Quy định về các hình thức phát triển nhà ở xã hội? Các hình thức phát triển nhà ở xã hội?
Chúng ta đều biết, nhà ở là một hàng hóa đặc biệt có những vai trò quan trọng đáp ứng một trong những nhu cầu thiết yếu của con người. Nhà ở là tài sản có giá trị lớn của mỗi hộ gia đình hay các cá nhân. Chính bởi vì thế, việc phát triển nhà ở với chất lượng tốt, nâng cao điều kiện sống cho người dân luôn được các quốc gia trên thế giới vô cùng quan tâm.
Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các chính sách phát triển nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng với hàng loạt các cơ chế, chính sách ưu đãi trong lĩnh vực nhà ở xã hội. Trong những năm gần đây những chương trình phát triển nhà ở xã hội được triển khai đã mang lại những kết quả tích cực, những hiệu quả quan trọng về an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về các hình thức phát triển nhà ở xã hội.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Quy định về các hình thức phát triển nhà ở xã hội:
Phát triển là khuynh hướng vận động đã xác định về hướng của sự vật theo hướng đi từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn. Nhưng nếu hiểu sự vận động phát triển một cách toàn diện, sâu sắc thì tự bản thân sự vận động phát triển đã bao hàm sự vận động thụt lùi, đi xuống với nghĩa là tiền đề, điều kiện cho sự vận động đi lên, hoàn thiện.
Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của
Nhà ở xã hội dành cho những đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà xã hội. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà ở xã hội có nhiều hình thức phát triển khác nhau theo quy định tại Điều 53 Luật nhà ở năm 2014 có nội dung cơ bản như sau:
“Điều 53. Các hình thức phát triển nhà ở xã hội
1. Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước hoặc đầu tư xây dựng theo hình thức
2. Doanh nghiệp, hợp tác xã bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua, để bán hoặc mua, thuê nhà ở để cho người lao động trong đơn vị mình thuê nhưng có sự ưu đãi của Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 58 và Điều 59 của Luật này.
3. Hộ gia đình, cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên diện tích đất ở hợp pháp của mình để cho thuê, cho thuê mua, bán nhưng có sự ưu đãi của Nhà nước theo quy định tại Điều 58 của Luật này.”
Như vậy, pháp luật hiện hành đã đưa ra quy định cụ thể về các hình thức phát triển nhà ở xã hội. Việc phát triển nhà ở xã hội đã tạo điều kiện tốt hơn để tái sản xuất sức lao động, gián tiếp nâng cao năng suất lao động của người dân, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Không những thế, việc Nhà nước đưa ra các chính sách tạo sự an tâm về nơi ở không chỉ giúp tăng chi tiêu, kích thích thị trường mà còn tăng cường sự hòa nhập xã hội, giảm sự mâu thuẫn giữa các nhóm người hoặc giữa các nhóm người với chính quyền quốc gia.
2. Các hình thức phát triển nhà ở xã hội:
Theo quy định của pháp luật, các hình thức phát triển nhà ở xã hội được quy định như sau:
– Thứ nhất: nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước hoặc đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao trên diện tích đất được xác định để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định để cho thuê, cho thuê mua.
Trong đó:
+ Vốn ngân sách Nhà nước được hiểu là tất cả các nguồn vốn được tính dựa trên các khoản thu, chi của Nhà nước, trong đó bao gồm các nguồn từ ngân sách trung ương tới ngân sách địa phương.
Nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm tài chính mà trong đó nguồn vốn chỉ được bảo đảm để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. Nguồn vốn ngân sách nhà nước chủ yếu xuất phát từ các khoản thuế, phát hành tiền, lệ phí, phát hành tiền, nhận viện trợ, bán tài sản và đóng góp trên cơ sở tự nguyện.
+ Công trái được hiểu là khoản nợ vay của nhà nước hoặc khoản nợ vay của chính quyền địa phương để nhằm chi tiêu cho mục đích công là hình thức tín dụng nhà nước, công trái có thể được coi là một biện pháp để chính phủ huy động nguồn lực tài chính của các thành phần trong xã hội để từ đó thực hiện những mục tiêu công của nhà nước đã đề ra trước đó.
+ Trái phiếu được hiểu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành buộc phải trả cho các chủ thể là người sở hữu trái phiếu với một khoản tiền cụ thể trong một khoảng thời gian xác định, với một lợi tức theo quy định của pháp luật. Chủ thể là người phát hành có thể là doanh nghiệp hay một tổ chức chính quyền như chính quyền và Kho bạc nhà nước.
+ Vốn vay ưu đãi được hiểu là nguồn vốn của nhà tài trợ nước ngoài cung cấp cho Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để hỗ trợ phát triển, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội.
+ Tín dụng đầu tư phát triển đươc hiểu là tín dụng do Nhà nước thực hiện nhằm mục đích để hỗ trợ các dự án đầu tư phát triển của các thành phần kinh tế thuộc một số ngành, lĩnh vực, chương trình kinh tế lớn của Nhà nước và các vùng khó khăn cần khuyến khích.
Như vậy, thực chất thì tín dụng đầu tư của Nhà nước là sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các hình thức tín dụng để tài trợ các dự án đầu tư phát triển thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, khu vực Nhà nước cần khuyến khích đầu tư. Hoạt động quản lý vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước hiện nay được thực hiện thông qua hệ thống Ngân hàng phát triển và việc tổ chức triển khai công tác tín dụng đầu tư của Nhà nước. Nguồn vốn tín dụng đầu tư là một kênh vốn có những vai trò quan trọng của vốn Nhà nước vè đáp ứng cho đầu tư phát triển ngoài các kênh vốn khác như vốn ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ,…
Ta nhận thấy, vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước có những đặc điểm khác biệt so với vốn tín dụng thương mại, được thực hiện bởi những chính sách riêng về huy động vốn, phương thức tổ chức thực hiện, đối tượng được sử dụng, cách thức hỗ trợ…
– Thứ hai: Doanh nghiệp, hợp tác xã bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua, để bán hoặc mua, thuê nhà ở để cho người lao động trong đơn vị mình thuê nhưng có sự ưu đãi của Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 58 và Điều 59 của Luật nhà ở năm 2014.
Doanh nghiệp, hợp tác xã khi thấy đủ điều kiện thì có thể bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng được thuê, thuê mua hoặc được mua theo quy định của pháp luật đặc biệt là đối với những người lao động trong đơn vị mình.
Cụ thể, tại Điều 58 Luật nhà ở năm 2014 quy định các doanh nghiệp, hợp tác xã bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua, để bán hoặc mua, thuê nhà ở để cho người lao động trong đơn vị mình thuê thì được hưởng các ưu đãi sau đây:
+ Các doanh nghiệp, hợp tác xã này sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
+ Các doanh nghiệp, hợp tác xã này sẽ được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; trong trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán.
+ Các doanh nghiệp, hợp tác xã này sẽ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam; trong trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán.
+ Các doanh nghiệp, hợp tác xã này sẽ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí này;
+ Các doanh nghiệp, hợp tác xã này sẽ được hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, theo Điều 59 Luật nhà ở năm 2014 quy định về ưu đãi đối với tổ chức tự lo chỗ ở cho người lao động có nội dung như sau:
+ Đối với trường hợp các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất công nghiệp, dịch vụ tự mua nhà ở hoặc thuê nhà ở để bố trí cho người lao động của doanh nghiệp mình ở mà không thu tiền thuê nhà hoặc có thu tiền thuê nhà với giá thuê không vượt quá giá thuê nhà ở xã hội do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành thì chi phí mua nhà ở hoặc thuê nhà ở sẽ được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
+ Còn đối với trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất công nghiệp, dịch vụ tự đầu tư xây dựng nhà ở để bố trí cho người lao động của doanh nghiệp mình ở mà không thu tiền thuê nhà hoặc có thu tiền thuê nhà với giá thuê không vượt quá giá thuê nhà ở xã hội do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành thì ngoài các ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật nhà ở năm 2014, doanh nghiệp này còn được tính chi phí xây dựng nhà ở vào giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
– Thứ ba: Hộ gia đình, cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên diện tích đất ở hợp pháp của mình để cho thuê, cho thuê mua, bán nhưng có sự ưu đãi của Nhà nước theo quy định tại Điều 58 của Luật nhà ở năm 2014.
Như vậy, ta nhận thấy, Nhà nước đã ban hành quy định về các hình thức phát triển nhà ở xã hội. Trong đó Nhà nước ta cũng đặc biệt quan tâm đến việc đưa ra các ưu đãi cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân. Cụ thể bằng nhiều nguồn lực lớn được huy động thì các chương trình phát triển nhà ở xã hội trên đất nước ta đã được triển khai đã mang lại những kết quả tích cực, những hiệu quả quan trọng không chỉ về ý nghĩa xã hội mà còn là lời khẳng định cho chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.