Cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay nhằm mục đích hỗ trợ cho khách hàng và khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khách hàng có khó khăn trong đời sống tiêu dùng. Dưới đây là quy định của pháp luật về cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay trong hợp đồng vay.
Mục lục bài viết
1. Quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay của hợp đồng vay:
Pháp luật hiện nay đã có những quy định cụ thể về vấn đề tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Vấn đề cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay trong hợp đồng vay được nhiều người quan tâm. Căn cứ theo quy định tại Điều 2 của Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (sau được sửa đổi tại Thông tư 10/2023/TT-NHNN), có quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Theo đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ là việc các tổ chức tín dụng đồng thuận việc điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và gia hạn trả nợ trong hợp đồng vay đối với khách hàng. Cụ thể như sau:
– Điều chỉnh lại kỳ hạn trả nợ được xem là việc các tổ chức tín dụng đồng ý kéo dài thêm một khoảng thời gian nhất định để cho khách hàng trả nợ một phần hoặc toàn bộ nợ gốc hoặc tiền lãi vay của kỳ hạn trả nợ mà các bên đã thỏa thuận ban đầu (trong đó có bao gồm trường hợp không thay đổi về số kỳ hạn trả nợ mà các bên đã thỏa thuận), thời hạn cho vay không thay đổi;
– Gia hạn trả nợ là việc các tổ chức tín dụng đồng tình đối với hoạt động kéo dài thêm một khoảng thời gian nhất định về vấn đề trả nợ gốc hoặc lãi tiền vay, vượt quá thời hạn cho vay đã thỏa thuận ban đầu.
Như vậy có thể nói, theo quy định nêu trên thì cơ cấu lại thời gian trả nợ là việc các tổ chức tín dụng chấp thuận điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ với nội dung như sau:
– Trong trường hợp điều chỉnh lại kỳ hạn trả nợ, thì các tổ chức tín dụng chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian nhất định phục vụ cho quá trình trả nợ một phần hoặc trả nợ toàn bộ gốc, lãi trong kỳ hạn trả nợ mà các bên đã thỏa thuận ban đầu, thời hạn cho vay không thay đổi;
– Trong trường hợp gia hạn nợ, các tổ chức tín dụng đồng tiền kéo dài thêm một khoảng thời gian nhất định để trả nợ gốc hoặc tiền lãi vay, vượt quá thời hạn cho vay mà các bên đã thỏa thuận trước đó.
Về vấn đề cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay trong hợp đồng vay, căn cứ theo quy định tại Điều 19 của Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (sau được sửa đổi tại Thông tư 10/2023/TT-NHNN), có quy định về vấn đề cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Theo đó, các tổ chức tín dụng sẽ xem xét và ra quyết định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, dựa trên khả năng tài chính của các tổ chức tín dụng và dựa trên kết quả đánh giá năng lực và khả năng trả nợ của khách hàng. Cụ thể như sau:
– Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc hoặc tiền lãi vay, đồng thời cũng được các tổ chức tín dụng đánh giá là khách hàng này hoàn toàn có khả năng trả đầy đủ nợ gốc hoặc tiền lãi vay theo kỳ hạn trả nợ đã được điều chỉnh, thì các tổ chức tín dụng trên thực tế sẽ xem xét để điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc hoặc tiền lãi vay đó sao cho phù hợp với nguồn nợ của khách hàng, thời hạn cho vay trong trường hợp này sẽ không thay đổi;
– Khách hàng không có khả năng trả hết các khoản nợ gốc hoặc trả hết các khoản tiền lãi theo đúng thời hạn cho vay mà các bên đã thỏa thuận ban đầu, và được các tổ chức tín dụng đánh giá là khách hàng này hoàn toàn có khả năng trả đầy đủ các khoản nợ gốc hoặc tiền lãi trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, thì các tổ chức tín dụng đó sẽ xem xét và ra quyết định gia hạn nợ đối với thời hạn phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng;
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ được thực hiện trước hoặc trong khoảng thời gian 10 ngày được tính kể từ ngày đến kỳ hạn, thời hạn trả nợ mà các bên đã thỏa thuận trước đó.
2. Điều kiện để được cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay của hợp đồng vay cho khách hàng:
Điều kiện để được cơ cấu lại thời hạn trả nợ hiện nay đang được quy định tại Điều 4 của Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Theo đó, các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số nợ gốc hoặc lãi của khoản nợ dựa trên đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, và đắp ứng được các quy định như sau:
– Các khoản nợ gốc phát sinh trước giai đoạn ngày 24 tháng 04 năm 2023, và từ hoạt động vay hoặc cho thuê tài chính của các tổ chức tín dụng;
– Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc phát sinh nghĩa vụ trả lãi trong khoảng thời gian từ giai đoạn ngày 24 tháng 04 năm 2023 đến hết giai đoạn này 30 tháng 06 năm 2024;
– Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại còn trong thời hạn hoặc quá à trong khoảng thời gian 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng hoặc theo sự thỏa thuận của các bên;
– Được tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá rằng khách hàng đó không có khả năng trả nợ đúng thời hạn theo hợp đồng hoặc theo sự thỏa thuận của các bên do doanh thu, thu nhập của khách hàng bị giảm sút so với doanh thu và thu nhập tại phương án trả nợ mà các bên đã thỏa thuận trước đó;
– Khách hàng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá có khả năng trả đầy đủ nợ hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại;
– Tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện hoạt động cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản nợ vi phạm quy định của pháp luật;
– Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ được xác định sao cho phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng, đồng thời không được vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu.
3. Thỏa thuận cho vay có bắt buộc phải có nội dung về cơ cấu lại thời hạn trả nợ hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 23 của Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (sau được sửa đổi tại Thông tư 10/2023/TT-NHNN), có quy định về thỏa thuận cho vay. Theo đó, thỏa thuận cho vay phải được lập thành văn bản trong đó có tối thiểu các nội dung sau:
– Tên và địa chỉ, mã số doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng cho vay, tên và địa chỉ kèm theo số giấy tờ tùy thân của khách hàng;
– Số tiền cho vay, hạn mức cho vay, mục đích sử dụng vốn;
– Đồng tiền cho vay, đồng tiền trả nợ;
– Phương thức cho vay;
– Thời hạn cho vay, thời hạn duy trì hạn mức đối với trường hợp cho vay theo hạn mức, thời hạn hiệu lực của hạn mức cho vay dự phòng đối với trường hợp cho vay theo hạn mức dự phòng, hoặc thời hạn duy trì hạn mức thấu chi đối với trường hợp cho vay theo hạn mức thấu chi dựa trên tài khoản thanh toán;
– Lãi suất cho vay theo thỏa thuận và mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (sau được sửa đổi tại Thông tư 10/2023/TT-NHNN); nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; loại phí liên quan đến khoản vay và mức phí áp dụng;
– Giải ngân vốn cho vay và việc sử dụng phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay;
– Việc trả nợ gốc, lãi tiền vay và thứ tự thu hồi nợ gốc, lãi tiền vay; trả nợ trước hạn;
– Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được tổ chức tín dụng chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ; hình thức và nội dung thông báo chuyển nợ quá hạn theo Điều 20 Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (sau được sửa đổi tại Thông tư 10/2023/TT-NHNN);
– Trách nhiệm của khách hàng trong việc phối hợp với tổ chức tín dụng và cung cấp các tài liệu liên quan đến khoản vay để tổ chức tín dụng thực hiện thẩm định và quyết định cho vay, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng;
– Xử lý nợ vay; phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại; quyền và trách nhiệm của các bên;
– Hiệu lực của thỏa thuận cho vay.
Như vậy, thỏa thuận cho vay bắt buộc phải có nội dung về cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng;
– Thông tư 10/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (đã được bổ sung tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam);
– Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.