Thời hiệu theo quy định là một trong những điều kiện để Tòa án thụ lý đơn khởi kiện. Vậy nộp đơn khi hết thời hiệu khởi kiện thì Tòa có thụ lý không?
Mục lục bài viết
- 1 1. Thế nào là thời hiệu khởi kiện?
- 2 2. Nộp đơn khi hết thời hiệu khởi kiện thì Tòa có thụ lý không?
- 3 3. Thời gian nào không được tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự?
- 4 4. Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự khi nào?
- 5 5. Sau khi bị trả lại đơn khởi kiện thì đương sự có được nộp đơn khởi kiện lại?
1. Thế nào là thời hiệu khởi kiện?
Thời hiệu khởi kiện được hiểu là thời hạn chủ thể được quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự để bảo vệ quyền cũng như lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm. Khi khoảng thời gian đó kết thúc thì coi như đương sự mất quyền khởi kiện.
Thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Thời hiệu có những loại thời hiệu cụ thể như sau:
– Thời hiệu khởi kiện về tranh chấp hợp đồng dân sự: 03 năm.
– Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại: 03 năm.
– Thời hiệu khởi kiện thừa kế đối với yêu cầu chia di sản thừa kế: 10 năm (đối với động sản); 30 năm (đối với bất động sản).
– Thời hiệu đối với yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác: 10 năm.
– Thời hiệu khởi kiện về hư hỏng, mất mát hàng hóa: 01 năm tính từ ngày trả hàng hoặc phải trả hàng cho người nhận hàng.
– Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng vận chuyển: 02 năm tính từ ngày người khởi kiện biết hoặc phải biết quyền lợi của mình bị xâm phạm.
Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật dân sự năm 2015 thì có những trường hợp sẽ không áp dụng thời hiệu khởi kiện, cụ thể gồm:
– Trường hợp yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.
– Trường hợp yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu (ngoại trừ trường hợp luật có quy định khác).
– Trường hợp tranh chấp về quyền sử dụng đất trên cơ sở pháp luật về đất đai.
– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Nộp đơn khi hết thời hiệu khởi kiện thì Tòa có thụ lý không?
Căn cứ Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về việc Thẩm phán sẽ trả lại đơn khởi kiện khi thuộc các trường hợp sau đây:
(1) Người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định hoặc không đáp ứng đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự.
(2) Người khởi kiện chưa đáp ứng đủ điều kiện để khởi kiện.
(3) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(ngoại trừ trường hợp những vụ án mà Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại)
(4) Người khởi kiện không thực hiện nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án theo thời hạn quy định.
(5) Có yêu cầu của Thẩm phán yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện nhưng người khởi kiện không thực hiện.
(6) Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
(7) Người khởi kiện rút đơn khởi kiện.
Thời hiệu khởi kiện là một trong những điều kiện để khởi kiện. Do đó, nếu như vụ án đã hết thời hiệu khởi kiện thì người khởi kiện sẽ mất quyền khởi kiện và Thẩm phán sẽ trả lại đơn khởi kiện, không thụ lý vụ án.
Khi không thụ lý vụ án, Tòa án trả lại đơn khởi kiện sẽ phải có văn bản và nêu rõ lý do trả lại đơn khởi kiện là gì.
Bên cạnh đó, Thẩm phán sẽ gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ mà Thẩm phán trả lại cho người khởi kiện phải được sao chụp và lưu tại Tòa án để làm cơ sở giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu.
3. Thời gian nào không được tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự?
Theo quy định tại Điều 156 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định những khoảng thời gian không được tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bao gồm:
– Có sự kiện bất khả kháng xảy ra hoặc các trở ngại khách quan dẫn đến hậu quả là làm cho chủ thể có quyền khởi kiện không thể thực hiện quyền khởi kiện được. Theo đó, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép như mưa bão, lũ lụt, hỏa hoạn,…
Còn trở ngại khách quan xuất phát từ hoàn cảnh khách quan tác động đến khiến cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không biết được quyền lợi của mình xâm phạm hoặc không thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình.
– Trường hợp người có quyền khởi kiện là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện.
– Trường hợp Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế khi:
+ Vì lý do chính đáng người đại diện không thể tiếp tục đại diện được.
+ Người đại diện là cá nhân chết hoặc người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại.
4. Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự khi nào?
Căn cứ Điều 157 Bộ luật dân sự 2015 quy định thời hiệu khởi kiện vụ án sẽ được bắt đầu lại khi:
– Bên có nghĩa vụ thừa nhận một phần hoặc thừa nhận toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện.
– Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc đã thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện.
– Các bên khởi kiện và người bị kiện đã tự hòa giải được với nhau.
Và theo quy định thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự sẽ bắt đầu từ ngày tiếp theo sau thời gian xảy ra các sự kiện như quy định trên.
Để việc áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự chính xác và có căn cứ pháp luật, các đương sự phải nhận thức đầy đủ về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự nhằm kịp thời thực hiện quyền khởi kiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
5. Sau khi bị trả lại đơn khởi kiện thì đương sự có được nộp đơn khởi kiện lại?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự, đương sự sẽ có quyền nộp đơn khởi kiện lại khi:
– Người khởi kiện đã có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự.
– Đương sự đã có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định.
– Yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại.
– Các trường hợp khác theo quy định pháp luật.
Lưu ý: đương sự sẽ không được nộp lại đơn khởi kiện khi việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp và vụ án do Tòa án nước ngoài đã ra bản án, quyết định (căn cứ điểm d khoản 1 Điều 472 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.