Quy định về tự lập dự toán xây dựng dựa vào giá vật liệu? Xác định đơn giá xây dựng để xác định dự toán cần cơ quan nào phê duyệt không?
Tự lập dự toán xây dựng là một trong những giai đoạn rất quan trọng khi thực hiện xây dựng. Việc tự lập dự toán xây dựng giống như những bước đầu giúp cho nhà thầu hay chủ đầu tư xây dựng ước lượng và áng chừng được tổng chi phí cho toàn bộ quá trình xây dựng hoặc từng giai đoạn xây dựng sẽ có chi phí là bao nhiêu? Vậy quy định về tự lập dự toán xây dựng được quy định trong pháp luật như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Dương gia sẽ giúp cho bạn đọc có thêm những thông tin pháp lý về vấn đề này.
Căn cứ pháp lý:
Nghị định 59/2015/NĐ-CP quy định với dự toán công trình
Nghị định 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng
Mục lục bài viết
1. Quy định về tự lập dự toán xây dựng theo quy định pháp luật
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Nghị định 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng thì ta có thể hiểu dự toán đầu tư xây dựng là toàn bộ những chi phí cần thiết để có thể thực hiện xây dựng và các yêu cầu công việc phải thực hiện của công trình. Điều 8 quy định tại khoản 1 cụ thể như sau:
Dự toán xây dựng là toàn bộ chi phí cần thiết dự tính ở giai đoạn trước khi lựa chọn nhà thầu để xây dựng công trình, các công trình, các gói thầu, được xác định trên cơ sở khối lượng tính toán từ thiết kế kỹ thuật đối với thiết kế 3 bước hoặc thiết kế bản vẽ thi công đối với thiết kế 2 bước hoặc thiết kế FEED đối với trường hợp thực hiện theo hình thức EPC, EC, EP, yêu cầu công việc phải thực hiện và định mức, đơn giá xây dựng.
Như vậy, ta có thể thấy rằng, đây là một trong những giai đoạn rất quan trọng và cần thiết khi bắt đầu tiến hành thực hiện việc xây dựng. Bởi đây sẽ là giai đoạn giúp cho chủ đầu tư hoặc nhà thầu dự toán được việc xây dựng sẽ hết tổng chi phí bao nhiêu? Từng giai đoạn xây dựng có tổng chi phí bao nhiêu?
Chính vì lý do này, nên pháp luật đã có những yêu cầu cụ thể về việc tự lập dự toán xây dựng trước khi thực hiện xây dựng theo quy định pháp luật.
2. Nội dung của tự lập dự toán xây dựng theo quy định pháp luật
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 điều 8 Nghị định 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng có quy định về nội dung tự toán như sau:
2. Nội dung dự toán xây dựng công trình gồm chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và chi phí dự phòng được quy định cụ thể như sau:
a) Chi phí xây dựng gồm chi phí trực tiếp, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước, thuế giá trị gia tăng;
b) Chi phí thiết bị gồm chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ, chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ, chi phí lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh và các chi phí khác có liên quan;
c) Chi phí quản lý dự án gồm các chi phí quy định tại Khoản 2 Điều 23 Nghị định này để tổ chức thực hiện quản lý dự án đối với công trình kể từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và kết thúc xây dựng đưa công trình vào khai thác sử dụng;
d) Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng của công trình gồm chi phí khảo sát, thiết kế, giám sát xây dựng và các chi phí tư vấn khác liên quan;
đ) Chi phí khác của công trình gồm chi phí hạng mục chung và các chi phí không thuộc các nội dung quy định tại các Điểm a, b, c, và d Khoản này. Chi phí hạng mục chung gồm chi phí xây dựng nhà tạm để ở và điều hành thi công tại hiện trường, chi phí di chuyển thiết bị thi công và lực lượng lao động đến và ra khỏi công trường, chi phí an toàn lao động, chi phí bảo đảm an toàn giao thông phục vụ thi công (nếu có), chi phí bảo vệ môi trường cho người lao động trên công trường và môi trường xung quanh, chi phí hoàn trả mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật do bị ảnh hưởng khi thi công công trình (nếu có), chi phí thí nghiệm vật liệu của nhà thầu và một số chi phí có liên quan khác liên quan đến công trình;
e) Chi phí dự phòng của công trình gồm chi phí dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian xây dựng công trình.
Như vậy, ta có thể thấy đối với dự toán xây dựng thì nội dung không thể thiếu đó chính là những đầu mục liên quan đến chi phí bao gồm:
+ Chi phí xây dựng: là chi phí nhân công xây dựng….
+ Chi phí thiết bị:bao gồm các thiết bị phục vụ cho quá trình xây dựng…
+ Chi phí quản lý dự án: đối với việc có cán bộ hoặc thuê nhân công để quản lý dự án xây dựng…
+ Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng:
+ Chi phí khác:
+ Chi phí dự phòng
Như vậy, việc tự lập dự toán xây dựng cần có đầy đủ những nội dung nêu trên theo đúng quy định pháp luật. Bởi lẽ việc xây dựng dự toán đúng và phù hợp sẽ giúp cho chủ đầu tư hoặc nhà thầu có được kế hoạch xây dựng phù hợp theo đúng dự toán đã xây dựng và yêu cầu về xây dựng ban đầu đã vạch ra.
3. Có thể tự lập đơn giá xây dựng dựa vào công bố giá vật liệu được không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư Luật Dương gia! Luật sư cho tôi hỏi về vấn đề lập dự toán xây dựng ạ! Ví dụ khi thực hiện 1 dự án đầu tư xây dựng, bên chủ đầu tư tổ chức lập dự toán xây dựng công trình thì có thể tự lập đơn giá xây dựng dựa vào công bố giá vật liệu hàng tháng, quý; giá nhân công, máy theo
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Dự toán đầu tư xây dựng theo khoản 1 Điều 135 Luật xây dựng 2014 xác định là chi phí cần thiết để xây dựng công trình, thực hiện gói thầu, công việc xây dựng được xác định trên cơ sở khối lượng tính toán từ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, yêu cầu công việc phải thực hiện và định mức, giá xây dựng.
Nội dung dự toán xây dựng theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng bao gồm:
– Chi phí xây dựng gồm chi phí trực tiếp, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước, thuế giá trị gia tăng;
– Chi phí thiết bị gồm chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ, chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ, chi phí lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh và các chi phí khác có liên quan;
– Chi phí quản lý dự án gồm các chi phí quy định tại Khoản 2 Điều 23 Nghị định 68/2019/NĐ-CP để tổ chức thực hiện quản lý dự án đối với công trình kể từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và kết thúc xây dựng đưa công trình vào khai thác sử dụng;
– Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng của công trình gồm chi phí khảo sát, thiết kế, giám sát xây dựng và các chi phí tư vấn khác liên quan;
– Chi phí khác của công trình gồm chi phí hạng mục chung và các chi phí không thuộc các nội dung quy định tại các Điểm a, b, c, và d Khoản 2 Điều 8 Nghị định 68/2019/NĐ-CP. Chi phí hạng mục chung gồm chi phí xây dựng nhà tạm để ở và điều hành thi công tại hiện trường, chi phí di chuyển thiết bị thi công và lực lượng lao động đến và ra khỏi công trường, chi phí an toàn lao động, chi phí bảo đảm an toàn giao thông phục vụ thi công (nếu có), chi phí bảo vệ môi trường cho người lao động trên công trường và môi trường xung quanh, chi phí hoàn trả mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật do bị ảnh hưởng khi thi công công trình (nếu có), chi phí thí nghiệm vật liệu của nhà thầu và một số chi phí có liên quan khác liên quan đến công trình;
– Chi phí dự phòng của công trình gồm chi phí dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian xây dựng công trình.
Như thế, dự toán xây dựng do chủ đầu tư tự lập và tham khảo trên Quyết định Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Chẳng hạn theo Điều 1 Quyết định 5481/QĐ-UBND thành phố Hà Nội quy định:
Công bố Đơn giá xây dựng công trình Thành phố Hà Nội – Phần xây dựng kèm theo Quyết định này để các tổ chức, cá nhân có liên quan, tham khảo lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình đối với các công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội sử dụng nguồn vốn nhà nước do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội quản lý.
Theo đó, dự toán sử dụng nguồn vốn nhà nước được lập tham khảo theo Quyết định 5481/QĐ-UBND.
Việc lập dự toán phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.
Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo Điều 24, Điều 25, Điều 26 Nghị định 59/2015/NĐ-CP quy định với dự toán công trình có nguồn vốn sử dụng ngân sách nhà nước, sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách và dự án sử dụng nguồn vốn khác.
Chẳng hạn với dự toán thuộc nguồn vốn ngân sách khác: Thẩm quyền thẩm định:
– Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Điều 76 Nghị định 59/2015/NĐ-CP chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật (trường hợp thiết kế ba bước), thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp thiết kế hai bước) của công trình cấp đặc biệt, cấp I, công trình theo tuyến đi qua hai tỉnh trở lên và công trình do Thủ tướng Chính phủ giao;
– Sở Xây dựng, các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Điều 76 Nghị định 59/2015/NĐ-CP chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật (trường hợp thiết kế ba bước), thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp thiết kế hai bước) của công trình công cộng từ cấp III trở lên, công trình xây dựng có ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường và an toàn cộng đồng được xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh, trừ các công trình quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 26 Nghị định 59/2015/NĐ-CP;
>>> Luật sư
– Người quyết định đầu tư tự tổ chức thẩm định thiết kế xây dựng của các công trình còn lại (trừ các công trình quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 26 Nghị định 59/2015/NĐ-CP), phần thiết kế công nghệ (nếu có) và dự toán xây dựng.
Thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư:
Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình.