Thuế thu nhập cá nhân: Mức đóng, thu nhập chịu thuế và miễn thuế. Đối tượng phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định mới nhất?
Thuế là nguồn thu chủ yếu của Ngân sách nhà nước và là khoản nộp mang tính bắt buộc đối với cá nhân và pháp nhân. Một trong những khoản thuế bắt buộc mà mọi người phải đóng đó là thuế thu nhập cá nhân. Thuế thu nhập cá nhân được trích vào ngân sách nhà nước dựa trên tiền lương hoặc nguồn thu nhập khác trên thực tế của cá nhân. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người vẫn còn đang băn khoăn về mức đóng, thu nhập chịu thuế và việc miễn thuế trong một số trường hợp như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mức đóng thuế, thu nhập chịu thuế của thuế thu nhập cá nhân:
Trường hợp 1: Đối với cá nhân cư trú có
Theo quy định tại Thông tư 111/2013/TT-BTC việc xác định mức đóng thuế thu nhập cá nhân theo biểu lũy tiến từng phần.
Công thức tính thuế thu nhập cá nhân theo biểu lũy tiến từng phần như sau
Thuế TNCN = Thu nhập tính thuế x Thuế suất
Trong đó
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ
Theo đó, thu nhập chịu thuế được xác định là tổng thu nhập của cá nhân được tổ chức chi trả đó là tiền lương, tiền công hoặc các khoản thu nhập chịu thuế khác có tính chất tiền lương, tiền công mà cơ quan, tổ chức đã chi trả cho cá nhân. Lưu ý rằng các khoản sau sẽ không được tính vào thu nhập chịu thuế bao gồm:
+ Tiền phụ cấp điện thoại
Theo đó các khoản chi tiền điện thoại cho cá nhân được quy định trong các hợp đồng lao động, các
Giả sử, theo quy định tại Công ty A, nhân viên B được trả tiền phụ cấp điện thoại là 500.000 đồng thì số tiền miễn thuế của nhân viên B sẽ là 500.000 đồng.
+ Phụ cấp công tác phí theo quy định
Trong trường hợp tiền công tác phí trong thực tế phát sinh như tiền ăn, tiền phòng, tiền khách sạn, tiền vé máy bay…thì khi cá nhân có đầy đủ các hóa đơn chứng từ chứng minh, cá nhân đó sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân. Trong trường hợp tổ chức chi tiền công tác phí cho người lao động cao hơn mức khoán chi quy định thì phần chi cao hơn sẽ được tính vào thuế thu nhập cá nhân.
+ Phụ cấp về trang phục
Khi cá nhân được cơ quan, tổ chức phát miễn phí trang phục thì sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân. Trong trường hợp phụ cấp trang phục bằng tiền thì được miễn tối đa 5 triệu đồng/ Người/ Năm.
Ví dụ: Nhân viên C được công ty cấp phát trang phục trong đó có 7 triệu tiền mặt và 2 triệu bằng hiện vật thì số tiền bị tính thuế sẽ là 2 triệu (do tiền mặt theo quy định không được vượt quá 5 triệu đồng).
+ Tiền ăn trưa
Theo Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH thì trong trường hợp doanh nghiệp không tổ chức nấu ăn cho người lao động thì người lao động sẽ được miễn tối đa thuế thu nhập cá nhân 730.000 đồng/ người/ tháng. Nếu doanh nghiệp tổ chức nấu ăn cho người lao động thì cá nhân được miễn thuế thu nhập cá nhân.
+ Tiền xăng xe, chi phí đi lại
Trong trường hợp tiền xăng xe, chi phí đi lại thuộc công tác phí thì sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân. Còn trong tiền đi lại, tiền xăng xe được hưởng cố định hàng tháng được xác định trên bảng lương thì khi cá nhân nhận khoản tiền này sẽ phải tính thuế thu nhập cá nhân.
Các khoản giảm trừ để tính thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
– Giảm trừ gia cảnh:
+ Đối với giảm trừ bản thân người lao động sẽ là 9.000.000 đồng/tháng.
+ Đối với giảm trừ người phụ thuộc là 3.600.000 đồng/ người/tháng.
– Các khoản làm từ thiện, nhân đạo khi cá nhân có giấy chứng nhận, các khoản khuyến học
– Các khoản đóng bảo hiểm đó là: bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc.
Thuế suất
Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền công, tiền lương được áp dụng theo Biểu thuế lũy tiến từng phần theo Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:
Bậc | Thu nhập tính thuế /tháng | Thuế suất | Tính số thuế phải nộp | |
Cách 1 | Cách 2 | |||
1 | Đến 5 triệu đồng (trđ) | 5% | 0 trđ + 5% TNTT | 5% TNTT |
2 | Trên 5 trđ đến 10 trđ | 10% | 0,25 trđ + 10% TNTT trên 5 trđ | 10% TNTT – 0,25 trđ |
3 | Trên 10 trđ đến 18 trđ | 15% | 0,75 trđ + 15% TNTT trên 10 trđ | 15% TNTT – 0,75 trđ |
4 | Trên 18 trđ đến 32 trđ | 20% | 1,95 trđ + 20% TNTT trên 18 trđ | 20% TNTT – 1,65 trđ |
5 | Trên 32 trđ đến 52 trđ | 25% | 4,75 trđ + 25% TNTT trên 32 trđ | 25% TNTT – 3,25 trđ |
6 | Trên 52 trđ đến 80 trđ | 30% | 9,75 trđ + 30% TNTT trên 52 trđ | 30 % TNTT – 5,85 trđ |
7 | Trên 80 trđ | 35% | 18,15 trđ + 35% TNTT trên 80 trđ | 35% TNTT – 9,85 trđ |
Ví dụ: Anh Nguyễn Văn Bình ký hợp đồng với công ty X với thời hạn là 24 tháng. Tháng 10/2018 anh Bình được nhận các khoản tiền sau:
+ Tiền lương theo ngày công làm việc trên thực tế: 20.000.000 đồng
+ Tiền phụ cấp ăn trưa: 600.000 đồng
+ Tiền phụ cấp điện thoại: 200.000 đồng
+ Tiền thưởng: 1.000.000 đồng
Ngoài ra, anh Bình đã đăng ký người phụ thuộc tại công ty và đang nuôi con dưới 18 tuổi. Anh Bình tham gia đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc.
Tính thuế thu nhập cá nhân của anh Bình trong tháng 10/2018.
1. Tổng thu nhập của anh Bình: 20.000.000 + 600.000 + 200.000 + 1.000.000 = 21.800.000 đồng
2. Các khoản bảo hiểm bắt buộc của anh Bình
+ BHXH = 20.000.000 đồng x 8% = 1.600.000 đồng
+ BHYT = 20.000.000 đồng x 1,5% = 300.000 đồng
+ BHTN = 20.000.000 đồng x 1% = 200.000 đồng
Tổng các khoản bảo hiểm là: 2.100.000 đồng
3. Các khoản giảm trừ của anh Bình
+ Bản thân: 9.000.000 đồng
+ Người phụ thuộc: 3.600.000 đồng
=> Tổng các khoản giảm trừ là: 12.600.000 đồng
4. Các khoản được miễn thuế : 500.000 đồng ( tiền ăn trưa)
5. Xác định thu nhập tính thuế
Thu nhập tính thuế = Tổng thu nhập – ( các khoản giảm trừ + các khoản bảo hiểm + các khoản được miễn thuế ) = 21.800.000 – ( 12.600.000 + 2.100.000 + 600 )= 6.500.000 đồng
Với mức thu nhập tính thuế của anh Bình là 6.500.000 đồng => thuộc bậc 2 trong bảng thuế lũy tiến từng phần
6. Số thuế thu nhập cá nhân mà anh Bình phải nộp
Số thuế TNCN = 10% x 6.500.000 – 250.000 = 400.000 đồng
Trường hợp 2: Đối với cá nhân cư trú có ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động
Trong trường hợp cá nhân cư trú có ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động có tổng thu nhập tiền lương hoặc tiền công từ 2.000.000 đồng trở lên thì thuế thu nhập cá nhân khấu trừ 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.
Ví dụ: Chị Trần Thị Hoa có ký hợp đồng lao động với công ty Y là 02 tháng. Tổng thu nhập của chị Hoa là 3.000.000 đồng ( bao gồm 2.500.000 tiền lương và 500.000 đồng tiền phụ cấp ăn trưa)
Như vậy, thuế thu nhập cá nhân phải khấu trừ của chị Hoa là : 3.000.000 x 10% = 300.000 đồng
Trường hợp 3: Đối với cá nhân không cư trú:
Thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp cá nhân không cư trú được xác định đối với người nước ngoài thì mức khấu trừ là 20% trên tổng thu nhập tiền công, tiền lương.
Ví dụ: Ông John là người nước ngoài đến Việt Nam có thời gian 150 ngày có mặt tại Việt Nam. Ông John được xác định là cá nhân cư trú. Thu nhập chịu thuế của ông John từ tiền lương tại công ty Z của Việt Nam là 5.000.000 đồng. Như vây, thuế thu nhập cá nhân mà ông John phải đóng là:
Thuế TNCN = 5.000.000 đồng x 20% = 1.000.000 đồng
Lưu ý: Thu nhập chịu thuế đó được xác định là thu nhập phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Cá nhân không cư trú là người nước ngoài chỉ phải đóng thuế thu nhập với thu nhập phát sinh tại Việt Nam. Đối với tiền lương, tiền công của người đó phát sinh tại nước ngoài thì sẽ không phải áp dụng thuế thu nhập cá nhân
2. Các trường hợp miễn thuế thu nhập cá nhân:
Căn cứ vào điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 thì có các trường hợp được miễn thuế thu nhập cá nhân như sau:
– Trường hợp đối với các thu nhập từ việc chuyển nhượng bất động sản giữa cha mẹ ruột với con ruột, giữa vợ và chồng với nhau, giữa cha mẹ nuôi với con nuôi, giữa ông bà nội với cháu nội, ông bà ngoại với cháu ngoại, giữa bố mẹ chồng với con dâu, giữa bố mẹ vợ với con rể hoặc giữa anh chị, em ruột với nhau.
Ví dụ: Ông A và bà B là vợ chồng. Ông A có để lại di chúc chuyển nhượng mảnh đất cho bà B. Khi ông A chết, bà B được quyền sử dụng mảnh đất. Do đó, hoạt động chuyển nhượng mảnh đất trên của ông A sang bà B sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
– Trường hợp đối với thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được nhà nước giao đất
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn An là sĩ quan quân đội được đơn vị cấp cho 01 nhà ở công vụ của Nhà nước, do đó trong trường hợp này, ông An được nhận quyền sử dụng đất của căn nhà đó và không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
– Trường hợp cá nhân chỉ có một đất ở, nhà ở duy nhất sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập phát sinh từ việc chuyển nhượng đất ở, nhà ở và tài sản gắn liền với đất của cá nhân đó.
Ví dụ: Anh Cường có 01 căn nhà và được chính quyền địa phương xác nhận đó là căn nhà duy nhất của anh Cường. Do đi làm ăn xa, anh Cường muốn bán căn nhà đó. Như vậy, anh Cường sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp này.
– Trường hợp cá nhân được nhận quà tặng hoặc thừa kế đối với tài sản là bất động sản giữa cha mẹ đẻ với con đẻ, giữa vợ và chồng với nhau, giữa cha mẹ nuôi với con nuôi, cha mẹ chồng với con dâu, cha mẹ vợ với con rể, giữa ông bà nội với cháu nội, ông bà ngoại với cháu ngoại, giữa anh chị em ruột với nhau.
Ví dụ: Ông Hòa có một mảnh đất tại Hà Nội và làm di chúc để lại mảnh đất cho anh Thắng là con đẻ của ông. Như vậy, khi ông Hòa chết, anh Thắng sẽ được hưởng di sản thừa kế của bố mình để lại và không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
– Trường hợp cá nhân hoặc hộ gia đình trực tiếp nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, làm muối chỉ qua sơ chế thông thường hoặc chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác.
Ví dụ: Chị H là nông dân trồng lúa nước chưa thu hoạch theo vụ mùa nên chị H không phải đóng thuế thu nhập cá nhân
– Miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kiều hối
Việc xác định thu nhập từ kiều hối dựa vào các giấy tờ của cá nhân chứng minh được rằng nguồn tiền nhận được từ nước ngoài. Thu nhập kiều hối được hiểu đó là các khoản tiền mà cá nhân nhận được từ người Việt Nam đang đi công tác, học tập hay lao động ở nước ngoài hoặc người Việt Nam đang định cư tại nước ngoài gửi tiền về cho nhân thân của mình.
– Đối với trường hợp cá nhân xác định khoản thu nhập từ việc chuyển đổi đất nông nghiệp của cá nhân, hộ gia đình được Nhà nước giao để sản xuất.
Theo đó, khi chuyển đổi đất nông nghiệp để hợp lý hóa sản xuất nhưng không làm thay đổi mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp và được nhà nước giao đất để sản xuất thì cá nhân sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân.
– Trường hợp cá nhân xác định có phần tiền lương hưu do quỹ hưu trí tự nguyện chi trả hàng tháng hoặc tiền lương do Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả.
– Trường hợp cá nhân có thu nhập được xác định là tiền lương làm thêm ngoài giờ, tiền lương làm thêm vào ban đêm đã được trả cao hơn so với phần tiền lương làm trong giờ hoặc tiền lương làm việc ban ngày theo quy định của pháp luật.
Giả sử, chị Huyền có mức lương trả trong một ngày làm việc bình thường là 60.000 đồng/ giờ. Chị Huyền có làm thêm theo giờ làm việc trong ngày bình thường và được trả 90.000 đồng/ giờ theo đúng quy định của pháp
– Miễn thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp thu nhập từ học bổng, bao gồm:
+ Các khoản học bổng nhận được từ ngân sách nhà nước đó là các học bổng của bộ giáo dục và đào tạo, sở giáo dục đào tạo hay các quyết định trao học bổng của các trường công lập cho học sinh, sinh viên hoặc các học bổng khác được ngân sách nhà nước chi trả.
+ Học bổng nhận được từ tổ chức trong nước và ngoài nước theo chương trình hỗ trợ khuyến học của tổ chức đó.
– Trường hợp cá nhân xác định khoản thu nhập từ việc bồi thường tai nạn lao động, các khoản bồi thường của Nhà nước, hay các khoản thu nhập bồi thường từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ hoặc các khoản bồi thường khác mà pháp luật quy định.
Ví dụ: Vụ án oan hơn 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn trú tại Bắc Giang được Nhà nước bồi thường 7,2 tỷ đồng. Do đó ông Chấn không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
– Trong trường hợp cá nhân nhận được khoản thu nhập từ quỹ từ thiện do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, không nhằm mục đích lợi nhuận thì sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân.
– Các thu nhập của cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu và cá nhân làm việc trên tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ.
Ví dụ: Ông Minh là chủ tàu X hoạt động đánh bắt thủy sản tại quần đảo Trường Sa. Do đó, thu nhập hàng tháng của ông Minh khi thực hiện hoạt động đánh bắt thủy sản sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
– Trường hợp cá nhân nhận được các khoản thu nhập từ nguồn viện trợ nước ngoài hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dưới hình thức chính phủ và phi chính phủ.
– Trường hợp đối với thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế thì sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của mình.
Việc nộp thuế thu nhập cá nhân vừa là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân qua đó giúp Nhà nước thực hiện chính sách công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa những người có thu nhập và hoàn cảnh khác nhau. Tiền thuế của cá nhân được nhà nước chi trả cho giáo dục, y tế, an ninh quốc gia, an sinh xã hội đó đều là những lợi ích mà công dân được hưởng.