Hoạt động cấp tín dụng được coi là nghiệp vụ cơ bản của các tổ chức tín dụng. Khi thực hiện cấp tín dụng, tổ chức tín dụng được pháp luật dự liệu cho phép thực hiện quyền chấm dứt cấp tín dụng trong những trường hợp nhất định. Quy định của pháp luật và thực hiện quyền chấm dứt cấp tín dụng hiện nay thế nào?
Trong khoa học pháp lý, quyền chủ thể là cách xử sự mà pháp luật cho phép chủ thể được tiến hành. Nói cách khác, quyền chủ thể là khả năng của chủ thể xử sự theo cách thức nhất định được pháp luật cho phép. Nói là khả năng có nghĩa là chủ thể có thể lựa chọn giữa việc xử sự theo cách thức mà nó được phép tiến hành hoặc không xử sự như vậy.
Như vậy, quyền chủ thể bao gồm:
Thứ nhất, khả năng của chủ thể xử sự theo cách thức nhất định mà pháp luật cho phép. Với cách hiểu như vậy thì chủ thể có quyền có thể thực hiện quyền của mình thông qua những hành vi nhất định như giao kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng đã giao kết nhằm mang lại lợi ích hợp pháp cho chính mình.
Thứ hai, khả năng yêu cầu các chủ thể khác chấm dứt các hành động cản trở thực hiện quyền và nghĩa vụ hoặc yêu cầu tôn trọng các nghĩa vụ tương ứng phát sinh từ quyền và nghĩa vụ này. Trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, các tổ chức tín dụng có quyền yêu cầu khách hàng chấm dứt thực hiện các hành vi sử dụng vốn sai mục đích nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động cấp tín dụng của mình; yêu cầu khách hàng nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng tín dụng ngân hàng. Ngược lại, khách hàng có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện đúng những thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng ngân hàng đã được giao kết.
Thứ ba, khả năng của chủ thể yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ lợi ích của mình. Thật vậy, trong nhiều trường hợp, tổ chức hoặc cá nhân cần bảo vệ quyền lợi của mình thông qua các cơ quan có thẩm quyền như tòa án, viện kiểm sát nhân dân các cấp, cơ quan thanh tra… Đây là những cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong xã hội.
Theo Khoản 1, Điều 4
Tiếp cận dưới góc độ Pháp luật dân sự, chấm dứt cấp tín dụng là việc tổ chức tín dụng đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo Điều 428
Cũng cần nhận thấy Bộ luật dân sự năm 2015 quy định quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng. Theo Khoản 2, Điều 423 Bộ luật dân sự, vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Như vậy về nguyên tắc, nếu một bên không vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng thì bên kia không có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng.
Tiếp cận dưới góc độ Pháp luật thương mại, chấm dứt cấp tín dụng là việc tổ chức tín dụng đình chỉ thực hiện hợp đồng theo Điều 310
Như vậy, nếu Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì Luật Thương mại năm 2005 quy định về quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng. Tuy vậy, cả đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng đều căn cứ vào việc bên kia vi phạm nghiêm trọng (hoặc cơ bản) nghĩa vụ hợp đồng, làm cho bên bị vi phạm không đạt được mục đích khi giao kết hợp đồng.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (Khoản 1, Điều 95), tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt việc cấp tín dụng, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm các quy định trong hợp đồng cấp tín dụng.
Như vậy, quyền chấm dứt cấp tín dụng của tổ chức tín dụng là khả năng pháp luật dự liệu cho tổ chức tín dụng đơn phương chấm dứt hợp đồng khi khách hàng vi phạm hợp đồng tín dụng, ảnh hưởng đến an toàn trong hoạt động cấp tín dụng. Quyền chấm dứt cấp tín dụng của tổ chức tín dụng có một số đặc điểm cơ bản như sau:
Thứ nhất, chủ thể của quyền chấm dứt cấp tín dụng là tổ chức tín dụng trong quan hệ cấp tín dụng với khách hàng.
Trong hợp đồng tín dụng, có hai chủ thể tham gia là tổ chức tín dụng với khách hàng. Tổ chức tín dụng là tổ chức có tư cách pháp nhân, được thành lập theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động ngân hàng. Để thực hiện các hoạt động ngân hàng thì tổ chức tín dụng phải có đủ các điều kiện hoạt động theo quy định tại Điều 26 Luật Các tổ chức tín dụng.
Khách hàng là các tổ chức và cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, mục đích sử dụng vốn tín dụng hợp pháp, không thuộc những trường hợp không được cấp tín dụng theo Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
Khi cấp tín dụng dưới các hình thức cho vay, cho thuê tài chính, bảo lãnh ngân hàng, chiết khấu, bao thanh toán và các hình thức khác, tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng các điều khoản như số tiền cấp tín dụng, thời gian, lãi suất, phí… Khi thực hiện hợp đồng, nếu khách hàng có những vi phạm ảnh hưởng đến an toàn hoạt động ngân hàng thì tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt cấp tín dụng, thu hồi vốn gốc và lãi từ khách hàng. Vì vậy, quyền chấm dứt cấp tín dụng là quyền của tổ chức tín dụng trong quan hệ cấp tín dụng với khách hàng.
Thứ hai, cơ sở phát sinh quyền chấm dứt cấp tín dụng là khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng cấp tín dụng.
Những hành vi vi phạm của khách hàng dẫn đến việc tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt cấp tín dụng bao gồm:
– Khi khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật trong hợp đồng tín dụng.
Khi xác lập hợp đồng tín dụng, khách hàng phải cung cấp thông tin cho tổ chức tín dụng để tổ chức tín dụng thẩm định, xem xét đánh giá, phòng ngừa những rủi ro phát sinh trong hoạt động cấp tín dụng. Trường hợp khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết và thực hiện hợp đồng thì không những đã vi phạm hợp đồng, mà còn gây ra rủi ro cho các tổ chức tín dụng.
– Khi khách hàng không hoàn trả được vốn gốc và lãi của khoản cấp tín dụng.
Hợp đồng tín dụng là hợp đồng song vụ, theo đó tổ chức tín dụng và khách hàng đều có những quyền và nghĩa vụ với nhau. Trong những quyền của tổ chức tín dụng được pháp luật quy định, thì quyền được khách hàng hoàn trả vốn gốc và lãi là quyền cơ bản. Khi khách hàng không hoàn trả gốc và lãi của khoản cấp tín dụng thì gây ra rủi ro cho tổ chức tín dụng, từ đó xuất hiện nợ xấu, ảnh hưởng đến an ninh tài chính tiền tệ nói chung.
– Khi khách hàng vi phạm các thỏa thuận khác trong hợp đồng cấp tín dụng.
Ngoài việc vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin và hoàn trả gốc và lãi của khoản cấp tín dụng, khách hàng còn có thể vi phạm các thỏa thuận khác trong hợp đồng như sử dụng vốn không đúng mục đích đã thỏa thuận, cản trở hoặc không tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng kiểm tra sử dụng vốn vay…
Thứ ba, mục đích của quyền chấm dứt là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng cũng như giúp các bên thực hiện tốt hợp đồng tín dụng.
Mục đích của việc thực hiện quyền chấm dứt cấp tín dụng là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức tín dụng. Việc khách hàng vi phạm hợp đồng tín dụng dẫn đến tổ chức tín dụng không thu hồi được vốn gốc và lãi, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh tiền tệ. Do đó, tổ chức tín dụng cần được quy định quyền chấm dứt cấp tín dụng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.
Bên cạnh đó, quyền chấm dứt cấp tín dụng còn nhằm mục đích bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng. Bởi lẽ khi khách hàng vi phạm hợp đồng, không hoàn trả vốn gốc và lãi cho tổ chức tín dụng thì tổ chức tín dụng sẽ gặp rủi ro nợ xấu. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến từng tổ chức tín dụng, mà còn ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng và toàn bộ nền kinh tế.
Ngoài ra, tổ chức tín dụng thực hiện quyền chấm dứt cấp tín dụng còn nhằm mục đích giúp các bên thực hiện tốt hợp đồng tín dụng, ngăn ngừa các hành vi vi phạm hợp đồng, đạt được mục đích và hiệu quả giao kết hợp đồng tín dụng.
Thứ tư, quyền chấm dứt cấp tín dụng chịu sự chi phối bởi những đặc thù trong hoạt động ngân hàng.
Những đặc thù trong hoạt động ngân hàng bao gồm: (i) Chủ thể thực hiện hoạt động ngân hàng là các tổ chức tín dụng có vốn kinh doanh rất lớn; (ii) Kinh doanh ngân hàng là hoạt động kinh doanh có điều kiện; (iii) Vai trò của hoạt động ngân hàng do các tổ chức tín dụng thực hiện là rất quan trọng đối với nền kinh tế xã hội; (iv) Hoạt động ngân hàng có tính nhạy cảm và rủi ro rất cao; (v) Trong hoạt động ngân hàng, cạnh tranh và hợp tác luôn song hành với nhau và (vi) Hoạt động ngân hàng chịu sự quản lý rất chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Những đặc thù trong hoạt động ngân hàng như vậy tác động đến những quy định của pháp luật về chấm dứt cấp tín dụng ở những điểm như sau:
+ Quyền chấm dứt cấp tín dụng là một trong những quyền cơ bản của tổ chức tín dụng trong quan hệ cấp tín dụng với khách hàng;
+ Các tổ chức tín dụng cần thực hiện có hiệu quả quyền chấm dứt cấp tín dụng vì sự an toàn của chính tổ chức đó cũng như an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng và toàn bộ nền kinh tế;
+ Khách hàng cần thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về quyền chấm dứt cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.