Giới tính và xác định giới tính? Quyền xác định lại giới tính? Phân biệt xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính?
Mỗi người khi sinh ra được xác định giới tinh thông qua bộ phân sinh dục và những nhận dạng đặc trưng của hai giới. Tuy nhiên, việc xác định giới tính không chỉ dựa vào những yếu tố đó mà còn dựa trên bộ nhiễm sắc thể giới tính mà mỗi người mang. Và trên thực tế có rất nhiều trường hợp một người được xác định là mang một giới tính qua nhận dạng bên ngoài nhưng thực chất họ lại mang một giới tính khác theo bộ nhiễm sắc thể hoặc theo xu hướng giới tính. Theo pháp luật dân sự thì quyền xác định lại giới tính là một trong các quyền cơ bản của quyền con người. Bài viết dưới đây Luật Dương gia sẽ cung cấp các thông tin về quyền xác định lại giới tính và thay đổi giới tính của cá nhân.
Luật sư
* Cơ sở pháp lý:
– Nghị định số 88/2008/NĐ- CP ngày 05 tháng 08 năm 2008 của Chính phủ quy định về xác định lại giới tính
1. Giới tính và xác định giới tính
Giới tính theo quy định của Luật bình đẳng giới thì “giới tính chỉ các đặc điểm sinh học của nam, nữ”. Giới tính chỉ các đặc điểm sinh học và sinh lý học giúp ta phân biệt nam và nữ, đàn ông và đàn bà. Để xem xét giới tính của con người thì cần xem xét đến các yếu tố:
– Về yếu tố di truyền thì giới tính tự nhiên của con người được xác định dựa trên cấu trúc bộ nhiễm sắc thể. Nếu có cặp nhiễm sắc thể XX thì là nữ, cặp nhiễm sắc thể XY là nam.
– Về mặt cấu tạo giải phẫu thì có hai căn cứ, bao gồm: một là, theo tuyến sinh dục bên trong, nếu một người mà có buồng trứng thì mang giới tính nữ, còn nếu có tinh hoàn thì mang giới tính nam. Hai là căn cứ vào các đường sinh dục và các tuyến sinh dục phụ như có vòi trứng, tử cung, âm đạo… thì sẽ là nữ, ngược lại nếu có các ống dẫn tinh, các tuyến tiền liệt, tuyến niệu đạo thì sẽ là nam. Đối với cấu trúc bên ngoài thì xem xét nếu có âm vật, âm hộ, môi lớn, môi nhỏ là nữ còn nếu có dương vật, bìu,.., là nam. –
– Về mặt sinh học lại dựa vào các đặc điểm như đàn ông có tinh hoàn còn phụ nữ thì không có, ngược lại phụ nữ có kinh nguyệt hàng tháng thì đàn ông lại không có.
– Về mặt tâm lý, xã hội người ta lại xem xét, nhận biết giới tính của con người qua các đặc điểm như: tiếng nói, hình dáng bên ngoài, cử chỉ, hành vi, cách ứng xử.
2. Quyền xác định lại giới tính
Quyền xác định lại giới tính được quy định tại Điều 36 Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể:
Điều 36. Quyền xác định lại giới tính
1. Cá nhân có quyền xác định lại giới tính.
Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.
2. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Khuyết tật bẩm sinh về giới tính ở đây được hiểu là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật. Giới tính chưa được định hình chính xác là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét cả về bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính (Khoản 1, Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 88/2008/NĐ- CP). Đây chính là các điều kiện để xác định lại giới tính, có thể chia ra thành:
Về điều kiện bệnh lý: thì căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 88/2008/NĐ- CP đã nêu trên thì khuyết tật bẩm sinh về giới tính được biểu hiện dưới ba dạng đó là lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật. Nam lưỡng giới giả nữ (lưỡng giới giả nam) là trường hợp người có tinh hoàn nhưng cơ quan sinh dục ngoài lại không thành hình hoàn chỉnh, không rõ nam hay nữ, những người này thường có nhiễm sắc thể Y: 46,XY, 47XXY; 47,XYY. Nữ lưỡng giả nam (lưỡng giới giả nữ) là những người có buồng trứng, một người có nhiễm sắc thể đồ kiểu nữ 46,XX nhưng cơ quan sinh dục ngoài lại giống nam. Lưỡng giới thật là những trường hợp trong cùng một cơ thể có cả tinh hoàn và buồng trứng ở dạng bình thường hoặc loại sản; được biểu hiện ở ba dạng: lưỡng giới xen kẽ, lưỡng giới hai bên, lưỡng giới một bên.
Còn về giới tính chưa được định hình chính xác thì đây là trường hợp nhiễm sắc thể giới tính có thể giống như trường hợp nữ lưỡng giới giả nam hoặc nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật nhưng bộ phận sinh dục chưa được biệt hóa hoàn toàn, không thể xác định được chính xác là nam hay nữ.
Bộ luật dân sự hiện hành không có quy định về việc độ tuổi xác định lại giới tính của cá nhân, tức không có bất kì hạn chế gì về vấn đề này. Trong quá trình khám và điều trị, các bác sĩ sẽ cho các lời khuyên để thực hiện phẫu thuật vào thời điểm hợp lý nhất. Quyền xác định lại giới tính là một quyền dân sự, nên việc xác định lại giới tính cho cá nhân cũng phải tuân theo quy định chung về độ tuổi, mà cần có sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ theo từng trường hợp cụ thể.
Có thể dễ dàng nhận thấy, đối với người xác định lại giới tính, các đặc điểm trên cơ thể của họ bị khuyết tật ngay từ khi sinh ra, không có vấn đề gì về mặt giới tính xã hội, bản thân họ chỉ không có sự thống nhất giữa giới tính sinh học thực chất và bộ phận sinh dục. Trong các trường hợp này, những người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính, họ hoàn toàn hài lòng với giới tính bẩm sinh mà họ có, không có sự chênh nhau giữa giới tính sinh học bẩm sinh và giới tính xã hội, họ như những người bình thường khác.
Sự khuyết tật về giới tính cũng như nhu cầu được xác định lại giới tính là vấn đề mang tính cá nhân, thể hiện quyền nhân thân của mỗi người. Vì vậy, việc xác định lại giới tính phải được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, khách quan, trung thực khoa học. Không một cá nhân hay tổ chức nào có quyền bắt buộc người bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc chưa được định hình chính xác phải tiến hành xác định lại giới tính bằng cách can thiệp y tế, nếu không phải do tự thân, ý chí của người đó quyết định, mong muốn được trở về đúng với giới tính, đúng với con người thực.
Người được xác định lại phải chị trách nhiệm trước pháp luật về việc đã thực hiện xác định lại giới tính. Cha mẹ và người giám hộ cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đã xác định lại giới tính của con hoặc người được giám hộ.
Tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 88/2008/NĐ- CP quy định: “Giữ bí mật về các thông tin liên quan đến người xác định lại giới tính, trừ trường hợp có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ phục vụ cho việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố và xét xử liên quan đến việc xác định lại giới tính.” Quyền xác định lại giới tính là một vấn đề mang tính cá nhân, tương đối nhạy cảm nên bí mật về các thông tin liên quan đến người được xác định lại giới tính sẽ được pháp luật bảo vệ. Các cơ quan chức năng có liên quan phải tuyệt đối giữ bí mật các thông tin liên quan đến họ; trừ một số trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định như trường hợp có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tiến hành yêu cầu những người đã được xác định lại giới tính cung cấp hồ sơ phục vụ cho việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố và xét xử liên quan đến việc xác định lại giới tính của họ. Bất kỳ hành vi tiết lộ thông tin về việc xác định lại giới tính của người khác hoặc phân biệt đối với đối với người đã xác định lại giới tính sẽ chịu các chế tài theo quy định pháp luật.
Bộ Luật dân sự 2015 đã có những quy định mới về quyền xác định lại giới tính so với Bộ luật dân sự năm 2005 bảo đảm cho mỗi người được sống theo đúng giới tính của mình. Đó chính là việc bổ sung khoản 3, về việc đăng ký hộ tịch cũng như các vấn đề về quyền nhân thân khác, vì khi giới tính của cá nhân được xác định lại, có sự thay đổi lại so với giới tính ban đầu thì việc thay đổi thông tin đăng ký hộ tịch là đương nhiên và kéo theo sự thay đổi của các quyền khác.
Việc xác định lại giới tính hiện nay cần được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật cả về thay đổi về mặt sinh học cũng như mặt pháp lý. Pháp luật hiện này quy định thủ tục tiến hành xác định lại giới tính tại Nghị định số 88/2008/NĐ- CP và các văn bản hướng dẫn khác. Các quy định này khác chi tiết, thủ tục đơn giản, nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho những người có nhu cầu xác định lại giới tính đi cải chính lại hộ tích để sống đúng với bản thân mình.
3. Phân biệt xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính
Xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau nhưng có rất nhiều người lại nhầm lẫn, coi hai vấn đề này là một.
Về bản chất, xác định lại giới tính nhằm trả lại giới tính thực của những người bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Còn chuyển đổi giới tính là người đang là giới tính nam nhờ sự can thiệp bằng phẫu thuật chuyển sang giới tính nữ và ngược lại, về mặt sinh học, giải phẫu họ đã hoàn thiện, không có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác.
Về căn cứ xác định lại giới tính thì chỉ được xác định lại giới tính khi bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Còn căn cứ để chuyển đổi giới tính được thực hiện theo mong muốn, nhu cầu của cá nhân.