Khái quát về hợp đồng lao động? Thủ tục sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động? Hậu quả pháp lý khi sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động?
Mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động được bảo đảm dựa vào hợp đồng lao động- đây là phương tiện pháp lý quan trọng ghi nhận quyền và nghĩa vụ của các bên, là cơ sở để giải quyết các tranh chấp lao động có thể xảy ra và là căn cứ để người lao động bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chính mình. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bên, khi gặp những vấn đề khách quan hay chủ quan muốn thay đổi một số điều khoản hợp đồng nhưng lại không muốn ký hợp đồng mới, pháp luật cho phép các bên có quyền sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động. Bởi đã tác động vào hợp đồng lao động, do đó sẽ có các hậu quả pháp lý phát sinh từ hành vi này. Vậy hậu quả đó là gì? thủ tục để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động như thế nào? Luật Dương Gia sẽ trả lời câu hỏi đó ngay trong bài viết dưới đây.
Tổng đài Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.6568
1. Khái quát về hợp đồng lao động?
Khái niệm về hợp đồng lao động cũng có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hợp đồng lao động là:“Một thỏa thuận ràng buộc pháp lý giữa một người sử dụng lao động và một công nhân, trong đó xác lập các điều kiện và chế độ việc làm”. Ưu điểm của định nghĩa này là nêu bật được bản chất của hợp đồng lao động cũng giống như các loại hợp đồng khác, đó là sự ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên. Tuy nhiên, nhược điểm của định nghĩa trên là mới chỉ đề cập tới chủ thể người lao động là công nhân.
Pháp luật của nước Pháp coi nguồn gốc của HĐLĐ là hợp đồng dân sự. Án lệ nước này ghi nhận “hợp đồng lao động là sự thỏa thuận theo đó một người cam kết tiến hành một hoạt động theo sự chỉ đạo của người khác, lệ thuộc vào người đó và được trả công” (án lệ ngày 2/7/1954).
Ở Việt Nam, khái niệm hợp đồng lao động đã được quy định lần đầu tiên tại Sắc lệnh 29-SL ngày 12/3/1947 và đều được quy định trong tất các các văn bản về lao động sau này đều có quy định về khái niệm này. Bộ luật lao động hiện hành giải thích hợp đồng lao động rằng: “Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.”
Như vậy, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện giữa người lao động và người sử dụng lao động về các nội dung của hợp đồng. Trong đó, người lao động chịu sự quản lý của người sử dụng lao động, cam kết làm một hoặc một số công việc để hưởng lương và thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo thỏa thuận.
Hợp đồng lao động mang những đặc điểm sau:
Thứ nhất, trong hợp đồng lao động có sự phụ thuộc pháp lí của người lao động với người sử dụng lao động. Hợp đồng lao động là loại hợp đồng mang yếu tố quản lý.
Thứ hai, đối tượng của hợp đồng lao động là việc làm có trả công, tiền lương.
Thứ ba, hợp đồng lao động do đích danh người lao động thực hiện.Trong hợp đồng lao động người lao động là người giao kết và thực hiện hợp đồng không được giao cho người khác nếu không có sự đồng ý của người sử dụng lao động.
Thứ tư, hợp đồng lao động được thực hiện liên tục trong thời gian nhất định hay vô hạn định. Thời hạn của hợp đồng có thể được xác định ngay trong nội dung của hợp đồng, là ngày mà hợp đồng có hiệu lực cho tới một thời điểm nào đó.
Ý nghĩa của hợp đồng lao động:
Thứ nhất, hợp đồng lao động là hình thức pháp lý của sự thoả thuận giữa các bên trong quan hệ lao động. Hợp đồng lao động ghi nhận những cam kết làm cơ sở cho việc thực hiện và đảm bảo các quyền, nghĩa vụ của các bên. Các cam kết là cơ sở căn bản thể hiện ý chí của các bên. Nó thể hiện sự bình đẳng, tự do của người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình xác lập và duy trì mối quan hệ lao động.
Thứ hai, hợp đồng lao động là cơ sở để giải quyết các chế độ liên quan đến người lao động, đặc biệt là chế độ bảo hiểm xã hội, bởi vì các yếu tố về tiền lương thể hiện trong hợp đồng lao động là điều kiện quan trọng để xác định mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động và được sử dụng như là cơ sở căn bản để tính toán mức đóng và mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động. Vì vậy, người lao động cần phải ký hợp đồng lao động để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ ba, hợp đồng lao động là cơ sở pháp lý căn bản để giải quyết các bất đồng, tranh chấp giữa hai bên trong quan hệ lao động. Đặc biệt, hợp đồng lao động bằng văn bản vừa đóng vai trò là chứng cứ, vừa đóng vai trò là “quy phạm” để giải quyết các vụ việc tranh chấp. Đồng thời, hợp đồng lao động là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để Nhà nước kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật lao động.
2. Thủ tục sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động?
Sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động là hoạt động được tiến hành giữa người sử dụng lao động và người lao động, là việc thay đổi một hoặc một số điều của hợp đồng lao động nhằm làm cho hợp đồng này phù hợp với thực tế và thỏa mãn nhu cầu của hai bên.
Nội dung về thủ tục sửa đổi, bổ sung hợp đồng được quy định trong
“1. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
2. Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết
3. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.”
Như vậy, căn cứ vào điều luật trên, tác giả đưa ra một số phân tích như sau:
Thứ nhất, trong quá trình thực hiện hợp đồng, người lao động hoặc người sử dụng lao động đều có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động. Việc sửa đổi, bổ sung thường áp dụng với một hoặc một số điều của hợp đồng lao động và những điều này không làm thay đổi cơ bản nội dung hợp đồng lao động.
Thứ hai, chủ thể nào có nhu cầu sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động thì phải báo trước ít nhất 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Đây là khoảng thời gian quan trọng nhằm đảm bảo cho bên còn lại có thời gian suy nghĩ và quyết định về việc thay đổi nội dung hợp đồng lao động.
Thứ ba, việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng- điều này cũng được nhắc đến tại Điều 22, Bộ luật lao động “Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động. Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung điều, khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.”
Nhìn chung, trên thực tế, thường các bên sẽ sử dụng phụ lục hợp đồng trong trường hợp sửa đổi, bổ sung một hoặc một số điều khoản nhất định của hợp đồng lao động đang thực hiện mà không ảnh hưởng tới các điều khoản khác. Trường hợp có sự thay đổi căn bản nội dung của hợp đồng hai bên sẽ ký hợp đồng lao động mới để thay thế.
3. Hậu quả pháp lý khi sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động?
Như trước đó đã nhắc đến, sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động là việc “tác động” vào nội dung hợp đồng lao động, điều đó dẫn đến những hậu quả pháp lý được áp dụng đối với cả hai bên.
– Trước hết, nội dung sửa đổi, bổ sung phải phù hợp với quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, thỏa ước lao động tập thể, việc đi ngược lại với các nội dung này có thể dẫn đến nội dung sửa đổi, bổ sung bị vô hiệu.
– Thứ hai, trường hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.
– Thứ ba, trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.
– Thứ tư, việc sửa đổi nội dung hợp đồng làm chấm dứt hiệu lực nội dung trước khi bị sửa đổi và phải áp dụng nội dung quy định mới.
Như vậy, có thể thấy rằng, việc thực hiện sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động tạo điều kiện cho các bên nhanh chóng thỏa thuận các nội dung không còn phù hợp, đáp ứng được nguyện vọng của cả hai khi tiến hành xác lập một quan hệ lao động lâu dài.