Người khuyết tật là gì? Phương hướng giải quyết việc làm cho người khuyết tật? Trách nhiệm của Nhà nước trong giải quyết việc làm đối với người khuyết tật?
Trước đây khi Luật người khuyết tật chưa được ban hành thì pháp luật không có khái niệm quy định về người khuyết tật và được gọi với tên khác nhưng khi Luật người khuyết tật ban hành đã có riêng khái niệm người khuyết tật là người bị khiếm khuyết. Theo đó, trên thực tế chúng ta có thể thấy có rất nhiều trường hợp những người bị khiếm khuyết một phần như bị mù, không nói được và không nghe được những âm thanh trong môi trường,… Chính vì vậy, nhà nước ban hành những chính sách ưu đãi riêng và những quyền hạn riêng đối với người khuyết tật.
1. Người khuyết tật là gì?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010 có hiệu lực từ ngày 01/01/2011, người khuyết tật được định nghĩa như sau:
“1. Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”.
Theo đó, người khuyết tật có những đặc điểm cơ bản như: Người khuyết tật là nhóm thiểu số lớn nhất thế giới và cũng là một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất; Người khuyết tật có ở mọi nơi trên thế giới và các quốc gia phải có trách nhiệm bảo vệ người khuyết tật.
Khuyết tật có thể là sự khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể của một người hay bị suy giảm chức năng trong vấn đề về nhận thức, khuyết tật được biểu hiện dưới nhiều dạng tật và dị dạng khác nhau khiến cho đời sống sinh hoạt và cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn.
Hiểu theo cách khác khuyết tật có thể là khiếm khuyết diễn ra rất lâu dài và không có cơ hội phục hồi về mặt tinh thần, thể chất, trí tuệ không được minh mẫn hoặc sự ảnh hưởng của các giác quan mà khi tương tác với xã hội họ gặp rất nhiều cản trở và ảnh hưởng; gây bất lợi đến quá trình làm việc và có thể những khiếm khuyết đó làm họ không thể hoạt động và làm các công việc giống như người bình thường.
2. Phương hướng giải quyết việc làm cho người khuyết tật
Hiện nay, rất nhiều cơ sở đào tạo nghề cho người khuyết tật được mở ra theo chủ trương, chính sách hỗ trợ của nhà nước. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề cho người khuyết tật chưa gắn với việc làm. Nếu người khuyết tật đào tạo ra mà không tìm được việc làm thì dễ dẫn đến tâm lý bế tắc. Do đó, các cơ sở đào tạo nghề cho người khuyết tật cần phải chú ý đến đầu ra cho người lao động, tạo tâm lý ổn định, và nâng cao ý chí phấn đấu, nâng cao kỹ năng làm việc của người khuyết tật ngay sau khi kết thúc các khóa đào đạo.
Truyền thông có vai trò quan trọng trong việc làm thay đổi nhận thức xã hội và tạo ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của công chúng. Việc lựa chọn ngôn từ, hình ảnh và thông điệp có thể giúp hình thành nhận thức, thái độ, hành vi của xã hội nói chung và người khuyết tật nói riêng. Việc tuyên truyền về những tấm gương người khuyết tật vượt lên số phận để sống có ích cho xã hội có tác động rất lớn tới tâm lý của cộng đồng người khuyết tật. Người khuyết tật thường ít có cơ hội tiếp cận được thông tin về chính sách, luật pháp và những chương trình, dịch vụ có ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân. Sự thiếu thông tin, kiến thức này làm hạn chế sự tham gia của họ vào đời sống kinh tế, chính trị, xã hội nói chung.
Chính vì thế, truyền thông phải là kênh thông tin quan trọng góp phần để cộng đồng xã hội hiểu rõ hơn về người khuyết tật, hiểu rõ hơn những tâm tư, nguyện vọng của họ – nguyện vọng được sống, được làm việc, được chia sẻ từ cộng đồng và từ các chính sách xã hội. Truyền thông phải xác định được trách nhiệm của mình trong việc thúc đẩy bình đẳng về cơ hội, tiếp cận dịch vụ và thông tin đối với người khuyết tật.
Đây cũng chính là cơ hội để nhà tuyển dụng và người khuyết tật tìm đến với nhau. Giải quyết được việc làm cho người khuyết tật thông qua truyền thông có một ý nghĩa xã hội rất lớn, đó là một phần rất quan trọng của chiến lược xóa đói giảm nghèo – một mục tiêu lớn không chỉ ở Việt Nam mà cả cộng đồng quốc tế đang cùng nỗ lực phấn đấu.
Nhìn chung công tác hỗ trợ việc làm cho người lao động khuyết tật đến nay đã có được nhiều chuyển biến tích cực. Việc ngày càng có nhiều các hội, đoàn thể, cá nhân tham gia công tác tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm đang giúp nhóm lao động này tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Để giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ trông chờ vào các chính sách xã hội hay tình thương. Về phía người khuyết tật cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, sẵn sàng đảm đương được công việc của nhà tuyển dụng để khẳng định được mình là những người “tàn mà không phế”.
3. Trách nhiệm của Nhà nước trong giải quyết việc làm đối với người khuyết tật.
Việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người lao động nói chung và người khuyết tật nói riêng bởi nó giúp họ có được thu nhập, ổn định đời sống. Giải quyết việc làm cho người khuyết tật không không chỉ là trách nhiệm của riêng Nhà nước mà đó còn là trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội.
Quyền việc làm là một trong những quyền cơ bản của người lao động, đặc biệt đối với người khuyết tật do tính đặc thù của đối tượng này mà quyền việc làm của họ được nhà nước bảo trợ. Nhà nước có vai trò hết sực quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp cũng như tạo việc làm cho người khuyết tật và là cán cân cân bằng lợi ích của các nhóm đối tượng khác nhau. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước số 111 về chống phân biệt trong việc làm, học nghề nên pháp luật Việt Nam phải tuân thủ triệt để quan điểm của tổ chức ILO về vấn đề này đặc biệt là
Trách nhiệm của Nhà nước thể hiện qua các nội dung sau:
+ Nhà nước, người sử dụng lao động và xã hội có trách nhiệm tham gia giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm khoản 2 điều 9 Bộ luật lao động năm 2012. người khuyết tật cũng là công dân là lực lượng lao động xã hôi nên Nhà nước phải có trách nhiệm giải quết việc làm cho họ.
+ Nhà nước khuyến khích người khuyết tật làm việc và tự tạo việc làm:
Điều 176 Bộ luật lao động năm 2012 về chính sách của Nhà nước đối với lao động là người khuyết tật
“ Nhà nước bảo trợ quyền lao động, tự tạo việc làm của lao động là người khuyết tật, có chính sách khuyến khích và ưu đãi người sử dụng lao động tạo việc làm và nhận lao động là người khuyết tật vào làm việc, theo quy định của Luật người khuyết tật.”
Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều chức năng trên cơ thể nên thường bị suy giảm khả năng lao động, do vậy ngoài vấn đề việc làm và giải quyết việc làm Nhà nước còn có trách nhiệm phục hồi chức năng lao động cho họ cùng với những hỗ trợ khác để người khuyết tật có việc làm cũng như ổn định và duy trì việc làm lâu dài.
+ Trách nhiệm phục hồi chức năng lao động cho người khuyết tật
Căn cứ theo Luật người khuyết tật quy định Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật phục hồi chức năng lao động, được tư vấn việc làm miễn phí, có việc làm và làm việc phù hợp với sức khỏe và đặc điểm của người khuyết tật.
Phục hồi chức năng là việc làm có ý nghĩa rất lớn đối với người khuyết tật, giúp người khuyết tật có thể giảm bớt mức độ khuyết tật của mình, bình thường trong sinh hoạt hàng ngày, đồng thời việc tư vấn việc làm cho người khuyết tật là việc làm rất cần thiết vì bản thân người khuyết tật cũng khó khăn trong việc tiếp cận các công việc do đó cần có sự tư vấn hỗ trợ để họ có được việc làm phù hợp với sức khỏe và đặc điểm khuyết tật của mình.
+ Có các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật vào làm việc
Để khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhận người khuyết tật, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các cơ sở này thì trong Luật người khuyết tật quy định:
Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo tỷ lệ lao động là người khuyết tật, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô doanh nghiệp.
Ngoài ra các Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định mức kinh phí hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc cho cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật;
Như vậy thông qua quyền lực của mình Nhà nước đã ban hành những chính sách, những văn bản pháp luật để cho người khuyết tạt có được cơ hội việc làm, bình đẳng với những người khác, tránh sự phân biệt đối xử, tái hào nhập vào cộng đồng để được hưởng các chính sách ưu tiên theo quy định pháp luật.