Quy định của pháp luật hiện hành về quảng cáo và khuyến mại thuốc. Điều kiện quảng cáo khuyến mại thuốc.
I. Cơ sở pháp lý:
– Nghị định số 181/2013/NĐ-CP;
II. Luật sư tư vấn:
Quy định của pháp luật hiện hành về quảng cáo và khuyến mại thuốc. Điều kiện quảng cáo khuyến mại thuốc.Quảng cáo và khuyến mại là hai hình thức xúc tiến thương mại mà các thương nhân đã và đang áp dụng một cách triệt để trên mọi phương tiện, trong mọi thời điểm và với mọi loại hàng hóa, dịch vụ. Do đó, người tiêu dùng có thể dễ dàng thu nhận được thông tin, từ đó mà có những kiến thức nhất định về sản phẩm và dịch vụ được quảng cáo. Nếu như pháp luật thả nổi việc quảng cáo và khuyến mại thuốc thì rất dễ khiến cho người dân có những tri thức sai lệch về thuốc, từ đó mà có tình trạng sử dụng thuốc bừa bãi, không đúng cách, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính vì thế, hiện nay, pháp luật đã có những quy định cụ thể điều chỉnh vấn đề quảng cáo và khuyến mại thuốc.
1. Quảng cáo thuốc
Luật thương mại năm 2005 không nhắc tới vấn đề quảng cáo cũng như khuyến mại thuốc. Các quy định của pháp luật về quảng cáo thuốc được quy định trong các văn bản sau:
Thứ nhất, Luật quảng cáo 2012 có các quy định về quảng cáo thuốc như sau:
Khoản 5 Điều 7 quy định về các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo liệt kê thuốc:
“Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc”.
Vậy tức là thuốc là mặt hàng bị pháp luật hạn chế quảng cáo, chỉ cho phép quảng cáo đối với các loại thuốc không kê đơn và không có khuyến cáo hạn chế sử dụng hay sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.
Khoản 4 Điều 20 của Luật quảng cáo có quy định về điều kiện quảng cáo như sau:
“4. Quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
a) Quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế; phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt;…”
Có thể thấy quy định này yêu cầu các chủ thể thực hiện quảng cáo thuốc ngoài việc không thuộc phạm vi cấm kể trên còn cần phải đáp ứng được các điều kiện về quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa đặc biệt.
Thứ hai, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo quy định tại Điều 3 như sau :
“Điều 3. Quảng cáo thuốc
1. Nội dung quảng cáo thuốc phải phù hợp với các tài liệu sau đây:
a) Giấy phép lưu hành tại Việt Nam;
b) Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đã được Bộ Y tế phê duyệt;
c) Chuyên luận về thuốc đã được ghi trong Dược thư Quốc gia hoặc trong các tài liệu về thuốc đã được cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất công nhận.
2. Quảng cáo thuốc phải có các nội dung sau đây:
a) Tên thuốc theo quyết định cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam;
b) Tên hoạt chất của thuốc:
Thuốc tân dược dùng tên theo danh pháp quốc tế;
Thuốc có nguồn gốc dược liệu dùng tên theo tiếng Việt, trường hợp tên dược liệu ở Việt Nam chưa có thì dùng theo tên nguyên bản nước xuất xứ kèm tên la-tinh.
c) Chỉ định của thuốc;
d) Chống chỉ định hoặc các khuyến cáo cho các đối tượng đặc biệt như người có thai, người đang cho con bú, người già, trẻ em, người mắc bệnh mãn tính;
đ) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;
e) Khuyến cáo “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”.
3. Quảng cáo thuốc trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung quy định tại các điểm a, b và e Khoản 2 Điều này. Nếu thành phần thuốc có từ 03 hoạt chất trở lên thì tùy theo thời lượng phát
sóng , có thể đọc tên hoạt chất chính hoặc đọc tên chung các vitamin, khoáng chất, dược liệu.4. Quảng cáo thuốc trên phương tiện quảng cáo ngoài trời phải đáp ứng đủ nội dung quy định tại các điểm a, b, đ và e Khoản 3 Điều này.
5. Các chỉ định không được đưa vào nội dung quảng cáo thuốc bao gồm:
a) Chỉ định điều trị bệnh lao, bệnh phong;
b) Chi định điều trị bệnh lây qua đường tình dục;
c) Chỉ định điều trị chứng mất ngủ kinh niên;
d) Các chỉ định mang tính kích dục;
đ) Chỉ định điều trị bệnh ung thư, bệnh khối u;
e) Chỉ định điều trị bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh rối loạn chuyển hóa tương tự khác.
6. Thông tin, hình ảnh cấm sử dụng trong quảng cáo thuốc bao gồm:
a) Hình ảnh người bệnh;
b) Sơ đồ tác dụng của thuốc mà chưa được nghiên cứu, đánh giá;
c) Hình ảnh, tên của thầy thuốc để giới thiệu thuốc.”
>>> Luật sư
Ngoài ra, vấn đề quảng cáo thuốc còn được quy định trực tiếp tại Thông tư số 13/2009/TT-BYT của bộ y tế Hướng dẫn hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc. Sau này Luật quảng cáo 2012 và Nghị định số 181/2013/NĐ-CP đã dựa trên Thông tư số 13/2009/TT-BYT để quy định về vấn đề này. Hiện nay phần lớn các quy định tại Thông tư số 13/2009/TT-BYT vẫn còn hiệu lực. Ví dụ về một số hành vi bị nghiêm cấm thực hiện khi quảng cáo thuốc được quy định tại điều 5 thông tư này như sau:
“2. Thông tin, quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng có thể khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
3. Sử dụng lợi ích vật chất hay tài chính dưới mọi hình thức để tác động tới thầy thuốc, người dùng thuốc nhằm thúc đẩy việc kê đơn, sử dụng thuốc.
(…)
5. Sử dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín của tổ chức y, dược, của cán bộ y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo, khuyên dùng thuốc.
6. Lợi dụng hình thức thầy thuốc hướng dẫn cách phòng bệnh, chữa bệnh hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc bằng các bài viết trên báo, bằng các chương trình phát thanh, truyền hình để quảng cáo thuốc.
7. Sử dụng các loại kết quả nghiên cứu lâm sàng chưa đủ cơ sở khoa học, chưa đủ bằng chứng y học để thông tin, quảng cáo thuốc.
(…)
9. Thông tin, quảng cáo thuốc có nội dung không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam; lạm dụng hình ảnh động vật hoặc các hình ảnh khác không liên quan để thông tin, quảng cáo thuốc gây ra cách hiểu sai cho người sử dụng.
(…)
11. Dùng câu, chữ, hình ảnh, âm thanh gây nên các ấn tượng kiểu sau đây cho công chúng:
a) Thuốc này là số 1, là tốt hơn tất cả;
b) Sử dụng thuốc này là biện pháp tốt nhất;
c) Sử dụng thuốc này không cần có ý kiến của thầy thuốc;
d) Thuốc này hoàn toàn vô hại, không có tác dụng phụ, không có chống chỉ định.
12. So sánh với ý đồ quảng cáo thuốc của mình tốt hơn thuốc, hàng hoá của tổ chức, cá nhân khác…”
2. Các quy định về khuyến mại thuốc
Trong hệ thống pháp luật hiện nay chỉ có duy nhất một văn bản là Nghị định số 37/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại quy định về hoạt động khuyến mại thuốc tại Khoản 7 Điều 4. Theo đó, hoạt động khuyến mại thuốc được quy định:
“Không được dùng thuốc chữa bệnh cho người (kể cả các loại thuốc đã được phép lưu thông) để khuyến mại”.
Sau này Nghị định 68/2009/NĐ-CP đã sửa đổi quy định tại Khoản 7 Điều 4 nói trên. Hiện nay, vấn đề khuyến mại thuốc được quy định như sau:
“Không được dùng thuốc chữa bệnh cho người, kể cả các loại thuốc đã được phép lưu thông để khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại cho thương nhân kinh doanh thuốc”.
Theo nội dung sửa đổi bổ sung này, có thể thấy hiện nay pháp luật nước ta đã có xu hướng mở cho vấn đề khuyến mại thuốc. Việc khuyến mại thuốc chữa bệnh trước đây bị cấm trong mọi trường hợp, song với quy định mới thì đã được khuyến mại đối với các thương nhân kinh doanh thuốc. Đây là một quy định thể hiện sự mới mẻ trong tư duy của các nhà làm luật, góp phần tạo điều kiện xúc tiến thương mại đối với sản phẩm thuốc phát triển.