Bánh trôi nước là một trong những thành công của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương. Bài thơ ngợi ca vẻ đẹp ngoại hình, phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời, là tiếng nói lòng, lời bộc bạch về thân phận bấp bênh của người phụ nữ trong xã hội xưa. Bài viết hướng dẫn cách phân tích tác phẩm trên, mời các bạn cùng tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Dàn bài phân tích hình ảnh người phụ nữ trong bài Bánh trôi nước ngắn gọn nhất:
1.1. Mở bài:
– Giới thiệu khái quát về nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương, bài thơ “Bánh trôi nước”.
– Hình ảnh người phụ nữ trong bài “Bánh trôi nước”.
1.2. Thân bài:
a. Vẻ đẹp ngoại hình của người phụ nữ
– Hình ảnh “bánh trôi” để chỉ thân phận người phụ nữ.
– Ngoại hình “vừa trắng lại vừa tròn” gợi ra một thân hình khá đầy đặn, nước da trắng hồng, xinh đẹp.
b. Số phận và vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ
– Số phận của người phụ nữ:
+ “Bảy nổi ba chìm”: thành ngữ chỉ cuộc đời vất vả, gặp nhiều gian truân, chìm nổi lênh đênh.
+ “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”: Dẫu dù cuộc đời thế nào, họ không được tự mình quyết định mà phải phụ thuộc vào người khác. Như quan niệm xưa về thân phận người phụ nữ: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử – Ở nhà thì nghe theo cha, lấy chồng thì nghe theo chồng, chồng chết thì nghe theo con
– Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ:
“Mà em vẫn giữ tấm lòng son”: Dù cuộc đời có khó khăn, khổ cực, lênh đênh thì người phụ nữ vẫn giữ được tấm lòng thủy chung, son sắc và một mực không đổi thay.
=> Nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
1.3. Kết bài:
– Nhận định về hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương.
2. Bài văn mẫu phân tích hình ảnh người phụ nữ trong bài Bánh trôi nước hay nhất:
“Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen”
(Ca dao)
Câu ca dao trên là một trong những câu thơ quen thuộc về thân phận người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương – bà Chúa thơ Nôm cũng đã có những vần thơ rất hay để miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ thông qua bài thơ “Bánh trôi nước”. Điểm chung của hai câu thơ là tác giả đề đề cao vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách người phụ nữ. Ở đây, người phụ nữ xưa hiện lên với vẻ đẹp tâm hồn đẹp đẽ, tấm lòng chung thủy son sắt:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Trong bài thơ, vẻ đẹp của người phụ nữ đã nữ thi sĩ ẩn dụ thông qua hình ảnh bánh trôi nước. Tác giả đã lựa chọn những chi tiết, hình ảnh nổi bật nói lên đặc điểm của bánh trôi để gợi nên vẻ đẹp của người phụ nữ. Sau khi ngợi ca vẻ đẹp của hài hòa về hình thể “vừa trắng lại vừa tròn”, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp về tâm hồn của người phụ nữ trong những câu thơ tiếp theo.
Thành ngữ “Ba chìm bảy nổi” khiến người đọc liên tưởng đến số phận lênh đênh, trôi nổi của kiếp người phụ nữ đã được tác giả Hồ Xuân Hương vận dụng một cách sáng tạo thông qua biện pháp đảo ngữ, tạo nên hình ảnh cách nói đầy ấn tượng “Bảy nổi ba chìm”. “Nước non” đã được chuyển nghĩa gợi lên hoàn cảnh sống và cuộc đời của người phụ nữ trong xã hội xưa. Đó là một cuộc đời truân chuyên, lênh đênh, chìm nổi. Không những thế, họ còn phải chịu đựng kiếp sống bị lệ thuộc, không được làm chủ cuộc đời mình: “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”, mặc theo sự sắp đặt của người khác. Bởi lẽ, trong xã hội phong kiến xưa, khi chế độ nam quyền lên ngôi, người phụ nữ không thể có được tiếng nói riêng mà luôn phải tuân thủ những nguyên tắc của lễ giáo phong kiến: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (Ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, nếu chồng mất thì theo con trai). Như vậy, họ luôn phải chịu số phận lệ thuộc là không được phép làm chủ cuộc đời mình, giống như chiếc bánh trôi, bánh rán hay bánh nát là do người làm bánh khéo hay vụng, số phận của người phụ nữ cũng phải lệ thuộc vào kẻ khác, giống như câu ca dao xưa:
“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”
Nhưng dường như, chính trong những thử thách và bất công đó, vẻ đẹp của người phụ nữ đã được làm nổi bật: “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. Câu thơ sau đã làm nổi bật lên phẩm chất đáng quý, đáng trân trọng của họ, dù cuộc đời phải trải qua chìm nổi, bấp bênh, không có tiếng nói riêng nhưng người phụ nữ vẫn giữ trọn vẹn tấm lòng thủy chung, son sắt. Câu thơ kết thúc đã để lại một ấn tượng khó phai mờ trong lòng độc giả về một vẻ đẹp nhân cách của người phụ nữ vượt lên những bi kịch của cuộc đời.
Thông qua vẻ đẹp thơ mộng và mềm mại của người phụ nữ, tác phẩm “Bánh trôi nước” trở nên giàu giá trị nhân đạo, bởi đằng sau vẻ đẹp của người phụ nữ là cái nhìn đồng cảm, xót thương của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đối với những thân phận chìm nổi, bấp bênh, đồng thời thể hiện thái độ trân trọng, ngợi ca, đề cao vẻ đẹp tâm hồn son sắt, thủy chung của người phụ nữ chân yếu, tay mềm.
Ngôn ngữ được sử dụng trong bài thơ mang tính giản dị, bài thơ “Bánh trôi nước” đã làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn trong sáng, son sắt thủy chung của người phụ nữ trong xã hội phong kiến ở những thời kỳ trước. Bằng việc sử dùng hình ảnh một món ăn dân giã, quen thuộc theo phong tục dân tộc, chúng ta thấy được thái độ trân trọng, đồng cảm đối với thân phận người phụ nữ: “Thiếu một bàn tay, một tâm hồn phụ nữ dân dã như bà, dễ thường như cái bánh trôi chưa vào được văn học
3. Bài văn mẫu phân tích hình ảnh người phụ nữ trong bài Bánh trôi nước ý nghĩa nhất:
Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ hiếm hoi trên thi đàn văn học Việt Nam có số lượng tác phẩm lớn được lưu truyền cho đến ngày nay. Với tiếng nói đại diện cho người phụ nữ, phong cách sáng tác hiện đại, cá tính, phóng khoáng, Hồ Xuân Hương đã khiến người đọc khâm phục tài năng. Bà viết nhiều, viết sâu sắc về phụ nữ Việt nam thời kì phong kiến và bài thơ “Bánh trôi nước” là một bài thơ ẩn dụ về hình ảnh người phụ nữ.
Bài thơ “Bánh trôi nước” được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, tứ thơ cô đọng, nội dung sâu xa thể hiện tiếng nói của kiếp người phụ nữ. Hồ Xuân Hương đã lựa chọn “bánh trôi nước”, một món ăn quen thuộc, bình dị của người dân Việt Nam, làm hình ảnh trung tâm, biểu tượng cho người phụ nữ Việt nam trong xã hội phong kiến:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn”
Có lẽ, những chiếc bánh trôi đã không còn xa lại với mỗi chúng ta. Chỉ mới câu thơ đầu tiên, Hồ Xuân Hương đã miêu tả quá chi tiết hình dáng, màu sắc của chiếc bánh trôi. Tác giả đã dùng từ “thân em” để chỉ chiếc bánh trôi phải chăng là ẩn dụ về chính bản thân mình. Có lẽ, dân gian có rất nhiều cách để viết hay, viết đẹp hơn nữa nhưng Hồ Xuân hương lại chọn cách viết thật, viết đúng, viết sâu như thế này. “Vừa trắng lại vừa tròn” là chuẩn mực cái đẹp của người phụ nữ Việt Nam xưa, một vẻ đẹp hiền lành, phúc hậu. Chiếc bánh trôi trắng và tròn cũng giống như hình dáng của người phụ nữ hiền lành, điềm đạm và khỏe mạnh và ngoan cường.
Câu thơ thứ hai, nhà thơ mượn hình ảnh của việc nấu chín:
“Bảy nổi ba chìm với nước non”
Câu thơ đã khái quát được đầy đủ cách nấu chín bánh trôi trong dân gian, nhưng cặp từ đối “nổi” và ‘chìm’ dường như gợi nhắc sự bấp bênh, trôi nổi vô định của chiếc bánh trôi, hay của chính cuộc đời người phụ nữ. Số từ “ba”, “bảy” phải chăng để ám chỉ những sóng gió, những long đong, lận đận mà người phụ nữ phải trải qua. Dường như xã hội phong kiến đầy áp bức, bóc lột, hành hạ người phụ nữ đến thê thảm, nhưng thân phận thấp cổ bé họng nên không dám kêu ai, không dám than ai vì có ai thấu, có ai hiểu đâu.
Do vậy, họ dường như là sư phó mặc vào người làm bánh, hay chính là phó mặc cho xã hội đầy bất công:
“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”
Phụ nữ sống trong thời kì phong kiến luôn lép vế, phải cam chịu và đầu hàng số phận trước số phận, kệ người ta xô, mặc người ta đẩy mà không dám hé răng nửa lời, chính họ cũng không dám đấu tranh, không dám đòi công bằng.
Mặc dù bị chà đẹp, bóc lột nhưng tâm hồn người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn son sắt:
“Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Dẫu cho cuộc đời nghiệt ngã, bạc bẽo và bất công như thế nào thì sự son sắt và thủy chung của người phụ nữ xưa vẫn luôn là phẩm chất cao đẹp, đáng trân trọng. Hồ Xuân hương đã khám phá ra một nét đẹp hiếm thấy của phụ nữ Việt Nam với tâm hồn thanh khiết, tấm lòng son không hề bị vướng bận, mà thủy chung một mực.
Hồ Xuân Hương quả là một nữ thi sĩ tài ba trong nền văn học Việt Nam xưa. Mặc dù mang thân phận người phụ nữ, nhưng bà luôn biết đấu tranh với số phận, cất tiếng nói lòng thay cho số phận của những người phụ nữ xưa. Với sự tài tình trong ngôn ngữ và đặc biệt lối nói ẩn dụ độc đáo đã vén màn cho người đọc thấy xã hội phong kiến nhiều bất công, thối nát mà trong đó, người phụ nữ phải chịu sự đè nén nhưng vẫn giữ được trái tim thủy chung, son sắt.