị cho thường trú, bạn sẽ làm thủ tục tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, hồ sơ bao gồm:
1. Đơn xin thường trú;
2. Lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp;
3. Công hàm của cơ quan đại diện của nước mà người đó là công dân đề nghị Việt Nam giải quyết cho người đó thường trú;
4. Bản sao hộ chiếu có chứng thực;
5. Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện được xét cho thường trú;
6. Giấy bảo lãnh đối với người nước ngoài.