Vì sao phải phân chia thành Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và Hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước khi hai loại hợp đồng này có nhiều điểm tương đồng?
1. Vì sao phải phân chia thành Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế với Hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước (Hợp đồng mua bán hàng hóa theo Luật Thương mại 2005)?
Cần phải có sự phân chia thành hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế với hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước vì:
Thứ nhất: Hai loại hợp đồng trên có khá nhiều điểm khác biệt nhau về bản chất, được thể hiện ngay từ tên hợp đồng. Một bên là việc mua bán, trao đổi hàng hóa giữa các thương nhân trong cùng một nước (hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước), một bên là việc mua bán trao đổi hàng hóa mang tính quốc tế tức là sẽ có một trong các yếu tố như: chủ thể, hay đối tượng của hợp đồng sẽ mang tính quốc tế – không cùng một nước. Ngoài ra, còn một số điểm khác biệt cơ bản khác như: đồng tiền thanh toán, luật điều chỉnh quan hệ mua bán, về cơ quan giải quyết tranh chấp…
Thứ hai: Việc phân định thành 2 loại hợp đồng trên sẽ giúp làm rõ đối tượng, chủ thể cũng như nguồn luật sẽ được áp dụng khi xảy ra tranh chấp nếu có và sẽ giúp các bên có liên quan có thể chủ động hơn trong việc áp dụng pháp luật vào quan hệ hợp đồng mà mình tham gia. Từ đó giảm thiểu tình trạng áp dụng sai, áp dụng không đúng pháp luật dẫn đến nhiều hậu quả không mong muốn.
2. Điều này có cần thiết không khi giữa 2 loại Hợp đồng này có nhiều điểm tương đồng?
Đầu tiên, việc phân tích và so sánh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế với hợp đồng mua bán trong nước (quy định tại Luật Thương mại 2005) là hết sức cần thiết. Không chỉ bởi 2 loại hợp đồng trên có khá nhiều điểm khác biệt mà còn bởi nhu cầu cấp thiết hiện nay đó là xu thế hội nhập quốc tế. Trong quá trình hội nhập, hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế hay còn gọi là hoạt động ngoại thương đang giữ một vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế. Chính vì vậy mà việc nghiên cứu, tìm hiểu và nắm rõ kiến thức về mua bán hàng hóa quốc tế trở nên vô cùng quan trọng. Nó không chỉ nhằm mục đích đơn thuần là chỉ ra sự khác biệt của 2 loại mua bán mà nó còn làm nổi bật những đặc điểm chủ yếu của mua bán hàng hóa quốc tế, từ đó sẽ giúp cho công việc mua bán hàng hóa diễn ra trôi chảy đồng thời sẽ giúp ích rất lớn trong việc phòng ngừa những rủi ro không đáng có trong quá trình hội nhập.
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cũng như Hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước đều có nội dung, hình thức và đặc điểm tương đồng nhau như hợp đồng mua bán hàng hóa nói chung. Cụ thể:
Thứ nhất, về nội dung thì Hợp đồng mua bán hàng hóa nói chung là các điều khoản do các bên thỏa thuận, thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng.
Thứ hai, về hình thức, theo Điều 24 Luật Thương mại Việt Nam 2005, hai loại hợp đồng trên đều có hình thức tương đương Hợp đồng mua bán hàng hóa nói chung: "1. Hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể; 2. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hóa mà pháp luật quy định phải được lập bằng văn bản thì phải tuân theo các quy định đó."
Thứ ba, về đặc điểm, hai loại hợp đồng này đều là hợp đồng ưng thuận, có tính đền bù và là hợp đồng song vụ.
Tuy nhiên, căn cứ vào đặc điểm chủ thể, đối tượng, nơi giao kết hợp đồng mà phân ra thành Hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước và Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Trong Luật Thương mại Việt Nam 2005 không có quy định cụ thể về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, nhưng căn cứ theo Điều 826, Phần 7 về "Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài" của Bộ Luật Dân Sự 2005 thì một hợp đồng mua bán hàng hóa được coi là Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế khi có một trong những yếu tố sau:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Về chủ thể, hợp đồng được giao kết bởi các bên không cùng quốc tịch (Giữa một bên có quốc tịch Việt Nam và một bên có quốc tịch khác).
– Về đối tượng, hàng hóa là đối tượng của hợp đồng đang tồn tại ngoài lãnh thổ Việt Nam.
– Về nơi giao kết hợp đồng, hợp đồng được giao kết tại nước ngoài, có thể là tại nước của bên giao kết mang quốc tịch khác Việt Nam, hoặc tại nước thứ ba.
Dựa vào những yếu tố trên, có thể thấy, với Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thì các bên giao kết hợp đồng rất dễ gặp phải các rủi ro như xung đột pháp luật giữa hai bên thực hiện hợp đồng, hoặc do các rủi ro khác trong quá trình vận chuyển, thanh toán,… dẫn đến những tranh chấp. Chính vì thế, khi giao kết hợp đồng, các bên cần cân nhắc kĩ lưỡng và soạn thảo ra một bản hợp đồng chi tiết và rõ ràng để tránh những rủi ro trong tương lai. Về hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, Luật Thương Mại Việt Nam 2005 cũng quy định rõ tại khoản 2 Điều 27 như sau: "Mua bán hàng hoá quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương."
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Đặc điểm pháp lý của hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa
–Thời điểm chuyển rủi ro đối với hàng hóa trong hợp đồng mua bán hàng hóa
– Hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu
Mọi thắc mắc pháp lý cần tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ, quý khách hàng vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.6568 hoặc gửi thư về địa chỉ email: [email protected].
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại
– Tư vấn luật miễn phí qua điện thoại
– Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại