Phá hoại tài sản người khác bị tội gì? Xử phạt hành chính, xử lý hình sự khi phá hoại tài sản của người khác? Trách nhiệm bồi thường khi hủy hoại tài sản của người khác?
Bên cạnh quyền nhân thân thì quyền về tài sản cũng là một quyền quan trọng và được pháp luật bảo vệ đối với mỗi cá nhân. Do vậy, thực tế nếu hành vi phá hoại tài sản của người khác xảy ra sẽ chịu những chế tài xử lý nghiêm khắc của pháp luật. Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Phá hoại tài sản người khác bị tội gì?
Phá hoại tài sản người khác trước hết có thể hiểu là hành vi mang tính chất cố ý của cá nhân nhằm mục đích làm cho tài sản của người khác bị hư hỏng, làm giảm giá trị hoặc mất giá trị sử dụng. Hành vi phá hoại tài sản đó có thể thông qua nhiều phương thức cụ thể, bao gồm:
– Đập phá đồ đạc
– Đốt cháy đồ đạc
– Cố ý bỏ mặc tài sản của người khác bị hư hỏng,…
Với hành vi phá hoại tài sản trên, tùy thuộc vào mức độ hậu quả gây ra mà áp dụng chế tài xử lý vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 178
1.1. Xử lý vi phạm hành chính:
Căn cứ tại điểm a Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
“2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này”
Như vậy, với hành vi hủy hoại, phá hủy tài sản của người khác chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
1.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như sau:
– Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm
+ Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hộ
+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ
+ Tài sản là di vật, cổ vật.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Có tổ chứ
+ Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng
+ Tài sản là bảo vật quốc gia
+ Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác
+ Để che giấu tội phạm khác
+ Vì lý do công vụ của người bị hại
+ Tái phạm nguy hiểm.
– Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
– Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
– Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Phân tích cấu thành tội phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản:
Chủ thể:
– Là người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đủ tuổi theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi 2017 thì:
+ Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật hình sự 2015.
Khách thể:
Khách thể của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản xâm phạm đến quan hệ sở hữu.
Mặt khách quan của tội phạm:
* Hành vi khách quan:
Hành vi làm cho tài sản của người khác bị hư hỏng đến mức mất hẳn giá trị hoặc giá trị sử dụng hoặc bị tiêu hủy hoàn toàn hoặc hành vi làm tài sản của người khác bị mất một phần hoặc giảm giá trị, giá trị sử dụng nhưng ở mức độ có thể khôi phục lại được. Hành vi nói trên được thực hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Cụ thể:
– Thông qua dạng hành động: ví dụ như hành động đập phá đồ đạc; đốt đồ đạc;… làm cho tài sản bị hư hỏng hoặc bị tiêu hủy đi hoàn toàn.
– Thông qua dạng không hành động: là việc bỏ mặc cho tài sản người khác rơi vào tình trạng bị hư hại hoặc tiêu hủy hoàn toàn.
* Hậu quả xảy ra:
– Giá trị tài sản bị thiệt hại từ hai triệu đồng trở lên
– Giá trị tài sản bị thiệt hại chưa đến hai triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
Mặt chủ quan:
Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.
2. Trách nhiệm bồi thường khi hủy hoại tài sản của người khác:
Thực tế, khi cá nhân có hành vi hủy hoại tài sản của người khác, ngoài việc chịu chế tài xử lý phạt vi phạm hành chính hay chịu trách nhiệm hình sự thì người hủy hoại tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường về dân sư cho bên bị thiệt hại.
Điều 589
– Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng
– Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút
– Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại
– Thiệt hại khác do luật quy định.
Bên cạnh đó, tại Điều 584 cũng quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
– Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
– Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
– Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015.
Như vậy, việc tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng là căn cứ xác định tài sản bị xâm phạm có thiệt hại xảy ra. Có thiệt hại sẽ có trách nhiệm bồi thường.
3. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại:
– Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
– Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
– Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
– Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
– Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
4. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân:
– Với người đủ từ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
– Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.
– Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi: gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.