Hiện nay, di sản thừa kế là một trong những vấn đề được nhiều cá nhân quan tâm đến. Tuy nhiên, để chia di sản thừa kế thì cần đảm bảo những điều kiện nhất định thì mới được thực hiện. Vậy, Có được phân chia thừa kế thế nào khi có người bị tuyên mất tích? Người bị tuyên là đã chết trở về thì phải làm gì?
Mục lục bài viết
1. Điều kiện tuyên bố mất tích:
Theo Điều 68 Bộ Luật Dân sự năm 2015, một người có thể bị Tòa án tuyên bố mất tích khi đáp ứng các điều kiện sau:
– Cá nhân có thời gian biệt tích 02 năm liền trở lên, người thân, bạn bè không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến cá nhân này như nơi ở, công việc, mối quan hệ xung quanh,..;
– Trong khoảng thời gian biệt tích đã được người thân áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không thu thập được bất kỳ tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết;
– Ngoài ra, những người có quyền, lợi ích liên quan đưa ra yêu cầu tìm kiếm, nhờ sự hỗ trợ từ cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ vấn đề này.
Thời điểm để tính thời gian biệt tích là 02 năm là từ ngày nhận được tin tức cuối cùng về người đó; Trong trường hợp không thể xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; còn nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
Đáng lưu ý:
– Liên quan đến vấn đề giải quyết ly hôn khi vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích có nguyện vọng thực hiện ly hôn thì Tòa án vẫn giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình;
– Một người khi có thời gian biệt tích theo đúng quy định mà có yêu cầu tuyên đã chết và Tòa án đã đưa ra quyết định tuyên bố một người mất tích thì văn bản này cần được gửi về cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích. Cơ quan này khi tiếp nhận thông tin thì thực hiện việc ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
2. Có được phân chia thừa kế khi có người bị tuyên mất tích?
Một người bị coi là mất tích nhưng chưa đủ thời gian hoặc chưa có yêu cầu để Tòa án tuyên là đã chết thì bất kỳ người nào kể cả người được hưởng thừa kế cũng không được tự ý phân chia thừa kế. Tài sản của người này sẽ được giao cho người khác để quản lý. Căn cứ vào Điều 69 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định về việc Quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích như sau:
– Cá nhân nào đang giữ trách nhiệm quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú mà đã được ghi nhận tại Điều 65 của Bộ luật này tiếp tục thực hiện trách nhiệm quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Tòa án tuyên bố mất tích và người quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích phải chịu ràng buộc nhất định về quyền đối với tài sản mình quản lý theo Điều 66 và Điều 67 của Bộ luật này;
– Trong trường hợp Tòa án nhận được yêu cầu giải quyết ly hôn từ người vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.
Như vậy, một người mới chỉ bị tuyên là mất tích thì tài sản sẽ được giao cho cá nhân khác để quản lý trong khoảng thời gian mất tích này. Tài sản của họ sẽ vẫn được giữ nguyên không phát sinh việc phân chia di sản thừa kế.
3. Thủ tục yêu cầu tuyên bố một người mất tích là đã chết như thế nào?
Căn cứ Điều 391 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định người có quyền, lợi ích liên quan nộp đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích là đã chết theo quy định của Bộ luật dân sự.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu tuyên một người đã chết
Việc yêu cầu tuyên bố một người là đã chết thì người yêu cầu cần chuẩn bị hồ sơ như sau:
– Thứ nhất, Đơn yêu cầu (theo mẫu số 92-DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP);
– Thứ hai, Các chứng cứ chứng minh một người được yêu cầu không có tin tức xác thực là còn sống.
Sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ người yêu cầu sẽ nộp hồ sơ đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết đó là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết có nơi cư trú cuối cùng.
Bước 2: Tiếp nhận yêu cầu
Khi Tòa án có thẩm quyền giải quyết nhận được đơn yêu cầu thì tiến hành xét đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết theo quy định tại Điều 392 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
– Tòa án có trách nhiệm đưa ra quyết định thông báo tìm kiếm thông tin về người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết. Việc làm này được diễn ra trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết,
+ Nội dung thông báo, việc công bố thông báo và thời hạn thông báo được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 388 của Bộ luật này.
– Trong thời hạn thông báo, nếu người yêu cầu thay đổi ý kiến và có hành động rút đơn yêu cầu hoặc phát sinh sự việc người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết trở về.Thì cá nhân đưa yêu cầu phải tiến hành thông báo cho Tòa án biết để Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu;
Bước 3. Mở phiên họp xét đơn yêu cầu
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn thông báo thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
Bước 4: Ban hành Quyết định tuyên một người đã chết
Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết; trong quyết định này, Tòa án phải xác định ngày chết của người đó và hậu quả pháp lý của việc tuyên bố một người là đã chết theo quy định của Bộ luật dân sự.
4. Tài sản của người mất tích bị tuyên bố là đã chết được xử lý ra sao?
Căn cứ vào Điều 72 Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì người bị tuyên là đã chết thì dẫn đến Quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của người cũng được đưa ra xem xét và giải quyết theo đúng quy định pháp luật, cụ thể:
– Khi một người bị Tòa án tuyên tuyên bố một người thì quyết định của Tòa có hiệu lực ngay từ lúc ban hành và cá nhân này được coi là đã chết thì dẫn đến quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người đó được giải quyết như đối với người đã chết;
– Xét về quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Theo quy định trên, một người bị tuyên là đã chết sẽ kéo theo nhiều vấn đề xoay quanh người này có sự thay đổi nhất định:
Xét về quan hệ nhân thân: Vợ chồng của người bị tuyên là đã chết hoàn toàn có quyền được giải quyết ly hôn;
Về vấn đề tài sản: thì tài sản của người đã bị tuyên chết sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế. Nếu người này để lại di chúc thì tài sản sẽ được chia theo di chúc, nếu không sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Việc chia thừa kế phải đảm bảo đúng quy định pháp luật như về xác định hàng thừa kế, thủ tục khai nhận di sản,..
5. Giải quyết khi người bị tuyên bố chết trở về:
Quan hệ nhân thân của người bị tuyên bố là đã chết được khôi phục khi Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết, trừ trường hợp sau đây:
+ Sau một khoảng thời gian nhất định mà người vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã có yêu cầu giải quyết ly hôn và được Tòa án cho ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 68 của Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì cho dù người bị tuyên là đã chết có quay trở lại thì quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật;
+ Phát sinh sự kiện vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã kết hôn với người khác thì việc kết hôn đó vẫn được Nhà nước công nhận, bảo vệ;
– Quan hệ tài sản: Người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn.
Trường hợp người thừa kế của người bị tuyên bố là đã chết biết người này còn sống mà có hành vi giấu diếm, lừa dối để cố tình hưởng thừa kế thì người đó có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ tài sản đã nhận, kể cả hoa lợi, lợi tức; trong trường hợp chiếm hữu tài sản này mà gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.
Đáng lưu ý: Khi một người bị tuyên đã chết quay trở lại thì để đảm bảo quyền lợi của mình, cá nhân này đưa ra yêu cầu Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết. Quyết định tuyên bố hủy một người chết tiếp tục được gửi về UBND cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố là đã chết để thực hiện ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
Bộ Luật Dân sự năm 2015.