Xóa án tích đồng nghĩa với việc người bị kết án sẽ được đương nhiên coi như chưa bị kết án, hay nói cách khác, lý lịch tư pháp của người bị kết án sẽ trở nên trong sạch. Vậy theo quy định hiện nay, những tội nào sẽ không được đương nhiên xóa án tích?
Mục lục bài viết
1. Những tội nào sẽ không được đương nhiên xóa án tích?
Tại khoản 1 Điều 71 Bộ luật hình sự năm 2015, theo đó các tội quy định tại Chương XIII (các tội xâm phạm an ninh quốc gia) và Chương XXVI (tội chống hòa bình, chống loài người) Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), là những tội không thuộc trường hợp được xóa án tích đương nhiên, cụ thể bao gồm:
– Tội phản bội tổ quốc (Điều 108 Bộ luật Hình sự năm 2015);
– Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109 Bộ luật Hình sự năm 2015);
– Tội gián điệp (Điều 110 Bộ luật Hình sự năm 2015);
– Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (Điều 111 Bộ luật Hình sự năm 2015);
– Tội bạo loạn (Điều 112 Bộ luật Hình sự năm 2015);
– Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113 Bộ luật Hình sự năm 2015);
– Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114 Bộ luật Hình sự năm 2015);
– Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội (Điều 115 Bộ luật Hình sự năm 2015);
– Tội phá hoại chính sách đoàn kết (Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 2015);
– Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015);
– Tội phá rối an ninh (Điều 118 Bộ luật Hình sự năm 2015);
– Tội chống phá cơ sở giam giữ (Điều 119 Bộ luật Hình sự năm 2015);
– Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 120 Bộ luật Hình sự năm 2015);
– Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 121 Bộ luật Hình sự năm 2015);
– Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421 Bộ luật Hình sự năm 2015);
– Tội chống loài người (Điều 422 Bộ luật Hình sự năm 2015);
– Tội phạm chiến tranh (Điều 423 Bộ luật Hình sự năm 2015);
– Tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê (Điều 424 Bộ luật Hình sự năm 2015);
– Tội làm lính đánh thuê (Điều 425 Bộ luật Hình sự năm 2015).
Những tội danh này chỉ được xóa án tích khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án ra quyết định việc xóa án tích. Và việc Tòa án ra quyết định xóa án tích cho những tội danh này cũng cần phải được căn cứ vào những yếu tố khác nhau, có thể được căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án.
Ngoài 19 tội nêu trên thì người bị kết án sẽ thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích, nếu đáp ứng được những điều kiện luật định, đó là từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
– 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, bị phạt phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
– 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
– 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
– 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
2. Những tội không đương nhiên được xóa án tích, sẽ được xóa án tích khi nào?
Đối với các tội quy định tại Chương XIII (các tội xâm phạm an ninh quốc gia) và Chương XXVI (tội chống hòa bình, chống loài người) Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) theo nhu phân tích nêu trên, cần phải thực hiện thủ tục xóa án tích theo quyết định của Tòa án, căn cứ theo Điều 71 Bộ luật Hình sự năm 2015. Thủ tục xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện:
Thứ nhất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ ra quyết định xóa án tích cho các loại tội phạm nêu trên căn cứ vào tính chất và mức độ tội phạm đã thực hiện trên thực tế, căn cứ vào thái độ chấp hành pháp luật của các đối tượng phạm tội và thái độ lao động cải tạo của những người bị kết án;
Thứ hai, người bị kết án sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tòa án tích nếu kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính và chấp hành xong thời gian thử thách án treo theo quy định của pháp luật, những người bị kết án về các loại tội phạm nêu trên đã chấp hành xong hình phạt bổ sung và chấp hành các quyết định khác của bản án có hiệu lực, và các đối tượng này cũng không thực hiện hành vi phạm tội mới trong phản thời gian sau:
– 03 năm trong trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 05 năm;
– 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
– 07 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung theo quy định của pháp luật, thông thường sẽ là hình phạt quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn trên thì thời hạn được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung. Đối với trường hợp người bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm mới được xin xóa án tích, trong trường hợp bị bác đơn lần thứ hai trở đi thì sau 02 năm mới được xin xóa án tích.
Thứ ba, phải có đơn xin xóa án tích gửi tòa án. Và những đối tượng bị kết án về các tội nêu trên được tòa án ra quyết định cho xóa án tích.
3. Thủ tục xóa án tích theo quyết định của tòa án:
Đối với những tội không thuộc trường hợp được xóa án tích đương nhiên, nếu muốn xóa án tích thì phải thực hiện thủ tục xóa án tích theo quyết định của tòa án như phân tích ở trên. Thủ tục xóa án tích theo quyết định của tòa án căn cứ theo quy định tại Điều 369 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 được ghi nhận như sau:
Bước 1: Những người bị kết án khi muốn thực hiện thủ tục xóa án tích theo quyết định của tòa án thì cần phải chuẩn bị các giấy tờ để nộp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thành phần hồ sơ xin xóa án tích theo quyết định của tòa án bao gồm những loại tài liệu sau:
– Đơn xin xóa án tích theo mẫu do pháp luật quy định;
– Giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù của trại giam nơi thi hành án cấp;
– Giấy xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc thi hành xong các khoản bồi thường, án phí, tiền phạt;
– Giấy chứng nhận không phạm tội mới do công an cấp quận huyện, nơi người bị kết án thường trú cấp theo mẫu do pháp luật quy định;
– Bản sao chứng minh nhân dân/Căn cước công dân chứng thực.
Bước 2: Trong 03 ngày kể từ ngày nhận được đơn của người bị kết án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền là tòa án đã xét xử sơ thẩm chuyển tài liệu về việc xin xoá án tích cho viện kiểm sát cùng cấp.
Bước 3: Trong 05 ngày, thời gian này được tính kể từ ngày nhận tài liệu do tòa án chuyển đến, viện kiểm sát cùng cấp có ý kiến bằng văn bản và chuyển lại tài liệu cho Tòa án.
Bước 4: Nếu xét thấy đủ điều kiện thì trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận tài liệu do Viện kiểm sát chuyển đến, chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định xóa án tích; trường hợp chưa đủ điều kiện thì quyết định bác đơn xin xóa án tích.
Bước 5: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, thời gian này sẽ được tính kể từ ngày ra quyết định xóa án tích hoặc kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định bác đơn xin xóa án tích, tòa án đã ra quyết định phải gửi quyết định này cho người bị kết án, Viện kiểm sát cùng cấp, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc, học tập. Nhìn dung, thời gian để làm thủ tục xóa án tích theo quyết định của tòa án là doa động trong khoảng 18 ngày.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).