Quy định của Luật dân sự về hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện. Hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện có hiệu lực khi đáp ứng điều kiện nào?
Theo quy định tại Điều 465, “Bộ luật dân sự 2015 ” thì :
“Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận”.
Đối với hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện, được quy định tại Điều 470, “Bộ luật dân sự 2015”:
“1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
2. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
3. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Cùng đặc điểm, tính chất với hợp đồng tặng cho tài sản thông thường, hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện là hợp đồng thực tế.Theo đó, thời điềm giao kết không làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng mà chỉ khi bên tặng cho giao tài sản và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho thì hợp đồng mới phát sinh hiệu lực. Tuy nhiên, với quy định tại Điều 470 Bộ luật dân sự 2005 cần lưu ý một số vấn đề về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện như sau:
Trường hợp 1: nghĩa vụ, công việc phải được thực hiện trước và đã hoàn thành nhưng bên tặng cho không giao tài sản tặng cho: Lúc này bên được tặng cho không thể nói là bên tặng cho vi phạm hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại cho mình bởi hợp đồng tặng cho chưa phát sinh hiệu lực. Trường hợp này, pháp luật chỉ yêu cầu bên tặng cho phải thanh toán chi phí thực hiện nghĩa vụ cho bên được tặng cho. Đến đây, hợp đồng tặng cho ban đầu dường như là một hợp đồng dịch vụ, và khi có tranh chấp sẽ áp dụng các quy định của hợp đồng dịch vụ để giải quyết. Quy định như vậy là hợp lý, bởi theo quy định của pháp luật về sở hữu, chủ sở hữu tài sản có toàn quyền định đoạt đối với tài sản của mình. Do đó, họ có quyền tặng cho, bán, tiêu hủy… tài sản tùy ý. Hơn nữa, trong thời gian bên được tặng cho thực hiện nghĩa vụ hợp đồng tặng cho không hề phát sinh hiệu lực, tài sản vẫn thuộc sở hữu của bên tặng cho nên họ có toàn quyền với tài sản, được cân nhắc quyết định có hay không tặng cho.

>>> Luật sư
Trường hợp 2, nghĩa vụ phải thực hiện sau khi tặng cho nhưng bên được tặng cho không thực hiện. Lúc này, hợp đồng tặng cho đã phát sinh hiệu lực nhưng chưa chấm dứt bởi còn chờ điều kiện do các bên thỏa thuận xảy ra. Hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp này phụ thuộc vào việc thực hiện nghĩa vụ của bên được tặng cho: nghĩa vụ hoàn thành, hợp đồng chấm dứt; nghĩa vụ không được hoàn thành hợp đồng bị hủy bỏ. Do đó, luật ghi nhận quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại cho bên có tài sản tặng cho.
Xem thêm: Quy định của pháp luật về hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất