Hiện nay khi mở thừa kế, những người được thừa kế thường nghe đến những trường hợp tước quyền thừa kế và truất quyền thừa kế. Điều này khiến cho nhiều người khó phân biệt được thế nào là tước quyền thừa kế, thế nào là truất quyền thừa kế và thậm chí nhiều người có suy nghĩ hai khái niệm này là một. Bài viết sau đây sẽ giúp quý bạn đọc phân biệt giữa tước quyền thừa kế và truất quyền thừa kế.
Mục lục bài viết
1. Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về thừa kế?
Thừa kế được hiểu là sự dịch chuyển tài sản thuộc sở hữu của người đã chết sang cho người còn sống được hưởng. Tài sản thừa kế được để lại đó còn được gọi là di sản thừa kế.
Theo quy định của pháp luật dân sự về thừa kế hiện hành thì hiện nay có 02 hình thức thừa kế như sau:
Thứ nhất, thừa kế theo di chúc mà người chết để lại theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015. Đây là hình thức thừa kế theo sự định đoạt của người đã chết khi họ còn sống về tài sản của mình khi chết sẽ dịch chuyển sang cho ai sở hữu;
Thứ hai, thừa kế theo pháp luật theo quy định tại Điều 649 Bộ luật Dân sự năm 2015. Đây là hình thức thừa kế theo nguyên tắc mà pháp luật đặt ra theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 560 Bộ luật Dân sự hiện hành thì chỉ thực hiện chia thừa kế theo pháp luật trong các trường hợp sau đây:
– Người chết có di sản thừa kế không để lại di chúc;
– Người chết để lại di chúc nhưng di chúc không hợp pháp theo quy định của pháp luật;
– Người thừa kế theo di chúc để lại nhưng lại chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; hoặc cơ quan hay tổ chức được hưởng di sản thừa kế theo di chúc không còn tồn tại hoạt động vào thời điểm mở thừa kế theo di chúc;
– Những người được chỉ định làm hưởng hưởng thừa kế theo di chúc được định đoạt theo ý chí của người lập di chúc không có quyền hưởng di sản do bị pháp luật tước quyền thừa kế hoặc từ chối nhận di sản thừa kế.
Ngoài ra trong một số trường hợp được quy định tại khoản 2 điều 650 Bộ luật Dân sự hiện hành mặc dù được định đoạt theo di chúc nhưng vẫn có thể chia thừa kế theo pháp luật. Cụ thể các trường hợp được quy định như sau:
– Chia thừa kế theo pháp luật nhưng có phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
– Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
– Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản do bị pháp luật tước quyền thừa kế, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
2. Thế nào là tước quyền thừa kế?
Hiện nay pháp luật Dân sự chưa quy định cụ thể về khái niệm “tước quyền thừa kế”. Nhưng dựa vào các quy định pháp luật và thực tiễn giải quyết thì có thể hiểu tước quyền thừa kế là người có quyền được hưởng thừa kế theo di chúc và hưởng thừa kế theo pháp luật nhưng có hành vi xâm phạm đến người để lại di sản thừa kế, có những hành vi trái với quy định của pháp luật và thừa kế thì sẽ bị pháp luật tước đi quyền thừa kế.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì những đối tượng sau đây sẽ bị tước quyền thừa kế:
– Người bị kết án về các tội liên quan đến xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của người khác hoặc bị kết án về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ đối với người để lại di sản thừa kế, xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người để lại di sản thừa kế;
– Người bị tước quyền thừa kế là người vi phạm nghiêm trọng đến nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản. Theo quy định của pháp luật về dân sự cũng như pháp luật về hôn nhân và gia đình thì nghĩa vụ nuôi dưỡng đặt ra khi người thừa kế và người để lại di sản có quan hệ ông, bà, cháu hoặc anh, chị, em;
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm đến sức khoẻ, tính mạng của người khác với mục đích hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản thừa kế mà chết để lại;
– Người có hành vi lừa dối hoặc cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; người có hành vi sửa chữa di chúc hoặc giả mạo di chúc, huỷ di chúc với mục đích để hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người có di sản để lại.
3. Thế nào là truất quyền thừa kế?
Truất quyền thừa kế được đặt ra theo ý chí cá nhân của người lập di chúc để lại di sản thừa kế của mình. Căn cứ theo quy định tại Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người lập di chúc được quy định có các quyền sau:
– Quyền chỉ định người thừa kế, chỉ định người bị truất quyền hưởng di sản thừa kế;
– Quyền phân chia, định đoạt di sản cho từng người thừa kế;
– Quyền dành một phần tài sản trong khối di sản của mình để dùng cho di tặng, thờ cúng;
– Quyền giao nghĩa vụ đối với sử dụng tài sản cho người được thừa kế;
– Quyền chỉ định người giữ di chúc của mình, người có quyền quản lý di sản và chỉ định người phân chia di sản.
Như vậy, truất quyền thừa kế là quyền của người lập di chúc, truất quyền hưởng di sản thừa kế của người thừa kế theo quy định tại khoản 1 Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2015. Truất quyền thừa kế được xác định là ý chí, sự quyết định của người lập di chúc không cho người thừa kế được hưởng di sản của mình. Do đó người bị truất quyền thừa kế sẽ không được hưởng di sản thừa kế theo di chúc mà người chết để lại.
Theo đó, trường hợp bị truất quyền thừa kế là do người lập di chúc tự chỉ định người không được hưởng di sản. Việc người lập di chúc truất quyền thừa kế của người thừa kế có thể là xuất phát mâu thuẫn cá nhân, hoặc người thừa kế đó không tạo được niềm tin từ người lập di chúc.
4. Phân biệt giữa trước quyền thừa kế và truất quyền thừa kế:
Để phân biệt giữa tước quyền thừa kế và truất quyền thừa kế thì cần dựa vào các tiêu chí sau đây:
4.1. Chủ thể thực hiện quyền tước quyền thừa kế và truất quyền thừa kế:
– Đối với trường hợp tước quyền thừa kế: Pháp luật là chủ thể trực tiếp thực hiện việc tước quyền thừa kế của những người thuộc trường hợp bị tước quyền thừa kế theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Đối với trường hợp truất quyền thừa kế: Người lập di chúc là chủ thể có quyền truất quyền hưởng di sản thừa kế của người được thừa kế di sản của mình theo ý chí, nguyện vọng của bản thân mà không cần nêu rõ lý do.
4.2. Chủ thể bị tước quyền thừa kế và truất quyền thừa kế:
– Đối với trường hợp tước quyền thừa kế: chủ thể bị tước quyền thừa kế là những người thừa kế theo pháp luật và những người thừa kế theo di chúc;
– Đối với trường hợp truất quyền thừa kế: chủ thể bị truất quyền thừa kế chỉ là những người thừa kế theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp có phần di sản hoặc toàn bộ di sản được chia theo pháp luật thì người bị truất quyền thừa kế vẫn có thể hưởng di sản thừa kế của người chết để lại.
4.3. Nội dung của tước quyền thừa kế và truất quyền thừa kế:
– Đối với trường hợp tước quyền thừa kế: Người bị tước quyền thừa kế sẽ không được hưởng di sản theo pháp luật đối với những hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự hiện hành như: người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm sức khoẻ, tính mạng người để lại di sản, ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản với mục đích chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ di sản thừa kế; có hành vi giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc…để làm cho sai lệch thông tin di chúc nhằm mục đích chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ di sản thừa kế,…, trừ người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc hoặc không được hưởng di sản theo di chúc, kể cả những người hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc;
– Đối với trường hợp truất quyền thừa kế: Căn cứ theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì những người thừa kế bị truất quyền thừa kế là những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc kể cả bị người lập di chúc truất quyền hưởng di sản thì vẫn sẽ được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trừ trường hợp họ từ chối nhận di sản hoặc bị pháp luật tước quyền thừa kế di sản.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: Bộ luật Dân sự năm 2015.