Quy định nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý thuế? Khó khăn trong công tác quản lý thuế?
Hiện nay như chúng ta đã biết thì vai trò của thuế đối với nền kinh tế và với xã hội là rất quan trọng, đóng góp phần vào công việc chung của đất nước, các khoản thu về thuế đối với thời kì phát triển kinh tế và với rất nhiều các lĩnh vực và quy mô lớn về thuế hiện nay cần có sự quản lý chặt chẽ và đảm bảo thực thi theo các quy định của pháp luật hiện hành một cách tốt nhất có thế thì cần phải nhờ vào cơ quan quản lý thuế.
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Quy định nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý thuế:
Cơ quan thuế có nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại quyết định 41/2018/QĐ-TTgngày 25 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổng cục thuế thuộc bộ tài chính. Theo đó, cơ quan thuế có một số nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
– Ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn, quy trình nghiệp vụ; văn bản quy phạm nội bộ và văn bản cá biệt thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục Thuế.
– Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục Thuế sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt.
– Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Tổng cục Thuế.
– Tổ chức quản lý thuế theo quy định của pháp luật:
+ Hướng dẫn, giải thích chính sách thuế của Nhà nước; tổ chức công tác hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật;
+ Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện quy trình nghiệp vụ về đăng ký thuế, cấp mã số thuế, kê khai thuế, tính thuế, nộp thuế, hoàn thuế, khấu trừ thuế, miễn thuế, xóa nợ tiền thuế, tiền phạt và các nghiệp vụ khác có liên quan;
+ Quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định việc miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, gia hạn thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế, xóa tiền nợ thuế, tiền phạt thuế;
+ Bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế; giữ bí mật thông tin của người nộp thuế; xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế khi có đề nghị theo quy định của pháp luật;
+ Giám định để xác định số thuế phải nộp của người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Ủy nhiệm cho các cơ quan, tổ chức trực tiếp thu một số khoản thuế theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý thuế.
-Áp dụng các biện pháp hành chính để đảm bảo thực thi pháp luật về thuế
– Lập hồ sơ kiến nghị khởi tố các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thuế;
– Thanh tra chuyên ngành thuế; kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật thuế; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng tài sản, kinh phí được giao theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện các nhiệm vụ khác được quy định tại điều 2 quyết định 41/2018/QĐ-TTg và quy định pháp luật khác.
Như chúng ta đã biết thì cơ quan quản lý thuế cao nhất đó là chính phủ và pháp luật cũng đã quy định rất cụ thể về nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan này. cơ quan quản lý thuế. Việc thực hiện mô hình tổ chức bộ máy ngành Thuế trên cơ sở kết hợp giữa việc quản lý theo chức năng và theo đối tượng từ trung ương đến địa phương cũng đã góp phần tăng cường năng lực thực thi, tinh gọn đầu mối, phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế.
Các hoạt động hợp tác, phối hợp với cơ quan thuế các nước/vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, đặc biệt cơ chế trao đổi thông tin trong khuôn khổ Hiệp định thuế được ngành Thuế chú trọng và đẩy mạnh. Việc đàm phán và ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới được tăng cường, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cũng như đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, đảm bảo hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Như vậy thông qua quy định nay ta thấy pháp luật đã đưa ra quy định riêng biệt về nhiệm vụ quyền hạn mà các cơ quan như bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải thực hiện và theo đó cần có giải pháp để thực hiện đúng nhiệm vụ quyền hạn của từng cơ quan để thực hiện cải cách tổng thể hệ thống thuế, xây dựng và vận hành hiệu quả một hệ thống thuế thân thiện với tăng trưởng, có cơ sở thuế rộng, cấu trúc thuế suất phù hợp, đảm bảo tính hiệu quả, công bằng và phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế trong bối cảnh mới, hướng đến việc thiết lập cho được một cơ cấu thu ngân sách nhà nước hợp lý, bền vững, đảm bảo sự hài hòa giữa cơ cấu thu từ các sắc thuế thu nhập, các sắc thuế tiêu dùng và từ tài sản và tài nguyên. Cùng với đó, đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá nhằm ngăn ngừa, hạn chế các hành vi chuyển giá mới, chống xói mòn nguồn thu, xử lý hiệu quả các vấn đề thuế phát sinh trong nền kinh tế số, các giao dịch xuyên biên giới.
Hiện nay, trong xu thế gia tăng toàn cầu hóa về đầu tư và sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ các hoạt động TMĐT qua biên giới, ở nhiều quốc gia, cơ quan thuế đã chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện một số giải pháp để tăng cường hiệu quả việc QLT như: Tăng cường tiếp cận các thông tin về ngân hàng; mở rộng yêu cầu báo cáo về các tổ chức tài chính, các thông tin liên quan đến chuyển tiền qua biên giới và yêu cầu về báo cáo tài sản ở nước ngoài…
2. Khó khăn trong công tác quản lý thuế:
Một là, mức độ liên kết và tích hợp giữa các quy trình hiện nay còn chưa cao do chưa có mô hình tổng thể tái thiết kế các quy trình nghiệp vụ. Thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về cải cách thể chế quản lý thuế. Nhờ đó, hệ thống các quy trình quản lý thuế về cơ bản đã được sửa đổi, bổ sung, đảm bảo khả năng ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, sự không đồng bộ, ổn định của quy trình quản lý thuế, mô hình xử lý dữ liệu trên thực tế đã ảnh hưởng đến việc hiện đại hóa công tác quản lý thuế trong giai đoạn vừa qua.
Hai là, nợ đọng thuế tuy đã giảm so với trước nhưng vẫn còn cao. Thời gian qua, nhiều giải pháp xử lý thu nợ đã được triển khai tích cực song hiệu quả còn chưa cao. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 gây ra nhiều tác động bất lợi, kéo dài đối với sản xuất, kinh doanh trong nước, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh phải ngừng sản xuất kéo dài. Theo dự báo số tiền nợ thuế có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới, do vậy cần sớm có biện pháp quản lý phù hợp.
Ba là, cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ cho công tác quản lý thuế hiện nay còn chưa đầy đủ. Việc thu thập, khai thác thông tin về người nộp thuế phục vụ cho phân tích, đánh giá rủi ro giám sát tuân thủ người nộp thuế chưa thực sự hiệu quả. Kết nối, thu thập, trao đổi, chia sẻ thông tin về người nộp thuế giữa cơ quan thuế với bên thứ ba các bộ, cơ quan, ban, ngành, tổ chức có liên quan trong và ngoài nước) còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong tình hình mới. Mức độ tập trung, chia sẻ cơ sở dữ liệu còn hạn chế. Kinh nghiệm các nước cho thấy, để phương thức quản lý rủi ro có thể vận hành hiệu quả cần phải có một hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, có tính tích hợp cao với hệ thống các cơ sở dữ liệu có liên quan khác.
Bốn là, hệ thống thuế còn phức tạp, nhiều ưu đãi miễn, giảm. Các sắc thuế còn phải đảm nhận nhiều chức năng, nhiệm vụ, chứa đựng nhiều mục tiêu khác nhau. Chi phí của việc áp dụng các chính sách ưu đãi thuế cao, bao gồm cả chi phí quản lý thuế. Vai trò của cơ quan thuế trong việc theo dõi, đánh giá các chính sách ưu đãi thuế còn chưa được quan tâm đúng mức. Cùng với đó, nội hàm của từng sắc thuế trong hệ thống thuế đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý thuế. Đối với thuế giá trị gia tăng, danh mục nhóm hàng hóa và dịch vụ không chịu thuế và được áp dụng mức thuế suất ưu đãi vẫn còn dàn trải. Cách thức đánh thuế đối với các cơ sở không thường trú, các hoạt động kinh tế số cũng cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh để phù hợp với những thay đổi môi trường quốc tế hiện nay. Một số sắc thuế có đối tượng nộp thuế lớn, chi phí quản lý cao nhưng số thuế thu được lại hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý thuế