Bộ giao thông vận tải quy định rất cụ thể và chặt chẽ về khoảng cách hành lang an toàn đường bộ, bài viết dưới đây sẽ làm rõ vấn đề đó:
Mục lục bài viết
- 1 1. Thế nào là hành lang an toàn đường bộ?
- 2 2. Quy định về khoảng cách hành lang an toàn đường bộ:
- 3 3. Đất hành lang an toàn đường bộ có thuộc phần đất dành cho đường bộ?
- 4 4. Lấn, chiếm hành lang an toàn đường bộ bị xử phạt bao nhiêu?
- 5 5. Quy định về việc sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ:
1. Thế nào là hành lang an toàn đường bộ?
Căn cứ khoản 5 Điều 3 Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-VPQH 2019 Luật giao thông đường bộ quy định hành lang an toàn đường bộ chính là một dải đất dọc hai bên đất của đường bộ nhằm mục đích bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và được tính từ mép ngoài đất của đường bộ ra hai bên.
2. Quy định về khoảng cách hành lang an toàn đường bộ:
Giới hạn hành lang an toàn đường bộ được quy định như sau:
– Đối với đường ngoài đô thị: phạm vi hành lang an toàn đường bộ có bề rộng tính từ đất của đường bộ trở ra mỗi bên căn cứ vào cấp kỹ thuật của đường theo quy hoạch, cụ thể:
+ Với đường cấp I, cấp II: 17 mét.
+ Với đường cấp III: 13 mét.
+ Với đường cấp IV, cấp V: 09 mét.
+ Với đường có cấp thấp hơn cấp V: 04 mét.
– Đối với đường đô thị: theo quy định giới hạn hành lang an toàn đường bộ chính là chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Đối với đường cao tốc ngoài đô thị:
+ Tính từ đất của đường bộ ra mỗi bên sẽ là 17 mét.
+ Tính từ mép ngoài của kết cấu ngoài cùng ra mỗi bên đối với cầu cạn và hầm sẽ là 20 mét.
+ Căn cứ vào cấp kỹ thuật của đường bên để xác định hành lang an toàn đối với trường hợp đường cao tốc có đường bên, tuy nhiên không được nhỏ hơn giới hạn hành lang an toàn.
– Đối với đường cao tốc trong đô thị:
+ Với hầm và cầu cạn: sẽ không được nhỏ hơn 10 mét tính từ mép ngoài của kết cấu ngoài cùng ra mỗi bên.
+ Với hầm và cầu cạn có đường bên và đường cao tốc có đường bên: sẽ là chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Với đường cao tốc không có đường bên: tính từ mép ngoài của mặt đường đến chỉ giới đường đỏ, nhưng không nhỏ hơn 10 mét.
– Đối với đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang an toàn đường sắt:
Ranh giới quản lý được phân định dựa trên nguyên tắc là ưu tiên bố trí hành lang an toàn cho đường sắt, nhưng ranh giới hành lang an toàn dành cho đường sắt không được chồng lên công trình đường bộ.
Lưu ý: với trường hợp đường bộ, đường sắt liền kề và chung nhau rãnh dọc: khi đó ranh giới hành lang an toàn là mép đáy rãnh phía nền đường cao hơn. Ngoài ra, ranh giới hành lang an toàn là mép đáy rãnh phía đường sắt nếu như cao độ bằng nhau.
– Đối với đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang bảo vệ đường thủy nội địa:
Khi đó xác định ranh giới hành lang an toàn là mép bờ tự nhiên.
3. Đất hành lang an toàn đường bộ có thuộc phần đất dành cho đường bộ?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 43 Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-VPQH 2019 Luật giao thông đường bộ thì phạm vi đất dành cho đường bộ sẽ bao gồm đất của đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ.
Do đó, đất hành lang an toàn đường bộ sẽ thuộc phần đất dành cho đường bộ.
Lưu ý:
– Đối với phạm vi đất dành cho đường bộ: người dân tuyệt đối không được phép xây dựng các công trình khác. Tuy nhiên có ngoại lệ là một số những công trình thiết yếu không thể bố trí ngoài phạm vi đất dành cho đường bộ thì vẫn được phép xây, việc xây dựng này phải được sự cho phép và chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Cụ thể một số công trình được phép xây dựng như công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, công trình phục vụ quản lý, khai thác đường bộ, công trình viễn thông, điện lực, đường ống cấp, thoát nước, xăng, dầu, khí.
– Đối với phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ: sẽ được thực hiện theo quy định tương tự với phạm vi đất dành cho đường bộ.
Bên cạnh đó sẽ được tạm thời sử dụng vào mục đích nông nghiệp, quảng cáo nhưng không được làm ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ. Đối với việc đặt biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản.
Với những cá nhân, hộ gia đình được được cấp Giấy chứng nhận hoặc được Nhà nước thừa nhận nhưng đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ thì vẫn sẽ được phép sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và đảm bảo không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ.
Chủ công trình và người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục nếu như việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ. Trường hợp không tự khắc phục được thì cơ quan Nhà nước sẽ thực hiện thu hồi đất và bồi thường theo quy định của pháp luật.
4. Lấn, chiếm hành lang an toàn đường bộ bị xử phạt bao nhiêu?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-VPQH 2019 Luật giao thông đường bộ thì hành vi lấn, chiếm hành lang an toàn đường bộ là hành vị bị nghiêm cấm.
Do đó, nếu cá nhân, tổ chức nào có hành vi lấn, chiếm hành lang an toàn đường bộ thì sẽ bị xử phạt, cụ thể là:
– Mức phạt tiền đối với cá nhân từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng; đối với tổ chức từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng:
+ Sử dụng, khai thác tạm thời trên đất hành lang an toàn đường bộ vào mục đích canh tác nông nghiệp làm ảnh hưởng đến an toàn công trình đường bộ và an toàn giao thông.
(căn cứ điểm a khoản 2 Điều 12
– Mức phạt tiền đối với cá nhân từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng; đối với tổ chức từ 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng:
+ Hành vi tự ý đào, đắp, san, lấp mặt bằng trong: Hành lang an toàn đường bộ, phần đất dọc hai bên đường bộ dùng để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ.
(căn cứ điểm b khoản 6 Điều 12
+ Hành vi sử dụng trái phép đất của đường bộ hoặc hành lang an toàn đường bộ làm nơi tập kết hoặc trung chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng khác.
(căn cứ điểm d khoản 6 Điều 12 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP).
– Mức phạt tiền đối với cá nhân từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng; đối với tổ chức từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng:
+ Khi chưa được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản đã thực hiện hành vi dựng biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ.
+ Dựng biển quảng cáo trên phần đất dọc hai bên đường bộ dùng để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ.
(căn cứ điểm b khoản 8 Điều 12 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP).
– Mức phạt tiền đối với cá nhân từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng; đối với tổ chức từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng:
Khi thực hiện hành vi chiếm dụng đất của đường bộ hoặc đất hành lang an toàn đường bộ để xây dựng nhà ở.
(căn cứ điểm a khoản 9 Điều 12 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP).
5. Quy định về việc sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ:
Trong phạm vi đất dành cho đường bộ có thể được sử dụng vào các hoạt động, mục đích sau:
– Sử dụng đường bộ vào các hoạt động văn hóa như thể thao, diễu hành, lễ hội. Muốn được thực hiện các hoạt động này thì cơ quan, tổ chức có nhu cầu gửi văn bản đề nghị và phương án bảo đảm an toàn giao thông đến cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền trước ngày diễn ra hoạt động văn hóa ít nhất là 10 ngày làm việc.
– Sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông.
– Sử dụng tạm thời một phần lòng đường không vào mục đích giao thông đảm bảo không được gây mất trật tự, an toàn giao thông.
– Sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông, giữ xe cũng tuyệt đối không được gây mất trật tự, an toàn giao thông.
– Xử lý các trường hợp đã được cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố.
– Sử dụng đất dành cho đường bộ.
– Thực hiện xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường bộ. Để được thực hiện phải tiến hành lập, duyệt dự án, thiết kế theo quy định và phải có được văn bản chấp thuận ngay từ khi lập dự án đầu tư, hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc báo cáo kinh tế – kỹ thuật của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Khai thác, sử dụng trong phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ.
– Đấu nối vào quốc lộ.
– Thực hiện thi công công trình trên đường bộ đang khai thác.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-VPQH 2019 Luật giao thông đường bộ.