Công chức không chỉ là người lao động đơn thuần mà còn là người thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn mà nhân dân giao phó và chịu trách nhiệm trước pháp luật, Đảng và nhân dân. Khi công chức vi phạm sẽ bị kỷ luật, Vậy hội đồng kỷ luật công chức là gì? Quy định về Hội đồng kỷ luật công chức như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hội đồng kỷ luật công chức là gì?
Công chức theo nghĩa chung là nhân viên trong cơ quan nhà nước, đó là những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào các chức danh trong các cơ quan nhà nước để thực thi hoạt động công vụ và được hưởng lương và các khoản thu nhập từ ngân sách nhà nước.
Hội đồng kỷ luật công chức là hội đồng do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền lập ra để xem xét, xử lý các trường hợp vi phạm kỷ luật của cán bộ công chức trong cơ quan, tổ chức.
2. Hình thức kỷ luật và xử lý kỷ luật đối với công chức:
Khi công chức có hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ phải chịu hình thức kỷ luật tương ứng với hành vi và mức độ của hành vi vi phạm, và phải tuân thủ theo những nguyên tắc, trình tự thủ tục luật định, cụ thể tại Khoản 15 Điều 1 Luật cán bộ, công chức năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định về sửa đổi, bổ sung Điều 79 về Các hình thức kỷ luật đối với công chức như sau:
“Điều 79. Các hình thức kỷ luật đối với công chức
1. Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Hạ bậc lương;
d) Giáng chức;
đ) Cách chức;
e) Buộc thôi việc.
2. Hình thức giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hình thức hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
3. Công chức bị
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.
Theo quy định trên thì các hình thức kỷ luật công chức bao gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc.
Việc xử lý kỷ luật công chức thì phải theo trình tự, thủ tục nhất định, được quy định tại Điều 25 Nghị định 112/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể như sau:
“Điều 25. Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức
Việc xử lý kỷ luật đối với công chức được thực hiện theo các bước sau đây:
1. Tổ chức họp kiểm điểm;
2. Thành lập Hội đồng kỷ luật;
3. Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.
Trường hợp xử lý kỷ luật theo quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này thì không thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.
Trường hợp công chức có hành vi vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng thì không thực hiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này“.
Như vậy theo khoản 2 Điều 25 Nghị định 112/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thì khi xử lý kỷ luật công chức phải thành lập Hội đồng kỷ luật.
3. Thành phần và nguyên tắc làm việc Hội đồng kỷ luật công chức:
3.1. Về thành phần của Hội đồng kỷ luật công chức có hành vi vi phạm pháp luật:
Thành phần của Hội đồng kỷ luật được quy định tại Điều 28 Nghị định 112/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể như sau:
Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, Hội đồng kỷ luật có 05 thành viên, bao gồm:
- Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan quản lý công chức hoặc cơ quan được phân cấp quản lý công chức;
- 01 Ủy viên Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng công chức;
- 01 Ủy viên Hội đồng là đại diện cấp ủy của cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng công chức;
- 01 Ủy viên Hội đồng là đại diện Ban chấp hành công đoàn của cơ quan quản lý công chức hoặc cơ quan được phân cấp quản lý công chức;
- 01 Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là đại diện cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan quản lý công chức hoặc cơ quan được phân cấp quản lý công chức.
Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, Hội đồng kỷ luật có 05 thành viên, bao gồm:
- Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan quản lý công chức hoặc cơ quan được phân cấp quản lý công chức;
- 01 Ủy viên Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng công chức;
- 01 Ủy viên Hội đồng là đại diện tổ chức đảng của cơ quan quản lý công chức hoặc cơ quan được phân cấp quản lý công chức;
- 01 Ủy viên Hội đồng là đại diện Ban chấp hành công đoàn của cơ quan quản lý công chức hoặc cơ quan được phân cấp quản lý công chức;
- 01 Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là đại diện cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan quản lý công chức hoặc cơ quan được phân cấp quản lý công chức.
Đối với công chức cấp xã, Hội đồng kỷ luật có 05 thành viên, bao gồm:
- Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- 01 Ủy viên Hội đồng là đại diện Liên đoàn lao động cấp huyện;
- 01 Ủy viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo của Ủy ban nhân dân cấp xã có công chức bị xem xét xử lý kỷ luật;
- 01 Ủy viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo phòng chuyên môn cấp huyện trực tiếp quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ của công chức cấp xã bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc đại diện lãnh đạo Ban chỉ huy quân sự cấp huyện trong trường hợp công chức vi phạm là Chỉ huy trưởng quân sự cấp xã, đại diện lãnh đạo Công an huyện trong trường hợp công chức vi phạm là trưởng công an xã (áp dụng đối với xã, thị trấn chưa tổ chức công an chính quy theo quy định của
Luật công an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018); - 01 Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là đại diện lãnh đạo Phòng Nội vụ cấp huyện.
Ngoài ra, cần chú ý không được cử vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hành vi vi phạm của công chức bị xem xét xử lý kỷ luật là thành viên Hội đồng kỷ luật.
Trường hợp người đứng đầu hoặc tất cả cấp phó của người đứng đầu cơ quan quản lý công chức hoặc cơ quan được phân cấp quản lý công chức là người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hành vi vi phạm của công chức bị xem xét xử lý kỷ luật thì lãnh đạo cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan quản lý công chức hoặc cơ quan được phân cấp quản lý công chức là Chủ tịch Hội đồng. Trường hợp người đứng đầu hoặc tất cả cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng công chức là người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hành vi vi phạm của công chức bị xem xét xử lý kỷ luật thì cử 01 công chức của cơ quan trực tiếp sử dụng công chức có hành vi vi phạm thay thế.
3.2. Về nguyên tắc làm việc Hội đồng kỷ luật công chức có hành vi vi phạm pháp luật:
Nguyên tắc làm việc của Hội đồng kỷ luật công chức có hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại Điều 27 Nghị định 112/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể như sau:
“Điều 27. Hội đồng kỷ luật công chức
1. Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo và biên bản cuộc họp kiểm điểm, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật để tư vấn về việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với công chức có hành vi vi phạm, trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng kỷ luật
a) Hội đồng kỷ luật họp khi có từ 03 thành viên trở lên tham dự, trong đó phải có Chủ tịch Hội đồng và Thư ký Hội đồng.
b) Hội đồng kỷ luật kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật thông qua bỏ phiếu kín.
c) Việc họp Hội đồng kỷ luật phải được lập thành biên bản, trong đó thể hiện rõ ý kiến của các thành viên dự họp và kết quả bỏ phiếu kiến nghị hình thức kỷ luật.
d) Hội đồng kỷ luật tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
3. Các trường hợp không thành lập Hội đồng kỷ luật
a) Đã có kết luận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi vi phạm, trong đó có đề xuất hình thức kỷ luật.
b) Đã có quyết định xử lý kỷ luật đảng.
Các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này được sử dụng kết luận về hành vi vi phạm mà không phải điều tra, xác minh lại“.
Theo đó, tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 112/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thì Hội đồng kỷ luật họp khi có từ 03 thành viên trở lên tham dự, trong đó phải có Chủ tịch Hội đồng và Thư ký Hội đồng; Hội đồng kỷ luật kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật thông qua bỏ phiếu kín; Việc họp Hội đồng kỷ luật phải được lập thành biên bản, trong đó thể hiện rõ ý kiến của các thành viên dự họp và kết quả bỏ phiếu kiến nghị hình thức kỷ luật; Hội đồng kỷ luật tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.