Ở Việt Nam, chế độ giáo dục đối với người khuyết tật được quy định tại chương IV từ Điều 27 đến Điều 31 Luật người khuyết tật năm 2010.
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chế độ giáo dục đối với người khuyết tật được quy định tại Luật người khuyết tật năm 2010. Ngoài ra chế độ giáo dục đối với người khuyết tật cũng được quy định trong các pháp luật chuyên ngành khác như: Luật trẻ em 2016; Luật giáo dục 2019; Luật thanh niên 2020 về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, hỗ trợ sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; quy định về chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật tại Thông tư liên tịch số 42/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 31/12/2013 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ tới bạn đọc quy định của pháp luật về giáo dục đối với người khuyết tật.
Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568
Cơ sở pháp lý:
– Luật Người khuyết tật 2010
– Thông tư liên tịch 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC
1. Quy định của Luật Người khuyết tật 2010 về giáo dục đối với người khuyết tật
Theo quy định tại Điều 27 Luật Người khuyết tật 2010 thì Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của người khuyết tật.
Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông; được ưu tiên trong tuyển sinh; được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân không thể đáp ứng; được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập.
Người khuyết tật được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng trong trường hợp cần thiết; người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu; người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo chuẩn quốc gia.
Người khuyết tật mặc dù có những khiếm khuyết trên cơ thể, tuy nhiên cũng như bao công dân khác trong xã hội, họ cũng có quyền được học tập – một trong những quyền hiến định quan trọng nhất mà Hiến pháp của bất cứ quốc gia nào cũng ghi nhận. Tất nhiên, do là nhóm đối tượng đặc biệt cần được sự quan tâm, trợ giúp của xã hội, mà vấn đề giáo dục đối với người khuyết tật cũng có nhiều điểm đặc thù riêng và do đó, cần có sự điều chỉnh riêng biệt của pháp luật. Ở Việt Nam, pháp luật về giáo dục đối với người khuyết tật được quy định tại nhiều văn bản pháp quy của Nhà nước, trong đó, cơ bản và quan trọng hơn cả là Luật Giáo dục năm 2005 và Luật Người khuyết tật năm 2010 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan. Có thể nói, đây là những quy định cơ bản nhất, làm nền tảng giúp cho các cơ quan nhà nước triển khai các chính sách, hoạt động cần thiết để xây dựng nền giáo dục phù hợp đối với người khuyết tật ở Việt Nam.
Như vậy, Việt Nam luôn chú trọng và mở rộng vấn đề giáo dục cho người khuyết tật, các quy định về giáo dục đối với người khuyết tật đều để đảm bảo cho người khuyết tật thực hiện các nhu cầu học tập để có kiến thức như những người bình thường khác; hỗ trợ và tạo điều kiện cần thiết để người khuyết tật có thể tham gia học tập; đề cao và khuyến khích giáo dục hòa nhập cộng đồng… Quy định về giáo dục đối với người khuyết tật bao gồm các quy định riêng về giáo dục đối với NKT; phương thức giáo dục NKT; trách nhiệm của chủ thể trong giáo dục đối với người khuyết tật.
2. Chính sách giáo dục đối với người khuyết tật
2.1. Ưu tiên nhập học và tuyển sinh
Quy định tại Điều 2 Thông tư 42/2013 nêu rõ “Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 3 tuổi, được hưởng chế độ tuyển thẳng, xét tuyển thẳng vào trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp. Đối với tuyển sinh hệ đại học, cao đẳng, người khuyết tật đặc biệt nặng được xét tuyển thẳng và được hưởng chính sách ưu tiên theo đối tượng khi đăng kí xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.”
Như vậy:
– Về ưu tiên nhập học: theo quy định trên thì người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 3 tuổi.
– Về ưu tiên tuyển sinh
+ Đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông: Người khuyết tật theo quy định tại Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành được hưởng chế độ tuyển thẳng vào trung học phổ thông như đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú và học sinh là người dân tộc rất ít người;
+ Đối với cấp trung cấp chuyên nghiệp: Người khuyết tật theo Quy chế tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành được xét tuyển thẳng vào trung cấp chuyên nghiệp. Hiệu trưởng các trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc các trường có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp xem xét và quyết định tuyển thẳng người khuyết tật vào học căn cứ theo kết quả học tập ở phổ thông của học sinh (cụ thể là căn cứ theo kết quả trong học bạ), căn cứ theo tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo.
+ Đối với bậc đại học, cao đẳng: Người khuyết tật đặc biệt nặng sẽ được xét tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng. Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng xem xét và quyết định tuyển thẳng người khuyết tật vào học căn cứ theo kết quả học tập ở phổ thông của học sinh (căn cứ theo học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo. Ngoài ra, người khuyết tật nặng khi đăng kí xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng còn được hưởng chính sách ưu tiên theo đối tượng theo quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
2.2. Miễn, giảm một số nội dung môn học, môn học hoặc hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục
Theo quy định tại Điều 3, thông tư liên tịch 42 TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC quy định về việc miễn, giảm một số nội dung môn học, miễn giảm môn học hoặc hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục như sau: “Người khuyết tật học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập học theo chương trình giáo dục chung. Trường hợp người khuyết tật không có khả năng đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục chung, người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định điều chỉnh, miễn, giảm, thay thế một số nội dung môn học hoặc một số môn học, hoạt động giáo dục cho phù hợp và được thể hiện trong Kế hoạch giáo dục cá nhân.”
Như vậy, người khuyết tật sẽ được học tập theo phương thức giáo dục chuyên biệt tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt hoặc tại lớp chuyên biệt trong các cơ sở giáo dục và được học theo chương trình giáo dục chuyên biệt đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định riêng đối với từng dạng khuyết tật. Người đứng đầu tại các cơ sở giáo dục sẽ ra quyết định điều chỉnh, miễn, giảm hoặc thay thế một số nội dung môn học, thay thế môn học hoặc hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục cho phù hợp và được thể hiện trong Kế hoạch giáo dục cá nhân trong trường hợp người khuyết tật không có khả năng đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục chuyên biệt.
2.3. Xét lên lớp và cấp bằng tốt nghiệp
– Đối với giáo dục phổ thông: Người đứng đầu tại các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục theo phân cấp sẽ căn cứ theo kết quả học tập các môn học, thành tích hoạt động giáo dục của người khuyết tật tại cơ sở giáo dục để xét lên lớp hoặc xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học đối với người khuyết tật, cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông đối với người khuyết tật thực hiện học theo chương trình giáo dục chung hoặc căn cứ theo kết quả thực hiện Kế hoạch giáo dục cá nhân đối với người khuyết tật không đáp ứng được chương trình giáo dục chung để thực hiện việc xét lên lớp hoặc xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học đối với người khuyết tật, thực hiện cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở và cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
– Đối với giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp: Người đứng đầu tại các cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp sẽ căn cứ theo kết quả học tập, thành tích hoạt động giáo dục của người khuyết tật đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo để thực hiện xét tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp.
2.4. Chính sách học phí
Theo quy định tại điều 7
2.5. Chính sách học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập
Đối với người khuyết tật thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo đi học tại các cơ sở giáo dục thì sẽ được hưởng học bổng mỗi tháng bằng 80% mức lương cơ sở căn cứ theo quy định trong từng thời kỳ và còn được hỗ trợ kinh phí để mua sắm phương tiện học tập, đồ dùng học tập với mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/người/năm học.
Đối với người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng chính sách đang thực hiện học tập tại các cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp thì sẽ được cấp học bổng 10 tháng/năm học; đối với người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng chính sách đang thực hiện học tập tại các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt hoặc trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thì người đó được cấp học bổng 9 tháng/năm học.
Các quy định về giáo dục đối với người khuyết tật có ý nghĩa quan trọng đối với người khuyết tật, góp phần tạo điều kiện cho người khuyết tật được tiếp cận những kiến thức cần thiết để từ đó họ có thể có cơ hội phát triển, tìm việc làm và trở thành người có ích cho xã hội. Bản thân những người khuyết tật cũng thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn khi nhận được sự quan tâm và được đóng góp công sức của bản thân cho gia đình, cho xã hội; họ cũng tự tin về bản thân hơn, từ đó tìm được niềm vui trong cuộc sống và không phải mặc cảm rằng mình là gánh nặng cho xã hội.