Khái quát chung về quyền có họ, tên và quyền đối với họ tên? Nội dung pháp luật về quyền đối với họ, tên của cá nhân?
Họ, tên là đặc điểm nhân thân gắn liền, không thể tách rời của cá nhân, là dấu hiệu để phân biệt cá nhân này với cá nhân khác trong xã hội. Quyền có họ, tên là quyền nhân thân mà cá nhân có ngay từ khi sinh ra, được ghi nhận trong Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật liên quan. Trên thực tế, mọi hoạt động pháp lý, mọi văn bản, giấy tờ pháp lý đều cần có ghi rõ họ, tên, chữ ký xác nhận của cá nhân tham gia. Điều này càng chứng minh được tầm quan trọng đặc biệt của họ, tên, do vậy, trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ tập trung phân tích các nội dung về quyền có họ, tên và quyền đối với họ, tên để làm nổi bật hết giá trị của họ và tên của cá nhân.
Cơ sở pháp lý:
1. Khái quát chung về quyền có họ, tên và quyền đối với họ, tên?
Tại Khoản 1, Điều 26 Bộ luật dân sự đã khẳng định: “Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.” Điều này có nghĩa là, không ai có quyền tước bỏ quyền có họ, tên của cá nhân dù trong bất kỳ trường hợp nào.
Mỗi cá nhân sinh ra đều có tên gọi do cha mẹ đặt cho để phân biệt cá nhân đó với những cá nhân khác. Ở Việt Nam họ, tên thường có ba thành tố theo thứ tự: họ, chữ lót và tên. Họ, tên là yếu tố rất quan trọng về mặt công pháp cũng như tư pháp. Vì chính nhờ có họ, tên mà một cá nhân có quyền bầu cử, ứng cử hoặc phải thi hành nghĩa vụ đối với Nhà nước hay thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự.
Đặc tính pháp lý của họ, tên là không thể mua bán, chuyển nhượng giữa người sống, hoặc cho hưởng thừa kế. Họ, tên không thể bị tiêu hủy hay phá bỏ như một tài sản vật chất và không thể có được hay mất đi bởi thời hiệu.
Trước hết, cần hiểu về họ và tên như sau:
– Họ của mỗi cá nhân thể hiện dòng máu, nguồn gốc của cá nhân mỗi người. Họ của mỗi cá nhân là căn cứ, dấu hiệu phân biệt giữa các cá nhân với nhau được nhà nước quản lý và công nhận.
– Tên được tạo thành bởi hai thành tố là tên đệm và tên chính. Hai thành tố này có ý nghĩa bổ sung cho nhau, trong đó: “Tên đệm” là yếu tố phụ, có hoặc không có, được đặt ở vị trí chính giữa họ và tên chính, thực hiện chức năng phân biệt giới tính; chức năng thẫm mỹ…; “Tên chính” là tên gọi của từng cá nhân, để phân biệt với những cá nhân khác. Tên chính thường ở vị trí cuối cùng trong cụm họ – tên.
Trong các tài liệu, công trình nghiên cứu khoa học rất ít giải thích về quyền có họ, tên, khái niệm này chỉ xuất hiện trong các luận văn, luận án, ví dụ: Tác giả Hoàng Ngọc Hưng trong luận văn thạc sỹ luật học trường Đại học Luật Hà Nội có đưa ra khái niệm: “Quyền đối với họ, tên của cá nhân là quyền nhân thân pháp luật quy định cho cá nhân quyền có, sử dụng, khai thác và thay đổi họ, tên để thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự”.
Với tư cách là một quyền nhân thân mang tính cá biệt hóa chủ thể quyền, quyền đối với họ, tên là khả năng của cá nhân có họ, tên và thực hiện những quyền và nghĩa vụ dưới họ, tên của mình cũng như yêu cầu việc sử dụng họ, tên bởi những chủ th khác phải được thực hiện dưới sự đồng ý của cá nhân đó nếu như việc sử dụng này có gắn với việc khai thác những lợi ích vật chất.
Quyền đối với họ có những đặc điểm sau:
– Quyền đối với họ, tên là quyền nhân thân gắn liền với các cá nhân.
– Quyền đối với họ, tên là quyền nhân thân không gắn với tài sản.
– Quyền đối với họ, tên là quyền nhân thân cá biệt hóa cá nhân.
2. Nội dung pháp luật về quyền đối với họ, tên của cá nhân?
Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định rõ ràng cách xác định họ, tên của cá nhân. Theo đó, họ của cá nhân được xác định là họ của cha hoặc họ của mẹ trong hầu hết các trường hợp.
Khoản 2 Điều 26 Bộ luật dân sự năm 2015 đã đưa ra cách xác định họ của một cá nhân trong ba trường hợp:
(i) Trường hợp xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của cá nhân hoặc chưa xác định được cha đẻ của cá nhân;
(ii) Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi;
(iii) Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi.
Đối với trường hợp xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của cá nhân hoặc chưa xác định được cha đẻ của cá nhân thì nhà làm luật quy định cách xác định họ của cá nhân dựa trên ba căn cứ: (i) theo thỏa thuận giữa cha, mẹ đẻ của cá nhân, khi đó họ của cá nhân là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ; (ii) theo tập quán nếu cha, mẹ đẻ của cá nhân không có thỏa thuận; (iii) theo họ của mẹ đẻ trong trường hợp chưa xác định được cha đẻ.
Đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha, mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người nhận nuôi.
Riêng trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.
Quy định về quyền có họ tên ở Bộ luật dân sự năm 2015 đã có rất nhiều điểm tiến bộ và quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn so với
Nguyên tắc chung về tên: Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không được đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ cái. Tuy nhiên, quy định về cách xác định tên bằng tiếng Việt là một vấn đề khá khó khăn, bởi lẽ như thế nào là Tiếng Việt thì Bộ luật dân sự năm 2015 chưa lý giải và chưa có văn bản pháp luật nào lý giải khái niệm này. Chính vì vậy, quy định này trong Bộ luật dân sự năm 2015 cần được tập huấn để đi sâu vào hệ thống tư pháp phường, xã trên khắp các địa bàn cả nước.
“Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình.” (Khoản 4, Điều 26). Quy định này có thể được hiểu là việc cá nhân được sử dụng họ, tên của mình để đảm bảo quyền và nghĩa vụ khi tham gia các quan hệ pháp luật. Sử dụng họ, tên là việc cá nhân dùng họ tên của mình tham gia vào các quan hệ xã hội nói chung và các quan hệ pháp luật nói riêng. Đây được coi là hệ quả đương nhiên khi đã có họ tên hợp pháp, khi có họ tên tất nhiên sẽ phải sử dụng nó vào nhiều công việc với nhiều mục đích khác nhau.
Việc sử dụng họ, tên phải hợp pháp và được pháp luật công nhân. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp sử dụng tên của người khác một cách bất hợp pháp mà không được sự đồng ý của người này, điều này đã đã xâm phạm đến quyền đối với họ tên của người đó.
“Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.” (Khoản 5, Điều 26). Trước đây trong Bộ luật dân sự năm 2005, quy định rằng: “cá nhân được sử dụng bút danh, bí danh một cách hợp pháp”. Đây được xem là cách thay đổi khác hẳn về kỹ thuật lập pháp, về bản chất vẫn mang tính tương tự, nhưng quy định ở Bộ luật dân sự 2015 lại có phần mở hơn.
Bút danh là tên riêng dùng để ghi tên tác giả khi viết văn. Bút danh hay bút hiệu là danh hiệu của những người cầm bút như nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ, họa sĩ,…để thay cho tên chính hoặc đi kèm với tên tính để xác nhân tác quyền trên những tác phẩm văn chương, nghệ thuật,…đồng thời để biểu lộ một mục đích hay ý tưởng nào đó.
Bí danh là tên dùng thay cho tên thật để hoạt động bí mật. Bí danh là tên dùng thay cho tên thật để giữ bí mật được các nhà hoạt động cách mạng hay đảng viên các đảng phái chí trị thường dùng.
Bút danh và bí danh đều là những cái tên đặc biệt. Pháp luật công nhận cho mỗi cá nhân có thể có bút danh và bí danh để phục vụ công việc, tuy nhiên việc đặt bút danh và bí danh không được ảnh hưởng, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của người khác, điều này tránh lạm dùng tình trạng sử dụng các bút danh đã có tên tuổi để làm bút danh cho mình và hưởng lợi từ tên bút danh đó.