Chức năng chính của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quản lý hoạt động của người dân, đảm bảo thắt chặt mọi hoạt động ở trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật. Để bộ máy quản lý Nhà nước vận hành một cách trơn tru, đạt hiệu quả cao, Nhà nước tiến hành tuyển chọn những cá nhân đủ điều kiện để trực tiếp tham gia vào hệ thống hành chính của nhà nước Việt Nam. Những đối tượng mà người viết nhắc đến ở đây là công chức, viên chức. Dưới đây là bài phân tích làm rõ quy định về tạm đình chỉ công tác đối với công chức, viên chức.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm công chức, viên chức:
– Công chức, viên chức là những tên gọi hết sức quen thuộc, gắn liền với nhận thức và tư duy của người dân. Thực tế, đa phần người dân đều hiểu viên chức, công chức là ai. Tuy nhiên, định nghĩa rõ ràng cho hai tên gọi này không phải ai cũng nắm rõ.
– Theo quy định tại Luật viên chức 2010, viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. Ngạch viên chức là sự phân chia viên chức theo từng nghề nghiệp, chuyên môn và cấp bậc phù hợp của họ. Các chuyên ngành viên chức có thể kể đến một vài ngành như y tế, giáo dục, giải trí, khí tượng… các nhân viên trong cơ quan nhà nước khác. Nhà nước phân định công việc, chức năng của viên chức theo ngạch viên chức. Theo đó: Ngạch viên chức chuyên ngành tương đương với ngạch chuyên viên cấp; Ngạch viên chức chuyên ngành tương đương với ngạch chuyên viên chính; Viên chức chuyên ngành tương đương với ngạch chuyên viên; Ngạch viên chức chuyên ngành tương đương với ngạch cán sự; Ngạch nhân viên.
Như vậy, viên chức là những cá nhân hoạt động trong đơn vị sự nghiệp công lập, tức làm việc trong cơ quan Nhà nước.
– Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 có hiệu lực từ ngày 01/07/2020.
Như vậy, theo khái niệm vừa phân tích ở trên, công chức là các cá nhân hoạt động trong cơ quan của Đảng, Nhà nước. Những đối tượng này chịu trách nhiệm tham gia vào hoạt động quản lý Nhà nước.
Xét về cơ bản, viên chức và công chức có vai trò, ý nghĩa đặc biệt trong hệ thống hành chính của nước ta. Đây là một trong những thành tố quan trọng, tham gia trực tiếp vào công tác vận hành, quản lý Nhà nước.
2. Nhiệm vụ của công chức, viên chức:
Về cơ bản, công chức, viên chức phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ sau đây:
– Thứ nhất, cán bộ công chức, viên chức phải thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
– Thứ hai, cán bộ công chức, viên chức phải có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước.
– Thứ ba, trong công tác hoạt động, viên chức, công chức phải chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản Nhà nước được giao; chấp hành quyết định của cấp trên.
– Thứ tư, viên chức, công chức là những cá nhân hoạt động trong bộ máy Nhà nước. Trong quá trình hoạt động, khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì viên chức, công chức phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định.
– Trong một số trường hợp nhất định, viên chức, công chức có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức.
Trên đây là những nhiệm vụ chủ yếu, mang tính trọng tâm mà viên chức, công chức phải thực hiện. Hay nói cách khác, những trách nhiệm, nghĩa vụ này mang tính khuôn khổ bắt buộc mà tất cả viên chức, công chức phải nghiêm chỉnh chấp hành thực hiện. Khi đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ này, viên chức, công chức sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần to lớn vào việc quản lý đất nước, thúc đẩy sự phát triển chung của kinh tế, xã hội.
3. Quy định về tạm đình chỉ công tác đối với công chức, viên chức:
Như đã phân tích ở trên, viên chức, công chức có vai trò đặc biệt quan trọng trọng hệ thống quản lý Nhà nước của cơ quan Nhà nước. Chính vì vai trò đặc biệt quan trọng của mình, nên viên chức, công chức phải tuân thủ đầy đủ những nguyên tắc hoạt động nhất định theo quy định của Nhà nước và pháp luật. Trong trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ của mình; hoặc có hành vi vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, viên chức, công chức có thể bị đình chỉ công tác.
Nhà nước đã đưa ra những quy định cụ thể và rõ ràng về việc đình chỉ công tác đối với công chức, viên chức. Cụ thể như sau:
3.1. Thời hạn tạm đình chỉ công tác đối với công chức, viên chức:
– Điều 54 Luật viên chức 2010 đã quy định về việc tạm đình chỉ công tác đối với viên chức.
+ Theo đó, trong thời hạn xử lý kỷ luật, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định tạm đình chỉ công tác của viên chức nếu thấy viên chức tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật.
+ Thời gian tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng không quá 30 ngày. Hết thời gian tạm đình chỉ công tác, nếu viên chức không bị xử lý kỷ luật thì được bố trí vào vị trí việc làm cũ. + Đồng thời, trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác, viên chức được hưởng lương theo quy định của Chính phủ.
– Hết thời gian tạm đình chỉ công tác, nếu viên chức không bị xử lý kỷ luật thì được bố trí vào vị trí việc làm cũ
3.2. Mức lương công chức, viên chức được hưởng trong thời gian tạm đình chỉ công tác:
– Theo quy định tại Điều 23 Nghị định 27 năm 2012, Chính Phủ đã đưa ra một số quy định liên quan đến việc đình chỉ công tác viên chức, công chức như sau:
+ Viên chức được hưởng 50% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề;
+ Đối với viên chức không bị kỷ luật hoặc được kết luận là oan, sai thì sẽ được truy lĩnh 50% còn lại của mức lương hiện hưởng và các khoản phụ cấp khác trong thời gian tạm đình chỉ công tác;
+ Đối với viên chức bị kỷ luật thì sẽ không được truy lĩnh 50% còn lại của mức lương hiện hưởng và các khoản phụ cấp trong thời gian tạm đình chỉ công tác.
3.3. Ý nghĩa của việc tạm đình chỉ công tác đối với công chức, viên chức:
Những quy định trên của Nhà nước mang tính quy chuẩn, để từng bộ phận cơ quan ban ngành căn cứ vào, đưa ra quyết định xử lý đối với từng trường hợp cụ thể. Đồng thời, nó cũng được xem là cơ sở để viên chức, công chức nhìn nhận vào, điều chỉnh hoạt động của bản thân sao cho phù hợp với nguyên tắc nghề nghiệp, cũng như các quy định chung mà Nhà nước đưa ra, tránh trường hợp xảy ra những vi phạm không đáng có.
Quy định về tạm đình chỉ công tác đối với viên chức, công chức mang tính răn đe cao, để cơ quan có thẩm quyền tiến hành biện pháp xử lý đối với cá nhân vi phạm. Nó tạo nên tính kỷ luật cao trong hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy, Nhà nước đã đưa ra những quy định cụ thể và rõ ràng về việc đình chỉ công tác đối với công chức, viên chức. Những quy định mà Nhà nước đưa ra mang tính khách quan cao. Điều này góp phần bảo đảm tính công bằng, khách quan trong việc xử lý viên chức, công chức vi phạm. Hơn tất cả, nó tạo nên hệ thống bộ máy hành chính Việt Nam vận hành một cách trơn tru, xử lý đúng người đúng tội; góp phần mạnh mẽ trong việc thúc đẩy sự phát triển chung của kinh tế xã hội nước nhà.